Khi vấn đề “trạm thu phí” và “trạm thu giá” đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận, cùng tìm hiểu khái niệm phí, lệ phí, giá quy định như thế nào trong các văn bản pháp luật hiện hành.
Khái niệm phí, lệ phí
Luật phí và lệ phí 2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 định nghĩa về khái niệm phí và lệ phí như sau:
- Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công.
- Lệ phí là khoản tiền được ấn định mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công, phục vụ công việc quản lý nhà nước.
Tổ chức thu phí, lệ phí bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công, phục vụ công việc quản lý nhà nước được thu phí, lệ phí.
Khái niệm phí, lệ phí, giá được pháp luật quy định như nào?
Khái niệm giá
Về khái niệm giá, Luật giá năm 2012 hiện chưa có quy định cụ thể. Tuy nhiên, Luật này đã đưa ra một số khái niệm liên quan, bao gồm:
- Giá thị trường là giá hàng hóa, dịch vụ hình thành do các nhân tố chi phối và vận động của thị trường quyết định tại một thời điểm, địa điểm nhất định.
- Định giá là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quy định giá cho hàng hóa, dịch vụ.
- Kê khai giá là việc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ gửi thông báo mức giá hàng hóa, dịch vụ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi định giá, điều chỉnh giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc diện phải kê khai giá.
- Yếu tố hình thành giá là giá thành toàn bộ thực tế hợp lý tương ứng với chất lượng hàng hóa, dịch vụ; lợi nhuận (nếu có); các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; giá trị vô hình của thương hiệu.
- Mặt bằng giá là mức trung bình của các mức giá hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế ứng với không gian, thời gian nhất định và được đo bằng chỉ số giá tiêu dùng.
Nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường; tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Như vậy, theo các khái niệm nêu trên, có thể hiểu phí, lệ phí thường sử dụng đối với các dịch vụ công, còn giá thường được chính các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh định đoạt trong khuôn khổ của pháp luật.