hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 01/11/2018
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Không chịu tháo dỡ công trình trái phép, xử lý thế nào?

Theo thống kê, có đến 18 công trình vi phạm trật tự xây dựng trên đất quy hoạch rừng phòng hộ ở xã Minh Phú, Sóc Sơn không chịu tháo dỡ dù đã có quyết định yêu cầu tháo dỡ của cơ quan chức năng. Các công trình này đang phải đối mặt với việc bị xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế tháo dỡ.

Xây dựng công trình trái phép bị xử phạt vi phạm hành chính

Theo quy định của Luật Xây dựng 2014, xây dựng công trình trong khu vực cấm xây dựng; xây dựng công trình không đúng quy hoạch xây dựng; xây dựng cơi nới, lấn chiếm diện tích, lấn chiếm không gian… là những hành vi bị cấm. Vì thế, nếu vi phạm thì sẽ bị xử phạt.

Mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng được quy định cụ thể tại Nghị định 139/2017/NĐ-CP. Theo đó, hành vi  tổ chức thi công xây dựng công trình mới sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp, thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng thì bị phạt từ 10 triệu đến 50 triệu đồng.

Đối với 2 hành vi trên, nếu đã bị xử phạt mà vẫn tiếp tục vi phạm thì sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đến 350 triệu đồng.

Không tháo dỡ công trình trái phép, xử lý thế nào?

Không tháo dỡ công trình trái phép, xử lý thế nào?

Bị cưỡng chế nếu không tự giác tháo dỡ công trình trái phép

Ngoài các mức xử phạt vi phạm hành chính nêu trên, người có hành vi sai phạm còn buộc phải tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.

Nếu công trình sai phạm vẫn đang thi công xây dựng thì phải:

- Lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm dừng thi công xây dựng công trình;

- Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp giấy phép xây dựng;

- Hết thời hạn trên, tổ chức, cá nhân vi phạm không xuất trình với người có thẩm quyền xử phạt giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng được điều chỉnh thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.

Theo Thông tư 03/2018/TT-BXD, công trình, phần công trình xây dựng vi phạm phải được tháo dỡ theo phương án, giải pháp phá dỡ được phê duyệt.

Trường hợp chủ đầu tư không tự giác chấp hành biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm thì bị cưỡng chế thi hành.

Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thuê tổ chức tư vấn lập phương án, giải pháp phá dỡ, giao cơ quan chuyên môn về xây dựng cùng cấp thẩm định trước khi quyết định phê duyệt phương án, giải pháp phá dỡ. Chủ đầu tư có trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí liên quan đến việc cưỡng chế tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm: lập, thẩm định, phê duyệt phương án, giải pháp phá dỡ và tổ chức cưỡng chế tháo dỡ.

hieuluat.vn

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X