hieuluat
Chia sẻ email
Chủ Nhật, 08/01/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Ký hợp đồng thử việc: Người lao động và doanh nghiệp cần lưu ý gì?

Hợp đồng thử việc 2023 bao gồm những nội dung chính là gì? Thời gian thử việc là bao lâu? Tiền lương, thời gian thử việc thế nào? Cùng giải đáp trong bài viết sau đây.

Mục lục bài viết
  • Hợp đồng thử việc 2023 gồm những nội dung chính là gì?
  • Người lao động phải thử việc bao lâu?
  • Có được ký hợp đồng thử việc 2 lần không?
  • Tiền lương trong thời gian thử việc tính thế nào?
  • Tự ý nghỉ việc trong thời gian thử việc có được trả lương không?

Hợp đồng thử việc 2023 gồm những nội dung chính là gì?

Câu hỏi: Xin chào HieuLuat, tôi là nhân viên phòng nhân sự mới đi làm, sếp yêu cầu tôi soạn thảo lại mẫu hợp đồng thử việc.

Mong HieuLuat hướng dẫn giúp tôi, theo quy định hiện nay, mẫu hợp đồng thử việc gồm các nội dung chính nào? – P.H (Quảng Bình).

Hợp đồng thử việc 2023 không có sự thay đổi về điều khoản, quy chế hoặc căn cứ pháp lý so với năm 2022 do vẫn áp dụng quy định của Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản khác có liên quan.

Theo đó, các nhóm điều khoản thường có trong hợp đồng thử việc bao gồm:

  • Nhóm điều khoản về thông tin bên sử dụng lao động, bên lao động;

  • Nhóm điều khoản về quyền lợi, trách nhiệm của các bên;

  • Nhóm điều khoản về thời gian làm việc, thời hạn thử việc, vị trí, công việc cụ thể;

  • Nhóm điều khoản về bồi thường thiệt hại, trách nhiệm vật chất...;

  • Nhóm điều khoản về tiền lương, thời hạn trả lương;

  • Nhóm điều khoản về các chế độ phúc lợi trong quá trình thử việc;

  • Nhóm điều khoản về bảo hộ lao động...;

  • Các nhóm điều khoản khác tùy thuộc từng loại công việc;

Căn cứ khoản 2 Điều 24, Điều 21 Bộ luật Lao động 2019, hợp đồng thử việc gồm các nội dung chủ yếu sau:

  • Thời gian thử việc/thời hạn thử việc (ngày bắt đầu, ngày kết thúc);

  • Thông tin của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động (tên, địa chỉ trụ sở, mã số thuế);

  • Thông tin của người lao động: Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn sử dụng;

  • Công việc. địa điểm làm việc của người lao động trong thời gian thử việc;

  • Điều khoản về lương thử việc gồm: Mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác và các khoản khác liên quan đến lương;

  • Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi trong thời gian thử việc;

  • Điều khoản về trang bị bảo hộ lao động cho người lao động (nếu có)/hoặc các trang thiết bị cung cấp để phục vụ cho công việc;

  • Ngoài ra, tùy từng vị trí hay tính chất công việc cụ thể mà người lao động và người sử dụng lao động có thể đưa ra thêm những thỏa thuận khác cho phù hợp với điều kiện làm việc;

Như vậy, hợp đồng thử việc 2023 bao gồm những nội dung về người giao kết, người lao động, công việc,...các vấn đề khác liên quan đến công việc mà chúng tôi đã nêu trên.

Dựa trên hướng dẫn của chúng tôi, bạn đối chiếu với trường hợp của mình để có cách xử lý phù hợp.

Hợp đồng thử việc 2023 có thời hạn thực hiện tối đa mà không có tối thiểu

Hợp đồng thử việc 2023 có thời hạn thực hiện tối đa mà không có tối thiểu

Người lao động phải thử việc bao lâu?

Câu hỏi: Sau tết, tôi sẽ chính thức được tuyển vào làm lễ tân của tòa nhà của một công ty ở Hồ Chí Minh.

