Người sử dụng đất khi đáp ứng điều kiện theo quy định được phép thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên nếu không nắm rõ quy định pháp luật sẽ gặp phải những rủi ro, thậm chí bị xử lý khi có vi phạm.
Cách xử lý khi không trả tiền vay thế chấp Sổ đỏ?
Theo như bạn trình bày, đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ nhưng bạn chưa thể trả được khoản tiền lãi và tiền vay thế chấp nên trường hợp này bên nhận thế chấp có quyền xử lý tài sản thế chấp. Cụ thể:
Theo khoản 7 Điều 323 Bộ luật Dân sự 2015 quy định bên nhận thế chấp có quyền xử lý tài sản thế chấp khi thuộc trường hợp xử lý tài sản bảo đảm:
- Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
- Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thoả thuận hoặc theo quy định của luật.
- Trường hợp khác do các bên thoả thuận hoặc luật có quy định.
Theo đó, căn cứ Điều 303 Bộ luật Dân sự 2015, bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận một trong các phương thức xử lý tài sản thế chấp sau đây:
- Bán đấu giá tài sản;
- Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản;
- Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm;
- Phương thức khác.
Trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm thì tài sản được bán đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Tóm lại, đến hạn thanh toán mà bên thế chấp không thanh toán thì sẽ bị xử lý theo phương thức do các bên đã thỏa thuận, chủ yếu là bán đấu giá (phát mại).
Cách xử lý khi không trả tiền vay thế chấp Sổ đỏ thế nào? (Ảnh minh họa)
Khi nào được xóa đăng ký thế chấp Sổ đỏ?
Người yêu cầu đăng ký nộp hồ sơ xóa đăng ký thế chấp khi có một trong các căn cứ tại Điều 21 Luật Đất đai 2013:
- Chấm dứt nghĩa vụ được bảo đảm;
- Hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp bảo đảm đã đăng ký bằng biện pháp bảo đảm khác;
- Thay thế toàn bộ tài sản bảo đảm bằng tài sản khác;
- Xử lý xong toàn bộ tài sản bảo đảm;
- Tài sản bảo đảm bị tiêu hủy, bị tổn thất toàn bộ; tài sản gắn liền với đất là tài sản bảo đảm bị phá dỡ, bị tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Có bản án, quyết định của Tòa án hoặc quyết định của Trọng tài đã có hiệu lực pháp luật về việc hủy bỏ biện pháp bảo đảm, tuyên bố biện pháp bảo đảm vô hiệu;
- Đơn phương chấm dứt biện pháp bảo đảm hoặc tuyên bố chấm dứt biện pháp bảo đảm trong các trường hợp khác theo quy định của pháp luật;
- Xóa đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở trong trường hợp chuyển tiếp đăng ký thế chấp theo quy định của pháp luật;
- Cơ quan thi hành án dân sự hoặc Văn phòng thừa phát lại đã kê biên, xử lý xong tài sản bảo đảm.
- Theo thỏa thuận của các bên.
Như vậy, sau khi thanh toán xong khoản vay nợ cho ngân hàng, chấm dứt nghĩa vụ được bảo đảm, bạn có thể nộp hồ sơ để xóa đăng ký thế chấp, lấy lại Sổ đỏ và chuyển nhượng đất.
Hồ sơ, thủ tục xóa thế chấp Sổ đỏ thế nào?
- Hồ sơ xóa đăng ký thế chấp Sổ đỏ:
Căn cứ Điều 47 Nghị định 102/2017/NĐ-CP, hồ sơ xóa đăng ký thế chấp sổ đỏ gồm:
+ Phiếu yêu cầu xóa đăng ký (01 bản chính);
+ Văn bản đồng ý xóa đăng ký biện pháp bảo đảm của bên nhận bảo đảm (01 bản chính hoặc 01 bản sao không có chứng thực kèm bản chính để đối chiếu) hoặc văn bản xác nhận giải chấp của bên nhận bảo đảm trong trường hợp phiếu yêu cầu xóa đăng ký chỉ có chữ ký của bên bảo đảm;
+ Bản chính Giấy chứng nhận.
- Trình tự thủ tục thực hiện:
Bước 1: Nộp hồ sơ
+Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ: Văn đăng ký đất đai hoặc Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa;
+ Cơ quan có thẩm quyền xóa thế chấp: Văn phòng đăng ký đất đai và Chi nhánh của Văn phòng đăng ký đất đai
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ
Trường hợp hồ sơ đăng ký hợp lệ, cán bộ tiếp nhận cấp cho người yêu cầu đăng ký Phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả; và vào Sổ tiếp nhận và trả kết quả đăng ký, cấp Giấy chứng nhận;
Bước 3: Giải quyết hồ sơ
Căn cứ Điều 48 Nghị định 102/2017/NĐ-C quy định thủ tục xóa đăng ký tài sản thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất:
+ Ghi nội dung đăng ký thế chấp vào Sổ địa chính và Giấy chứng nhận.
+ Sau khi ghi vào Sổ địa chính và Giấy chứng nhận, thì chứng nhận nội dung đăng ký vào phiếu yêu cầu đăng ký.
Bước 4: Trả kết quả đăng ký
Văn phòng đăng ký đất đai trả lại cho người yêu cầu đăng ký 01 bản chính giấy tờ sau:
Giấy chứng nhận có ghi nội dung đăng ký thế chấp, nội dung đăng ký thay đổi, xóa đăng ký hoặc có nội dung sửa chữa sai sót;
- Thời hạn giải quyết hồ sơ đăng ký giải chấp
+ Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm đăng ký và trả kết quả trong ngày nhận hồ sơ đăng ký hợp lệ; nếu nhận hồ sơ sau 15 giờ thì hoàn thành việc đăng ký và trả kết quả ngay trong ngày làm việc tiếp theo.
+ Trường hợp phải kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký thì cũng không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đăng ký hợp lệ.
Trên đây là giải đáp về Cách xử lý khi không trả tiền vay thế chấp? Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.
>> Thế chấp quyền sử dụng đất có phải đăng ký biện pháp bảo đảm?