hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 29/03/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Hợp đồng thử việc và hợp đồng lao động khác nhau thế nào?

Hiện nay, hầu hết các công ty đều áp dụng chế độ thử việc trước khi ký hợp đồng lao động chính thức với người lao động. Vậy hợp đồng thử việc và hợp đồng lao động khác nhau thế nào?

Mục lục bài viết
  • Hợp đồng thử việc là gì?
  • Hợp đồng lao động là gì?
  • Hợp đồng thử việc và hợp đồng lao động khác nhau thế nào?
Câu hỏi: Câu hỏi: Xin chào Vanbanluat, tôi có một thắc mắc xin được giải đáp như sau:

Tôi là Hoa, năm nay 24 tuổi, đang xin việc tại một Công ty với vị trí marketing. Tuy nhiên, công ty đưa ra hợp đồng thử việc và nói tôi phải thử việc trong vòng 60 ngày.

Sau đó, nếu đạt yêu cầu mới được ký hợp đồng lao động. Nhưng bạn bè tôi nói rằng hợp đồng thử việc chính là hợp đồng lao động? Điều này có đúng không ạ? Xin cảm ơn!

Trả lời:

Hợp đồng thử việc là gì?

Theo khoản 1 Điều 24 Bộ luật Lao động 2019 quy định thì người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.

hop dong thu viec la gi
Hợp đồng thử việc là gì? (Ảnh minh họa)

Như vậy, có thể hiểu hợp đồng thử việc chính là hình thức thể hiện nhằm ghi nhận thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động về việc làm thử, quyền và nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc.


Hợp đồng lao động là gì?

Theo Điều 13 Bộ luật Lao động 2019 quy định hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

hop dong lao dong la gi

Hợp đồng lao động là gì? (Ảnh minh họa)

Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.


Hợp đồng thử việc và hợp đồng lao động khác nhau thế nào?

Hợp đồng thử việc và hợp đồng lao động là hai loại hợp đồng khác nhau, cụ thể:

Tiêu chí

Hợp đồng thử việc

Hợp đồng lao động

Về bản chất

Bản chất là thỏa thuận về việc người lao động có thời gian để thể hiện khả năng, sự phù hợp với công ty và công ty có cơ sở để đánh giá và quyết định nhận người lao động làm việc hay không.

Người lao động và người sử dụng lao động có sự ràng buộc chặt chẽ hơn.

Phân loại

Nội dung thử việc có thể được giao kết bằng hợp đồng thử việc riêng hoặc được ghi trong hợp đồng lao động.

Còn theo Điều 20 Bộ luật Lao động 2019 quy định thì hợp đồng lao động gồm hợp lao động không xác định thời hạn và hợp đồng lao động xác định thời hạn. Bộ luật hiện hành đã bỏ hợp đồng mùa vụ.

Thời gian thực hiện hợp đồng

Theo Điều 25 Bộ luật Lao động 2019 quy định thì do hai bên tự thỏa thuận nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm:

Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;

Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;

Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.

Tuân theo thời gian được ghi trong hợp đồng lao động.

Tiền lương

Theo Điều 26 Bộ luật Lao động 2019 quy định mức lương thử việc do người lao động và người sử dụng lao động tự thỏa thuận nhưng ít nhất bằng 85% mức lương của công việc đó.

Theo từng vị trí công việc mà người lao động và người sử dụng lao động tự thỏa thuận với nhau.

Chấm dứt hợp đồng

Theo khoản 2 Điều 27 Bộ luật Lao động 2019 quy định thì người lao động hoặc người sử dụng lao động được phép hủy bỏ hợp đồng bất kỳ lúc nào và không cần phải thông báo trước.

Như vậy, đối với hợp đồng thử việc không cần thông báo trong mọi trường hợp.

Hợp đồng lao động được chấm dứt theo các trường hợp được quy định tại Điều 34 Bộ luật này.

Theo quy định tại Điều 35, 36 Bộ luật này thì người lao động/người sử dụng lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và nghĩa vụ phải báo trước hay không sẽ tùy vào từng trường hợp và từng loại hợp đồng.

Đồng thời, pháp luật cũng quy định trường hợp người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo Điều 37 Bộ luật này.

Còn muốn chấm dứt hợp đồng lao động sẽ phát sinh nghĩa vụ thông báo hoặc không tùy từng trường hợp cụ thể.

Hậu quả pháp lý khi chấm dứt hợp đồng

Theo khoản 2 Điều 27 Bộ luật này thì các bên không phải bồi thường khi chấm dứt hợp đồng.

Theo Điều 40 Bộ luật này thì khi người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật sẽ phải bồi thường nửa tháng tiền lương theo hợp đồng và khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng trong những ngày không báo trước. Ngoài ra sẽ phải hoàn trả cả chi phí đào tạo (nếu có).

Còn nếu người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng trái pháp luật cũng sẽ có nghĩa vụ bồi thường theo Điều 41 Bộ luật này. Có thể thấy các khoản bồi thường mà người sử dụng gánh chịu lớn hơn so với người lao động.

Trên đây là giải đáp về vấn đề hợp đồng thử việc và hợp đồng lao động khác nhau thế nào? Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X