Tôi chưa hiểu rõ được thời gian thử việc phải mất bao lâu theo quy định mới nhất hiện nay. Vui lòng giải đáp giúp tôi ạ. – T.H (Bình Dương).

Thời gian thử việc là một trong những điều khoản của hợp đồng thử việc 2023.

Nói cách khác, trước khi ký tên trên hợp đồng, người lao động cần kiểm tra kỹ thời hạn thử việc là bao lâu, có trái quy định pháp luật không.

Hiện nay, thời gian thử việc có sự khác biệt tùy thuộc vào từng loại công việc với mức tối đa tương ứng là 180 ngày, hoặc 60 ngày hoặc 30 ngày hoặc 6 ngày.

Cụ thể, Điều 25 Bộ luật lao động năm 2019 quy định chi tiết về thời gian thử việc của người lao động theo từng vị trí công việc như sau:

Thời hạn thử việc

Loại hình/vị trí/đặc điểm công việc

≤ 180 ngày

Người quản lý doanh nghiệp

≤ 60 ngày

Công việc có chức danh nghề nghiệp mà cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên

≤ 30 ngày

Công việc có chức danh nghề nghiệp mà cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp hoặc công nhân kỹ thuật hoặc nhân viên nghiệp vụ

≤ 6 ngày

Các công việc khác

Do chúng tôi chưa rõ bạn đang thử việc ở vị trí công việc là gì, trình độ chuyên môn, kỹ thuật yêu cầu ra sao nên chưa thể kết luận chi tiết hơn.

Dựa trên quy định chúng tôi đã cung cấp, bạn đối chiếu với trường hợp của mình để có đáp án phù hợp.

Như vậy, tùy vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc mà thời gian thử việc khác nhau.

Thời gian thử việc cụ thể cho vị trí công việc ứng tuyển được ghi nhận rõ trong hợp đồng thử việc 2023. Bạn nên đọc kỹ điều khoản này trước khi ký kết.

Có được ký hợp đồng thử việc 2 lần không?

Câu hỏi: Tôi mới nhận được thông báo của phòng nhân sự nơi tôi đang trong thời gian thử việc 02 tháng tại phòng kế toán, là tôi phải thử việc thêm 30 ngày nữa do công ty đánh giá tôi chưa đạt thử việc.

Vậy công ty có đang vi phạm quy định trong Bộ luật Lao động không? – MA (Quảng Ninh).

Như chúng tôi đã phân tích, thời hạn thử việc là một trong những điều khoản của hợp đồng thử việc 2023. Thời hạn này phải đảm bảo tương ứng với thời hạn mà pháp luật đã quy định.

Hiện nay, pháp luật quy định số lần ký hợp đồng thử việc cho 1 vị trí công việc là 1 lần và thời gian thử việc không được vượt quá mức tối đa.

Do vậy, doanh nghiệp ký nhiều hơn 1 lần hợp đồng thử việc cho cùng 1 vị trí công việc là trái quy định pháp luật.

Cụ thể, Điều 25 Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019 quy định như sau:

Thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc.

Từ căn cứ trên, suy ra, thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc, hay với cùng một công việc, không được ký hợp đồng thử việc từ lần thứ hai trở đi.

Tuy nhiên, pháp luật không cấm thử việc nhiều lần với nhiều công việc khác nhau tại cùng một doanh nghiệp.

Như vậy, người sử dụng lao động và người lao động có thể ký hợp đồng thử việc 02 lần với hai công việc khác nhau.

Nếu người lao động hết thời gian thử việc mà vẫn không đạt yêu cầu của vị trí việc làm thì người sử dụng lao động vẫn có thể yêu cầu ký hợp đồng thử việc với các công việc khác mà người lao động chưa làm thử.

Thời gian thử việc này phải được ghi rõ trong hợp đồng thử việc 2023.

Nếu cùng vị trí kế toán viên mà công ty yêu cầu bạn ký 2 lần hợp đồng thử việc là trái quy định pháp luật. Bạn có thể thương lượng lại với công ty để có phương án xử lý phù hợp.

