hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 08/10/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Cho bạn vay tiền, tôi có cần phải làm hợp đồng không?

Vay tiền là một trong những giao dịch phổ biến nhất hiện nay. Với những khoản tiền nhỏ, các bên thường giao dịch bằng miệng. Tuy nhiên, với số tiền lớn, việc cho vay thường được lập thành hợp đồng để tránh rủi ro. Vậy cho vay tiền có bắt buộc phải lập thành hợp đồng? Mẫu hợp đồng vay tiền ra sao?

Mục lục bài viết
  • Hợp đồng vay tiền là gì? Có bắt buộc lập thành văn bản?
  • Mẫu hợp đồng vay tiền hiện nay thế nào?
  • Có thể cho vay tiền với lãi suất tối đa là bao nhiêu?
  • Nếu xảy ra tranh chấp, phải giải quyết thế nào?
Câu hỏi: Một người bạn đang hỏi vay của tôi một số tiền tương đối lớn để đầu tư làm ăn. Vậy xin hỏi khi cho vay tôi có cần lập thành hợp đồng không? Nếu có thì sử dụng mẫu hợp đồng nào cho chuẩn? Ngoài ra, quy định về lãi suất trong hợp đồng vay thế nào? Rất mong giải đáp giúp tôi những vấn đề này. Xin cảm ơn! – Oanh Nguyễn (Đông Anh).

Hợp đồng vay tiền là gì? Có bắt buộc lập thành văn bản?

Pháp luật hiện nay chưa có quy định về hợp đồng vay tiền, tuy nhiên do tiền là một loại tài sản nên có thể hiểu hợp đồng vay tiền dựa trên quy định về hợp đồng vay tài sản tại Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Theo quy định trên có thể hiểu hợp đồng vay tiền là sự thỏa thuận của các bên về việc bên cho vay giao tiền cho bên vay. Khi đến hạn trả theo thỏa thuận, bên vay phải trả bên cho vay số tiền đã vay trước đó.

Cũng theo quy định tại Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015, việc vay tiền có thể bằng miệng hoặc bằng văn bản. Trường hợp pháp luật có quy định giao dịch phải được thực hiện bằng văn bản và công chứng, chứng thực thì phải thực hiện theo quy định (ví dụ: tổ chức tín dụng cho vay tiền,...).

Do đó, giao dịch vay tiền không bắt buộc lập thành văn bảnkhông bắt buộc công chứng, chứng thực nếu không thuộc trường hợp pháp luật quy định.

Mặc dù vậy, để đảm bảo pháp lý và tránh những rủi ro, kiện tụng về sau, khi cho vay một khoản tiền lớn các bên vẫn nên tiến hành xác lập hợp đồng vay tiền.

 

Mẫu hợp đồng vay tiền hiện nay thế nào?

Do đây là giao dịch cho vay giữa các cá nhân nên bạn có thể tham khảo mẫu hợp đồng vay tiền sau đây:

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

HỢP ĐỒNG VAY TIỀN

Hôm nay, ngày ..... tháng .... năm ....., tại ............................ Chúng tôi gồm:

I. BÊN CHO VAY (BÊN A):

Ông/bà ................................; Sinh năm ..........; Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu:..................................do .................................cấp ngày ...............; Hộ khẩu thường trú tại .........................................................        

Điện thoại: .......................................

Ông/bà ................................; Sinh năm ..........; Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu:..................................do .................................cấp ngày ...............; Hộ khẩu thường trú tại .........................................................        

Điện thoại: .......................................

II. BÊN VAY (BÊN B):

Ông/bà ................................; Sinh năm ..........; Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu:..................................do .................................cấp ngày ...............; Hộ khẩu thường trú tại .........................................................        

Điện thoại: .......................................

Các bên tự nguyện cùng nhau lập và ký Hợp đồng vay tiền này với các nội dung thỏa thuận cụ thể như sau:

ĐIỀU 1: ĐỐI TƯỢNG CỦA HỢP ĐỒNG

Bên A đồng ý cho bên B vay và bên B đồng ý vay số tiền là: ……………… (Bằng chữ: ………………………………………………………… đồng chẵn).

Mục đích vay: ……………………………………………………………………...

ĐIỀU 2: THỜI HẠN VÀ PHƯƠNG THỨC VAY

Thời hạn vay: ....................... kể từ ngày ………… đến ngày ……………..

Phương thức vay: Bên A giao toàn bộ số tiền cho bên B bằng hình thức (1) .................................... vào ngày ...................................

Phương thức và thời hạn trả nợ: Bên B phải trả lãi cho bên A định kỳ vào ngày ………………….. và phải trả toàn bộ gốc chậm nhất là ngày ………………………………… bằng hình thức (1) ……………………..

ĐIỀU 3: LÃI SUẤT

Các bên thỏa thuận lãi suất cho toàn bộ số tiền vay nêu trên là ................... Trước khi hợp đồng này hết hạn vào ngày................., nếu bên B muốn tiếp tục vay thì phải báo trước trong thời gian ............... ngày và nhận được sự đồng ý bằng văn bản của bên A.

Nếu quá thời hạn vay nêu trên mà bên B không thanh toán số tiền gốc và tiền lãi thì bên B phải chịu lãi suất quá hạn bằng (2) ...% lãi suất vay tương ứng với thời gian chậm trả.

