Việc các cặp đôi chỉ sống thử mà không làm đám cưới hay đăng ký kết hôn diễn ra rất nhiều trong cuộc sống hiện nay. Vậy khi làm đám cưới, sống chung với nhau hay khi đăng ký kết hôn được coi là vợ chồng hợp pháp?
Chỉ đăng ký mà không làm đám cưới có phải vợ chồng không?
Trả lời:
Hôn nhân được khoản 1 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình giải thích như sau:
Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn
Đồng thời, tại khoản 5 Điều 3 Luật này cũng khẳng định, kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.
Theo đó, điều kiện đăng ký kết hôn được nêu cụ thể Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình gồm:
- Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
- Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
- Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
- Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn như kết hôn giả tạo; tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn; kết hôn với người đã có vợ hoặc có chồng; kết hôn với người cùng dòng máu về trực hệ, giữa người có họ trong phạm vi ba đời; yêu sách của cải trong kết hôn…
Đặc biệt, khoản 1 Điều 9 Luật này nêu rõ:
Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch.
Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý.
Căn cứ quy định này, nếu nam, nữ đáp ứng đầy đủ các điều kiện về đăng ký kết hôn nêu trên, được đăng ký hợp pháp tại cơ quan có thẩm quyền thì đã được công nhận là vợ chồng hợp pháp và sẽ có giá trị pháp lý, được pháp luật thừa nhận cũng như được bảo vệ.
Ngoài ra, việc tổ chức đám cưới chỉ được coi là một thủ tục tốt đẹp của người dân Việt Nam nhằm chúc phúc cho các cặp đôi và thông báo đến họ hàng, bạn bè, hàng xóm… về việc “nên vợ, nên chồng” của các cặp đôi. Đây không phải là thủ tục bắt buộc phải thực hiện để được pháp luật công nhận quan hệ hôn nhân giữa hai người nam, nữ nên chỉ cần hai bạn đăng ký kết hôn thì đã là vợ, chồng hợp pháp mà không cần phải chờ đến khi tổ chức đám cưới.
Khi nào được coi là vợ chồng hợp pháp? (Ảnh minh họa)
Chỉ làm đám cưới mà không đăng ký kết hôn có bị phạt không?
Trả lời:
Như phân tích ở trên, việc hôn nhân của hai người nam, nữ chỉ được pháp luật công nhận nếu hai bên đáp ứng đầy đủ các điều kiện về đăng ký kết hôn và thực hiện đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Đồng thời, việc tổ chức đám cưới chỉ mang tính chất thông báo, chức mừng việc hai người nam, nữ trở thành vợ, chồng với họ hàng, gia đình hai bên, bạn bè…
Do đó, nếu chỉ làm đám cưới và chung sống với nhau như vợ, chồng mà không đăng ký kết hôn thì sẽ không được pháp luật công nhận là vợ, chồng hợp pháp.
Đặc biệt, nếu một trong hai người là người đã có vợ hoặc có chồng thì việc chung sống như vợ, chồng này còn là hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể, đây là một trong những hành vi bị cấm nêu tại điểm c khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình:
Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ
Như vậy, nếu nam, nữ sống chung với người khác mà thuộc một trong các trường hợp sau đây thì sẽ bị pháp luật nghiêm cấm:
- Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
- Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ…
Theo đó, nếu thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì sẽ bị phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP.
Không chỉ thế, người vi phạm quy định nêu trên còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng nêu tại Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015. Cụ thể:
- Bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng - 01 năm nếu:
+ Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
- Bị phạt tù từ 06 tháng - 03 năm:
+ Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
+ Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.
Như vậy, nếu bạn và người yêu đều là người độc thân, chỉ làm đám cưới, không đăng ký kết hôn thì không vi phạm pháp luật nhưng không được công nhận là vợ chồng hợp pháp. Khi không sống với nhau nữa sẽ không phát sinh những quyền lợi và nghĩa vụ của vợ chồng như chia tài sản chung, giành quyền nuôi con…
Ngược lại, nếu một trong hai bên là người đã có gia đình mà vẫn sống chung với người khác như vợ chồng thì đây là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị phạt tiền đến 05 triệu đồng hoặc bị phạt tù đến 03 năm.
Trên đây là giải đáp về khi nào được coi là vợ chồng hợp pháp? Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.