Không được thử việc 2 lần ở cùng 1 vị trí công việcKhông được thử việc 2 lần ở cùng 1 vị trí công việc


Tiền lương trong thời gian thử việc tính thế nào?

Câu hỏi: Tôi vừa nhận được email thông báo trúng tuyển và được vào thử việc tại công ty mới đi phỏng vấn hồi đầu tháng.

Cho tôi hỏi, trong thời gian thử việc, tiền lương sẽ được tính thế nào ạ? – V.N.A (Bắc Giang).

Tiền lương trong thời gian thử việc cũng là điều khoản không thể thiếu của hợp đồng thử việc.

Mức lương này được tính toán, ghi nhận trong hợp đồng theo thỏa thuận của các bên nhưng không được thấp hơn mức tối thiểu do luật quy định.

Theo đó, Điều 26 Bộ luật Lao động 2019 quy định tiền lương trong thời gian thử việc mà người lao động nhận được không được thấp hơn 85% mức lương của công việc đó.

Ví dụ, bạn thử việc cho vị trí công việc là nhân viên pháp chế.

Theo thang bảng lương của công ty, mức lương cho nhân viên chính thức của vị trí công việc này là 10 triệu đồng/1 tháng.

Suy ra, lương trong thời gian thử việc của bạn tối thiểu phải là 8,5 triệu đồng/tháng. Bạn và công ty có thể thỏa thuận với mức lương cao hơn.

Như vậy, lương thử việc là một trong những bộ phận cấu thành hợp đồng thử việc 2023.

Mức lương trong thời gian thử việc được các bên thỏa thuận và tối thiểu phải bằng 85% mức lương của công việc đó.


Tự ý nghỉ việc trong thời gian thử việc có được trả lương không?

Câu hỏi: Tôi mới thử việc được 15 ngày, tuy nhiên, công việc tôi được giao không đồng nhất với công việc tôi đã được trao đổi cụ thể trong buổi phỏng vấn.

Do đó, tôi không muốn tiếp tục thử việc ở đây nữa.

Vậy nếu tôi tự ý nghỉ việc khi đang thử việc thì tôi có được trả lương cho những ngày đã thử việc không? – V.A.T (Nha Trang).

Như chúng tôi đã phân tích ở trên, trong hợp đồng thử việc, điều khoản về chấm dứt hợp đồng lao động là không bắt buộc phải có.
Nếu các bên có thỏa thuận về các trường hợp chấm dứt hợp đồng thử việc mà các thỏa thuận này không trái quy định pháp luật thì được áp dụng theo hợp đồng.

Điều 26 Bộ luật Lao động 2019 quy định mức tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thoả thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.

Việc trả lương cho người lao động được thực hiện theo Điều 95 Bộ luật Lao động căn cứ vào năng suất, chất lượng và thỏa thuận giữa các bên khi thực hiện công việc.

Điều này cũng có nghĩa rằng, trong thời gian 15 ngày thử việc, bạn vẫn thực hiện công việc theo hợp đồng thử việc thì người sử dụng lao động vẫn phải trả lương cho bạn (trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác về việc trả lương trong hợp đồng thử việc).

Tóm lại, bạn vẫn nhận được tiền lương cho thời gian thực hiện công việc theo hợp đồng thử việc 2023, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc thỏa ước lao động tập thể hoặc quy chế lương hợp pháp của công ty bạn có quy định khác.

Lương thử việc tối thiểu bằng 85 phần trăm so với lương chính thức

Lương thử việc tối thiểu bằng 85 phần trăm so với lương chính thức

Tự ý nghỉ việc trong thời gian thử việc có phải báo trước không?

Câu hỏi: Tôi là sinh viên năm cuối, chuẩn bị nhận bằng tốt nghiệp. Tháng trước tôi có tham gia phỏng vấn và được nhận vào thử việc ở vị trí nhân viên phòng hành chính nhân sự, mảng tiền lương.