ĐIỀU 4: THỎA THUẬN CỦA CÁC BÊN

- Những chi phí có liên quan đến việc vay nợ như: Phí, thù lao công chứng, phí chuyển tiền… bên B có trách nhiệm thanh toán.

- Các bên tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc giao và nhận tài sản vay;

- Bên A cam đoan số tiền cho vay trên là tài sản hợp pháp và thuộc quyền sở hữu của bên A;

- Việc vay và cho vay số tiền nêu trên là hoàn toàn tự nguyện, không bị lừa dối, không bị ép buộc, không nhằm trốn tránh bất kỳ nghĩa vụ nào;

- Bên B cam kết sử dụng tiền vay vào đúng mục đích tại Điều 1 của Hợp đồng này;

- Bên B cam kết trả tiền (tiền gốc và tiền lãi) đúng hạn, chỉ được ra hạn khi có sự chấp thuận của bên A bằng văn bản (nếu có sau này); Trường hợp chậm trả thì bên B chấp nhận chịu mọi khoản lãi phạt, lãi quá hạn... theo quy định pháp luật (nếu có);

- Các bên cam kết thực hiện đúng theo Hợp đồng này. Nếu bên nào vi phạm thì bên đó sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật;

- Trong quá trình thực hiện Hợp đồng, nếu có tranh chấp xảy ra, hai bên cùng nhau thương lượng, giải quyết trên nguyên tắc tôn trọng quyền lợi của nhau. Nếu không giải quyết được thì một trong hai bên có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Hợp đồng này có hiệu lực kể từ ngày ký và được lập thành ….. (…..) bản chính có giá trị pháp lý như nhau, mỗi bên giữ …. (…..) bản để thực hiện.

            BÊN CHO VAY                                                  BÊN VAY

(Ký tên, điểm chỉ, ghi rõ họ tên)                  (Ký tên, điểm chỉ, ghi rõ họ tên)

 

Ghi chú:

(1) Hình thức vay hoặc trả lãi có thể bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản. Nếu bằng chuyển khoản thì nêu rõ số tài khoản, ngân hàng và tên chủ tài khoản.

(2) Lãi suất quá hạn không quá 150%.

hop dong vay tien

Hợp đồng vay tiền thực chất là loại hợp đồng dân sự (Ảnh minh họa)


Có thể cho vay tiền với lãi suất tối đa là bao nhiêu?

Lãi suất vay tiền cũng là vấn đề được các bên quan tâm, thông thường các hợp đồng vay tiền đều có quy định về lãi suất thế nhưng mức lãi suất cho vay phải thực hiện đúng theo quy định.

Đầu tiên, cần xác định rằng việc quy định về lãi suất hoàn toàn dựa trên thỏa thuận của các bên, tức là không bắt buộc giao dịch cho vay tiền phải tính lãi suất.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì theo Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015, lãi suất được xác định như sau:

- Lãi suất thỏa thuận tối đa là 20%/năm của khoản tiền vay (trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác).

Nếu lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

- Trường hợp có thoả thuận về trả lãi nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn nêu trên.

Tóm lại, khi lập hợp đồng vay tiền, các bên có thể thỏa thuận về việc trả lãi hay không? Nếu có thì mức lãi suất không được vượt quá 20%/năm tính trên khoản tiền cho vay.

 

Nếu xảy ra tranh chấp, phải giải quyết thế nào?

Trường hợp có tranh chấp xảy ra, các bên tiến hành hòa giải, thương lượng. Đây là phương thức giải quyết giúp tiết kiệm thời gian cũng như chi phí. Tuy nhiên không phải khi nào các bên cũng đạt được thỏa thuận cuối cùng.

Bởi đây là giao dịch dân sự nên khi xảy ra tranh chấp mà không thể tiến tới hòa giải thì một trong các bên khởi kiện giải quyết tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Điều này được ghi nhận tại Điều 186 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Thủ tục khởi kiện, giải quyết vụ án dân sự như sau:

Bước 1: Chuẩn bị Đơn khởi kiện gửi đến Tòa án có thẩm quyền (theo khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú).

Nội dung đơn gồm:

- Ngày – tháng – năm làm đơn khởi kiện;

- Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;

- Các thông tin cá nhân của người khởi kiện: Tên, nơi cư trú, nơi làm việc,...

Bước 2: Tiếp nhận đơn khởi kiện

Tòa án nhận đơn kèm theo các tài liệu, chứng cứ của người khởi kiện.

- Trường hợp hồ sơ hợp lệ: Thẩm phán thông báo cho người khởi kiện biết để nộp tiền tạm ứng án phí.

Bước 3: Thẩm phán tiến hành thụ lý vụ án.

Bước 4: Xem xét và chuẩn bị xét xử vụ án.

Ở đoạn này, Tòa án tiến hành họp kiểm tra giao nộp, công khai chứng cứ và hòa giải.

Sau đó, ban hành các quyết định như: Công nhận hòa giải thành, tạm đình chỉ vụ án hoặc đình chỉ vụ án,...

Bước 5: Đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm

(Nếu vụ án không thuộc các trường hợp công nhận hòa giải thành, đình chỉ vụ án,...).

Trên đây là những giải đáp liên quan đến hợp đồng vay tiền. Nếu còn có thêm vướng mắc, bạn có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

>> Khởi kiện công ty tài chính vì cho vay lãi suất cao được không?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X