Hiện nay, việc cùng nhau chung sống và sinh con mà không đăng ký kết hôn đang khá phổ biến với giới trẻ. Vậy việc này sẽ dẫn đến những rủi ro không mong muốn nào? Phải giải quyết ra sao?
1. Không đăng ký kết hôn, nên hay không?
Theo Điều 9 Luật hôn nhân và Gia đình 2014, thì việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện. Nếu không thì không có giá trị pháp lý.
Do đó, việc sống chung không đăng ký kết hôn với cơ quan có thẩm quyền sẽ không được coi là quan hệ hôn nhân và không được pháp luật công nhận, bảo vệ. Từ đó, sẽ kéo theo nhiều hệ lụy không mong muốn.
- Không được bảo vệ nếu có người thứ ba.
Theo quy định tại Điều 19 Luật Hôn nhân và Gia đình: Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy với nhau. Nếu vi phạm nguyên tắc chung thủy trong hôn nhân, người vi phạm có thể sẽ bị xử lý vi phạm hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nhưng do không phải là vợ chồng hợp pháp vì không đăng ký kết hôn nên không có quyền, nghĩa vụ ràng buộc với nhau như yêu thương, chung thủy như quy định ở trên.
- Khó phân chia tài sản chung
Điều 16 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên.
Trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật Dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Như vậy, với những tài sản đứng tên một người trong thời gian sống chung với nhau mà không đăng ký kết hôn, việc chứng minh phần đóng góp của người còn lại trên thực tế sẽ gặp nhiều khó khăn.
- Khai sinh cho con không có tên cha
Tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống”.
Do đó, một trong những giấy tờ cần có khi đăng ký khai sinh cho con là giấy đăng ký kết hôn. Nếu không có thì trong giấy khai sinh của con, phần ghi thông tin về cha sẽ bị để trống.
- Khó khăn trong vấn đề yêu cầu cấp dưỡng cho con
Điều 110 Luật Hôn nhân Gia đình quy định cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên trong trường hợp không sống chung với con.
Tuy nhiên, khi không có đăng ký kết hôn, rất khó thực hiện điều này. Thực tế cho thấy, dù có nghĩa vụ nhưng việc xác nhận quan hệ cha, mẹ con trong trường hợp không đăng ký kết hôn là rất khó. Bởi nếu muốn được cấp dưỡng thì bắt buộc phải được công nhận là cha, mẹ của con.
Không đăng ký kết hôn, ai được quyền nuôi con? (Ảnh minh họa)
2. Không đăng ký kết hôn, ai có quyền nuôi con?
Tại Điều 14 Luật Hôn nhân và gia đình, khi hai người nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn mà không đăng ký kết hôn, chỉ sống chung với nhau như vợ chồng thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Nhưng quyền, nghĩa vụ với con vẫn được xác lập.
Theo đó, cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con cái (Điều 71 Luật này). Vì vậy, khi không chung sống với nhau thì việc quyết định ai nuôi con sẽ dựa vào nguyên tắc thỏa thuận.
Trong trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ căn cứ vào quyền lợi của con để giao con cho người nào trực tiếp nuôi dưỡng.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt thì quyền nuôi con được quy định như sau:
- Con từ đủ 07 tuổi trở lên phải xem xét nguyện vọng của con;
- Khi con dưới 36 tuổi, mẹ được trực tiếp nuôi con.
Trường hợp nếu người mẹ không đủ điều kiện để nuôi con thì Tòa có thể xem xét giao con cho người bố hoặc người khác đáp ứng đủ điều kiện.
Tóm lại, khi không đăng ký kết hôn, để giành được quyền nuôi con, cha , mẹ phải có sự thỏa thuận với nhau. Dù ai sẽ là người nuôi con, quan trọng nhất vẫn là dành cho con những điều kiện chăm sóc và giáo dục tốt nhất.