Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007 quy định trẻ em phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với các bệnh truyền nhiễm thuộc Chương trình mở rộng. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này chưa thực sự nghiêm túc.
10 bệnh truyền nhiễm và vắc xin bắt buộc trong Chương trình tiêm chủng mở rộng
Thông tư 38/2017/TT-BYT ban hành danh mục 10 bệnh truyền nhiễm và vắc xin bắt buộc trong Chương trình tiêm chủng mở rộng bao gồm: Bệnh viêm gan vi rút B; bệnh lao; bạch hầu; ho gà; uốn ván; bại liệt; Haemophilus influenzae týp b; sởi; viêm não Nhật Bản B; rubella.
Theo Bộ Y tế, danh mục này phù hợp với tình hình khí hậu, bệnh tật và các yếu tố gây dịch tại Việt Nam. Các loại vắc xin này hiện nay cũng vẫn được miễn phí hoàn toàn. Vì thế, cha mẹ nên đưa con đi tiêm đầy đủ để bảo vệ con và bảo vệ cả cộng đồng, tránh dịch bệnh bùng phát.
Không tiêm phòng cho trẻ, cha mẹ bị xử phạt!
Để theo dõi lịch tiêm chủng và đối tượng tiêm chủng, cha mẹ có thể tham khảo tại Thông tư 38/2017/TT-BYT hoặc liên hệ với trạm y tế gần nhất để được hướng dẫn.
Không đưa con đi tiêm, cha mẹ bị phạt
Thời gian gần đây, tình trạng cha mẹ tự ý bỏ tiêm vắc xin cho con ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, đây là hành động nguy hiểm vì không thể bảo vệ con khỏi bệnh dịch. Trong khi, bệnh dịch hoàn toàn có thể xâm nhập vào Việt Nam bất cứ lúc nào.
Chưa kể đến, hành vi không thực hiện hoặc cản trở việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với các bệnh truyền nhiễm thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng (Nghị định 176/2013/NĐ-CP).
hieuluat.vn