hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Bảy, 27/05/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Khám thai có được hưởng BHYT không? Nếu có thì được khám mấy lần?

Để theo dõi sức khỏe của mẹ và thai nhi thì khám thai là việc hết sức quan trọng. Song chi phí mỗi lần khám thai không hề ít. Vậy đi khám thai có được hưởng BHYT không?

Mục lục bài viết
  • Khám thai có được hưởng BHYT không?
  • Người lao động được nghỉ khám thai mấy lần?
  • Khám thai trái tuyến có được hưởng BHYT không?

Khám thai có được hưởng BHYT không?

Câu hỏi: Chào Hieuluat, mong các anh chị giải đáp giúp tôi có phải cứ đi khám thai là được hưởng BHYT không? (Đinh Thị Hồng – Cà Mau).

Để trả lời câu hỏi khám thai có được hưởng BHYT không, ta cần căn cứ vào các quy định sau:

Theo hướng dẫn tại điểm a khoản 1 Điều 21 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014), người lao động khám thai định kỳ (khám thai theo lịch mà bệnh viện yêu cầu, tuân theo quy trình khám tiêu chuẩn) sẽ được BHYT chi trả.

Đồng thời theo khoản 4 Điều 23 Luật này, việc xét nghiệm thai không nhằm mục đích điều trị sẽ nằm ngoài danh mục được BHYT chi trả

Như vậy, lao động nữ đi khám thai sẽ được hưởng bảo hiểm y tế khi đi khám định kỳ, khám thai với mục đích điều trị.

Ví dụ: Lao động nữ đến viện kiểm tra thai nhi để kiểm tra sức khỏe của em bé, kiểm tra tử cung, buồng trứng…thì sẽ được BHYT thanh toán, còn nếu đến khám siêu âm để sàng lọc, xác định giới tính thai nhi thì phải tự chi trả.

Khám thai có được hưởng BHYT không?

Khám thai có được hưởng BHYT không? (Ảnh minh họa)

Người lao động được nghỉ khám thai mấy lần?

Câu hỏi: Tôi mới có thai lần đầu, nên các chế độ thai sản từ lúc đang trong thai kỳ, tôi chưa nắm rõ được, đặc biệt là tôi sẽ được hưởng mấy lần đi khám thai, và mỗi lần được nghỉ mấy ngày? Mong Hieuluat cung cấp thêm thông tin giúp tôi. Tôi xin cảm ơn (Trương Thị Xuân – Bình Dương).

Căn cứ nội dung Điều 32 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014:

- Trong quá trình mang thai, người lao động đang có thai sẽ được nghỉ 05 lần để đi khám, mỗi lần nghỉ tương ứng với 01 ngày;

- Trường hợp lao động nữ cách xa bệnh viện, có bệnh lý hoặc tình trạng thai không bình thường thì được nghỉ 05 lần để khám thai, mỗi lần nghỉ tương ứng 02 ngày.

Như vậy, trong suốt thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ tối đa là 10 ngày để đi khám thai.

*Lưu ý: Thời gian này là thời gian làm việc, không tính vào ngày lễ, Tết cũng như ngày nghỉ hằng tuần.

Khám thai trái tuyến có được hưởng BHYT không?

Câu hỏi: Là một công nhân tại xưởng may mặc ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long, mang thai ở tháng thứ 2, hiện tôi đang bị nghén rất nhiều, nên sức khỏe không được tốt. Sắp tới, tôi định đi kiểm tra tại Bệnh viện Nhi Trung ương cho yên tâm.

Cho tôi hỏi, khi đi khám thai, thì mức hưởng thẻ BHYT của tôi được tính ở mức nào? (Lê Thị Hoa – Quảng Ninh).

Theo hướng dẫn tại điểm a khoản 1 Điều 21 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi, bổ sung 2014), người lao động khám thai định kỳ (khám thai theo lịch mà bệnh viện yêu cầu, tuân theo quy trình khám tiêu chuẩn) sẽ được BHYT chi trả.

Căn cứ khoản 3 Điều 22 của Luật nói trên thì lao động nữ đi khám thai trái tuyến vẫn sẽ được bảo hiểm y tế chi trả, tuy nhiên mức chi trả sẽ thấp hơn khi khám đúng tuyến. Cụ thể:

- Khám thai trái tuyến tại bệnh viện tuyến Trung ương: hưởng 40% chi phí điều trị nội trú (căn cứ theo mức hưởng đúng tuyến). Điều đó có nghĩa là:

  • Người tham gia BHYT có mức hưởng 100% khi khám đúng tuyến: được hưởng 40% chi phí điều trị nội trú trái tuyến;
  • Người tham gia BHYT có mức hưởng 95% khi khám đúng tuyến: được chi trả 40% x 95% = 38% chi phí điều trị nội trú trái tuyến;
  • Người tham gia BHYT có mức hưởng 80% khi khám đúng tuyến: được chi trả 40% x 80% = 32% chi phí điều trị nội trú trái tuyến.

- Khám thai trái tuyến tại bệnh viện tuyến huyện và tuyến tỉnh: hưởng 100% chi phí điều trị nội trú (căn cứ theo mức hưởng đúng tuyến). Điều đó có nghĩa là:

  • Người tham gia BHYT có mức hưởng 100% khi khám đúng tuyến: được hưởng 100% chi phí điều trị nội trú trái tuyến;
  • Người tham gia BHYT có mức hưởng 95% khi khám đúng tuyến: được chi trả 95% chi phí điều trị nội trú trái tuyến;
  • Người tham gia BHYT có mức hưởng 80% khi khám đúng tuyến: được chi trả 20% chi phí điều trị nội trú trái tuyến.

*Lưu ý: Riêng trường hợp người dân tộc thiểu số, người nghèo sống tại vùng kinh tế khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, người sống tại xã đảo, huyện đảo đi khám trái tuyến vẫn được hưởng bảo hiểm y tế theo mức đúng tuyến.

Trên đây là một số nội dung về Khám thai có được hưởng BHYT không. Nếu còn thắc mắc, xin mời quý khách hàng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ chi tiết hơn.

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X