Gần đây dư luận đang xôn xao vụ ông Phạm Trần Nhật Minh hay thường gọi "đại gia Minh Nhựa" đề nghị tòa án tuyên bố vợ là bà Nguyễn Thị Phương Thúy mất tích. Vậy điều kiện tuyên bố một người mất tích là gì?
Ai có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất tích?
Theo khoản 1 Điều 68 Bộ luật Dân sự 2015, […] theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích.
Đồng thời, Điều 387 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định Người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất tích theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Như vậy, người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất tích.
Từ vụ Minh Nhựa: Khi nào một người bị tuyên bố mất tích? (Ảnh minh họa)
Điều kiện để Tòa án tuyên bố một người mất tích là gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 68 Bộ luật Dân sự, một người được coi là mất tích nếu:
- Biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết;
- Có yêu cầu tuyên bố một người mất tích của người có quyền, lợi ích liên quan gửi đến Tòa án.
Trong đó, thời hạn 02 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó.
Nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng.
Nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.
Do đó, một người được coi là mất tích khi có quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án tuyên bố người đó mất tích.
Làm thế nào để yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất tích?
Thủ tục tuyên bố mất tích được thực hiện như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Người có yêu cầu chuẩn bị hồ sơ gồm:
- Đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố mất tích;
- Tài liệu, chứng cứ chứng minh người này đã biệt tích 02 năm liền trở lên mà không có tin tức xác thực về việc người này còn sống hay đã chết như xác nhận của công an, xóa đăng ký thường trú…
- Tài liệu, chứng cứ chứng minh đã áp dụng đầy đủ biện pháp thông báo tìm kiếm: Bài báo, quảng cáo, đăng tin trên đài phát thanh, đài truyền hình…
- Quyết định của Tòa án thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú (nếu có).
Bước 2: Nộp hồ sơ
Nộp hồ sơ đến Tòa án nơi cư trú cuối cùng của người bị tuyên bố mất tích căn cứ vào Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Bước 3: Thông báo tìm kiếm người mất tích
Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu, Tòa án sẽ ra quyết định tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích. Thời hạn thông báo tìm kiếm là 04 tháng kể từ ngày đăng, phát thông báo đầu tiên.
Trong thời hạn thông báo, nếu người bị yêu cầu tuyên bố mất tích trở về và yêu cầu Tòa án đình chỉ việc xét đơn yêu cầu thì Tòa án ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích.
Bước 4: Ra quyết định tuyên bố người mất tích
Trong 10 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn thông báo, Tòa án sẽ mở phiên tòa xét đơn yêu cầu và ra Quyết định tuyên bố một người mất tích.
Người có yêu cầu nộp có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng lệ phí Tòa án giải quyết việc tuyên bố mất tích là 300.000 đồng, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng lệ phí Tòa án theo quy định của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14.Thủ tục ly hôn với người mất tích thế nào?
Thủ tục ly hôn với người mất tích mới nhất hiện nay (Ảnh minh họa)
Để có thể ly hôn với người mất tích, trước tiên cần phải yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất tích, sau đó mới tiến hành thủ tục ly hôn với người mất tích - ly hôn đơn phương (ly hôn theo yêu cầu của một bên).
Hồ sơ yêu cầu giải quyết đơn phương ly hôn bao gồm:
- Đơn khởi kiện ly hôn theo mẫu theo mẫu đơn khởi kiện ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP (sửa đổi bởi Nghị quyết 04/2018/NQ-HĐTP);
- Bản chính giấy chứng nhận kết hôn;
- Quyết định tuyên bố một người mất tích của Tòa án;
- Bản sao chứng thực chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân của 02 vợ chồng;
- Bản sao chứng thực sổ hộ khẩu của hai vợ chồng;
- Bản sao chứng thực giấy khai sinh của các con (nếu có);
- Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
Trình tự thủ tục ly hôn với người mất tích được thực hiện như sau:
Bước 1: Viết đơn khởi kiện ly hôn, chuẩn bị hồ sơ
Bước 2: Gửi hồ sơ tới Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú cuối cùng của bị đơn trước khi người đó mất tích.
Bước 3: Tòa án kiểm tra hồ sơ, nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì Tòa án sẽ gửi thông báo tạm ứng án phí.
Bước 4: Tòa án tiến hành giải quyết vụ án theo thủ tục giải quyết vụ việc tố tụng dân sự.
Chưa ly hôn mà có con với người khác bị xử lý thế nào?
Cấm người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ (theo điểm c khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014).
Tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng, người đó có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Xử phạt vi phạm hành chính
Khoản 1 Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP sửa đổi tại Nghị định 67/2015/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 01 - 03 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau:
- Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
- Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
- Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;...
Như vậy theo quy định người nào đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác, hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ thì bị xử phạt vi phạm hành chính từ 01 - 03 triệu đồng.
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Cụ thể Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định như sau:
Điều 182. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng
1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.
Như vậy, người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng - 01 năm đó làm làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn.
Trên đây là phân tích liên quan đến việc tuyên bố một người mất tích. Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi tại đây. Các chuyên gia pháp lý của hieuluat.vn sẽ hỗ trợ bạn câu trả lời trong vòng 24h giờ làm việc, nếu câu hỏi đầy đủ thông tin.