Tuy nhiên, vào thử việc đã hơn 3 tuần nhưng công việc tôi được giao không có liên quan đến mảng tiền lương mà chỉ thuần túy là tiếp nhận công văn đi và đến cùng việc soạn thảo một số văn bản hành chính nội bộ.

Tôi có trao đổi với quản lý của em nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng. Do đó, tôi định sẽ nghỉ việc từ tuần sau.

Cho tôi hỏi, trong thời gian tôi đang thử việc nghỉ việc ngang thì tôi có cần báo trước không? – D.H (Hưng Yên).

Hợp đồng thử việc 2023 bao gồm các điều khoản mà chúng tôi đã nêu trên, trong đó điều khoản về thời hạn thử việc là căn cứ để các bên kết thúc thời gian thử việc, tiến tới ký kết/hoặc không ký kết hợp đồng lao động.

Các bên được quyền kết thúc thời gian thử việc theo hợp đồng đã ký kết hoặc đơn phương mà không cần báo trước.

Cụ thể, khoản 2 Điều 27 BLLĐ năm 2019 quy định về kết thúc thời gian thử việc thì:

  • Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước;

  • Bên hủy bỏ hợp đồng thử việc không phải bồi thường;

Như vậy, theo quy định này, từ ngày 01/01/2021, người lao động nghỉ trong thời gian thử việc không cần báo trước cho người sử dụng lao động và không phải bồi thường.

Mặt khác, người sử dụng lao động cũng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động mà không cần báo trước nếu đang trong thời gian thử việc.

Đáng chú ý, với quy định tại BLLĐ năm 2019, người lao động khi tự ý nghỉ trong thời gian thử việc sẽ không phải bồi thường cho người sử dụng lao động.

Hết thời gian thử việc, có đương nhiên được chuyển sang hợp đồng lao động chính thức?

Câu hỏi: Tôi đã kết thúc thời gian thử việc 02 tháng theo đúng thỏa thuận.

Thời gian thử việc của tôi đã quá 05 ngày nhưng tôi chưa nhận được bất cứ thông báo nào từ phòng Hành chính nhân sự công ty.

Hiện tôi vẫn đang làm việc bình thường tại công ty. Cho tôi hỏi là như vậy có phải là công ty đã mặc định chuyển hợp đồng của tôi sang là hợp đồng chính thức rồi phải không?

Chân thành cảm ơn HieuLuat. – V.H.Đ (Quảng Nam).

Thời hạn thử việc được các bên thỏa thuận và ghi nhận trong hợp đồng thử việc.

Đây là khoảng thời gian thực tế giúp doanh nghiệp và người lao động có cơ hội đánh giá mức độ phù hợp của nhau để đi đến quyết định có tiếp tục hợp tác với nhau nữa hay không.

Hiện nay, pháp luật lao động không quy định khi hết thời hạn, hợp đồng thử việc được tự động chuyển thành hợp đồng lao động (trừ trường hợp các bên giao kết hợp đồng lao động nhưng có điều khoản thử việc trong đó).

Theo đó, pháp luật quy định, khi kết thúc thời hạn này, các bên cần thỏa thuận, thống nhất để tiến tới giao kết hợp đồng lao động hoặc chấm dứt thử việc (Điều 27 Bộ luật Lao động 2019).

Vậy nên, kết thúc thời hạn làm việc theo hợp đồng thử việc 2023, hợp đồng của bạn không đương nhiên là hợp đồng lao động.

Khi kết thúc thời gian thử việc mà chưa nhận được thông báo từ phía công công ty, bạn nên trực tiếp liên hệ với bộ phận nhân sự nơi mình làm việc để biết rõ kết quả thử việc và quyết định tiếp theo từ phía công ty nhằm bảo vệ quyền lợi cho bản thân như chế độ bảo hiểm, ốm đau, thai sản...

Trên đây là giải đáp thắc mắc của chúng tôi về hợp đồng thử việc 2023, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

Lê Ngọc Khánh

Tham vấn bởi: Luật sư Lê Ngọc Khánh

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X