hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 14/05/2018
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Không đồng ý với kết quả phúc thẩm vụ án hình sự phải làm gì?

Mặc dù pháp luật Việt Nam đã quy định về chế độ xét sử sơ thẩm, phúc thẩm để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật nhưng trong thực tiễn, nhiều bản án phúc thẩm vẫn làm dư luận phẫn nộ hoặc các bên đương sự bất bình.

Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm

Điều 27 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, có hiệu lực từ 1/1/2018 quy định về việc chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm như sau: Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật này. Bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án phải được xét xử phúc thẩm.

Như vậy, pháp luật đã quy định về việc thực hiện chế độ 2 cấp trong quá trình xét xử nhằm đảm bảo việc giải quyết, xét xử vụ án chính xác, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật…. Nếu các bên liên quan không đồng tình với bản án của cấp sơ thẩm thì làm đơn để đề nghị xét xử phúc thẩm. Tòa án cấp phúc thẩm có nhiệm vụ kiểm tra tính hợp pháp và có căn cứ của bản án sơ thẩm. Quyết định phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định.

Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến việc bản án, quyết định đã có hiệu lực của pháp luật có điểm không đúng đắn. Vì vậy, để đảm bảo tính pháp chế xã hội chủ nghĩa trong công tác xét xử của tòa án, bảo đảm được việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự thì những bản án, quyết định của Tòa án dù đã có hiệu lực mà phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có tình tiết mới thì được xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Làm gì khi không đồng ý với bản án phúc thẩm

Một phiên tòa phúc thẩm có bản án làm dư luận phẫn nộ thời gian gần đây

Không đồng ý với bản án phúc thẩm vụ án hình sự phải làm gì?

Hiện nay, nhiều vụ án được xét xử phúc thẩm nhưng bản án này lại khiến dư luận xã hội phẫn nộ hoặc khiến một trong các bên đương sự bất bình. Tuy nhiên, các bên liên quan đều không thể kháng cáo lên cấp cao hơn nữa bởi bản án đã có hiệu lực pháp luật từ khi nó được tuyên bố, tức là được thi hành ngay.

Tuy nhiên, dù bản án đã được thi hành, mọi cá nhân, tổ chức khi phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật có thể thông báo bằng văn bản hoặc trình bày trực tiếp với người có thẩm quyền kháng nghị hoặc với Tòa án, Viện kiểm sát nơi gần nhất kèm theo chứng cứ, tài liệu, đồ vật (nếu có).

Kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm

Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong các căn cứ:

- Kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án;
- Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án;
- Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

Kháng nghị theo thủ tục tái thẩm

Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm khi có một trong các căn cứ:

- Có căn cứ chứng minh lời khai của người làm chứng, kết luận giám định, kết luận định giá tài sản, lời dịch của người phiên dịch, bản dịch thuật có những điểm quan trọng không đúng sự thật;
- Có tình tiết mà Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm do không biết được mà kết luận không đúng làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án;
- Vật chứng, biên bản về hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, biên bản hoạt động tố tụng khác hoặc những chứng cứ, tài liệu, đồ vật khác trong vụ án bị giả mạo hoặc không đúng sự thật;

- Những tình tiết khác làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án.

Nếu việc kháng nghị theo hướng không có lợi cho người bị kết án thì chỉ được tiến hành trong thời hạn 01 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Việc kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, cả trong trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ.

Có thể bạn quan tâm

X