hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 10/03/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Kết hôn trong phạm vi ba đời bị xử phạt như thế nào?

Có rất nhiều cặp đôi là họ hàng xa vì quen biết từ lâu và phát sinh tình cảm nên muốn tiến tới hôn nhân. Tuy nhiên, việc kết hôn trong phạm vi ba đời thì có vi phạm pháp luật hay không và sẽ bị xử lý như thế nào?

Mục lục bài viết
  • Thế nào là người có họ trong phạm vi 3 đời?
  • Có được phép kết hôn với người có họ trong phạm vi 3 đời không?
  • Tại sao cấm kết hôn trong phạm vi ba đời?
  • Kết hôn trong phạm vi ba đời bị xử phạt như thế nào?
  • Có được phép cản trở người khác kết hôn?
Câu hỏi: Câu hỏi: Xin chào Vanbanluat cho em hỏi một vấn đề: Em và một bạn nam yêu nhau và muốn kết hôn. Tuy nhiên, gia đình em nói rằng chúng em có họ trong phạm 3 đời nên không thể kết hôn với nhau được.

Ý kiến của gia đình em có đúng không ạ? Có ai được cản trở việc kết hôn không? Nếu chúng em vẫn kết hôn và đến UBND đăng ký có được cấp giấy chứng nhận kết hôn hay không? Xin cảm ơn - Nguyễn Minh Hạ (xxxxmai101080@gmail.com).

Trả lời:

Thế nào là người có họ trong phạm vi 3 đời?

Theo quy định tại khoản 18 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 giải thích: Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba.

Ví dụ: Mẹ của bạn và mẹ của người yêu bạn là hai chị em thì cách xác định những người có họ trong phạm vi 03 đời như sau: Bà nội của bạn và của người yêu bạn là đời thứ nhất; mẹ của hai bạn là đời thứ hai; các bạn là đời thứ ba.

Có được phép kết hôn với người có họ trong phạm vi 3 đời không?

Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.

Theo khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

“Điều 8. Điều kiện kết hôn

1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.”

Trong đó, điểm d khoản 2 Điều 5 Luật này quy định cấm kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi ba đời.

ket hon trong phamvi ba doi bi xu ly nhu the nao

Kết hôn trong phạm vi ba đời bị xử lý thế nào? (Ảnh minh họa)

Theo đó khi muốn kết hôn ngoài việc đảm bảo đầy đủ các điều kiện về độ tuổi, năng lực hành vi, sự tự nguyện của các bên thì việc kết hôn không thuộc trường hợp bị cấm.

Như vậy, pháp luật không cho phép kết hôn trong phạm vi ba đời. Do đó, bạn sẽ không được cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn khi đi đăng ký tại UBND.

Tại sao cấm kết hôn trong phạm vi ba đời?

Nhà nước đặt ra quy định cấm những người có họ trong phạm vi ba đời kết hôn với nhau xuất phát từ các lý do sau:

Thứ nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của đứa trẻ: Theo các kết quả nghiên cứu của các chuyên gia trong lĩnh vực y học thì những đứa trẻ được sinh ra do bố mẹ cận huyết thống thường mắc các bệnh như bệnh tan máu bẩm sinh, bạch tạng, mù màu, đần độn,….

Thứ hai, ảnh hưởng đến chất lượng dân số: Khi những đứa trẻ được sinh ra không đảm bảo sức khỏe sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi, nhất là ở vùng sâu vùng xa, điều kiện kinh tế chưa phát triển thì chất lượng sống sẽ càng thấp.

Thứ ba, tạo áp lực cho ngành y: Khi số lượng trẻ dị tật sinh ra càng nhiều thì nhu cầu sử dụng dịch vụ bệnh viện, tiện ích y tế càng cao. Như vậy có thể dẫn đến tình trạng quá tải hệ thống y tế.

Kết hôn trong phạm vi ba đời bị xử phạt như thế nào?

Theo điểm a khoản 2 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định những người có họ trong phạm vi ba đời kết hôn sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Mức phạt này tăng mạnh so với mức phạt tại Nghị định số 67/2015/NĐ-CP trước đây (từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng).

Có được phép cản trở người khác kết hôn?

Cản trở kết hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ,ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để ngăn cản việc kết hôn của người có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình hoặc buộc người khác phải duy trì quan hệ hôn nhân trái với ý muốn của họ.

Nếu một người có hành vi cản trở kết hôn sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP.

Tuy nhiên, trong trường hợp của bạn không đủ điều kiện kết hôn nên nếu như hai bên gia đình có ngăn cản thì không phải là hành vi cản trở kết hôn.

Nói tóm lại, pháp luật cấm kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi ba đời, với trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính. Mặt khác, việc kết hôn với người có họ hàng xa cũng sẽ để lại hệ lụy như con cái sinh ra dễ bị dị tật.

Trên đây là giải đáp liên quan đến kết hôn trong phạm vi ba đời. Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi tại đây. Các chuyên gia pháp lý của hieuluat.vn sẽ hỗ trợ bạn câu trả lời trong vòng 24 giờ làm việc, nếu câu hỏi đầy đủ thông tin.

Có thể bạn quan tâm

X