hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 04/07/2019
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Hướng dẫn soạn nội dung hợp đồng giúp việc gia đình

Khi thuê giúp việc, chủ nhà phải làm hợp đồng bằng văn bản để quy định cụ thể các quyền lợi, nghĩa vụ và thỏa thuận giữa các bên, tránh xảy ra tranh chấp sau này.

Hợp đồng giúp việc gia đình phải được lập thành văn bản

Người sử dụng lao động phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người giúp việc gia đình. Hợp đồng lao động được lập ít nhất thành hai bản, người sử dụng lao động giữ một bản, người lao động giữ một bản.

Khi ký kết hợp đồng lao động với người lao động không biết chữ, người sử dụng lao động đọc toàn bộ nội dung hợp đồng lao động để người lao động nghe và thống nhất nội dung trước khi ký hợp đồng lao động; trường hợp cần thiết người lao động yêu cầu người sử dụng lao động mời người thứ ba không phải là thành viên của hộ gia đình làm chứng trước khi ký hợp đồng lao động.

 Trường hợp người sử dụng lao động có thuê mướn, sử dụng nhiều lao động là người giúp việc gia đình thì người sử dụng lao động ký kết hợp đồng lao động với từng người lao động.

Không chỉ phải ký hợp đồng bằng văn bản, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ký hợp đồng lao động, người sử dụng lao động gửi thông báo bằng văn bản tới UBND xã, phường, thị trấn nơi người lao động làm việc về việc sử dụng lao động giúp việc gia đình.

Nội dung của hợp đồng giúp việc gia đình

Theo Thông tư 19/2014/TT-BLĐTBXH, nội dung chủ yếu của hợp đồng giúp việc gia đình bao gồm:

Thông tin cá nhân của các bên ký hợp đồng lao động

Thông tin cá nhân gồm họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, số chứng minh nhân dân hoặc số hộ chiếu, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, địa chỉ nơi ở hiện tại của 2 bên;

- Đối với người làm chứng (nếu có), người báo tin khi cần thiết của người lao động cần có họ tên, địa chỉ, số chứng minh nhân dân.

Công việc và địa điểm làm việc

- Công việc người lao động phải làm thường xuyên hàng giờ, hàng ngày, hàng tuần hoặc hàng tháng;

 Địa điểm làm việc: địa chỉ của hộ gia đình hoặc các hộ gia đình nơi người lao động làm việc.

Thời hạn của hợp đồng lao động

- Loại hợp đồng lao động;

- Thời điểm bắt đầu thực hiện hợp đồng: từ ngày, tháng, năm;

- Thời điểm kết thúc hợp đồng: đến ngày, tháng, năm (đối với hợp đồng xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng).

Hướng dẫn soạn hợp đồng giúp việc gia đình

Hướng dẫn soạn hợp đồng giúp việc gia đình

Tiền lương

- Mức lương, phụ cấp (nếu có) và các khoản bổ sung khác (nếu có);

- Điều kiện, thời gian điều chỉnh mức lương, phụ cấp, trợ cấp và các khoản bổ sung khác (nếu có);

- Hình thức trả lương: bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản;

- Thời hạn trả lương: ghi thời điểm trả lương cố định trong ngày hoặc trong tuần hoặc trong tháng.

Tiền thưởng (nếu có)

- Điều kiện hưởng tiền thưởng;

- Mức thưởng, kỳ hạn trả thưởng và hình thức trả (bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản) cho người lao động.

Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi

- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi

Trường hợp người lao động không sống tại gia đình người sử dụng lao động: ghi thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc công việc trong ngày;

Trường hợp người lao động sống tại gia đình người sử dụng lao động: ghi số giờ nghỉ trong một ngày, trong đó số giờ nghỉ liên tục; thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc nghỉ liên tục.

- Số ngày làm việc trong một tuần;

- Ngày nghỉ hàng tuần: ghi ngày nghỉ cố định trong tuần (theo lịch);

- Số ngày nghỉ hàng năm (nếu có);

- Số ngày nghỉ không hưởng lương (nếu có).

Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

- Bảo hiểm xã hội: Số tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo tháng thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động; hình thức trả (bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản cho người lao động);

- Bảo hiểm y tế: số tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm y tế bắt buộc theo tháng thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế; kỳ hạn trả; hình thức trả;

- Trách nhiệm tự lo bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động.

Ăn và chỗ ở của người lao động

- Chi phí ăn, ở của người lao động do người sử dụng lao động đài thọ hoặc người lao động trả cho người sử dụng lao động;

- Người sử dụng lao động và người lao động có trách nhiệm đảm bảo ăn, ở sạch sẽ, hợp vệ sinh.

Trách nhiệm bồi thường

- Bồi thường khi người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động; mức bồi thường; hình thức bồi thường; thời hạn bồi thường;

- Bồi thường khi người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản khác của người sử dụng lao động; mức bồi thường, hình thức bồi thường.

Những hành vi nghiêm cấm

Bao gồm hành vi nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động và các thành viên trong hộ gia đình đối với người lao động và hành vi nghiêm cấm đối với người lao động.

Xem thêm:

Thuê giúp việc gia đình: Đơn giản nhưng dễ sai luật

Quyền lợi giúp việc gia đình đuợc hưởng đúng luật

hieuluat.vn

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X