Trên thực tế, không ít trường hợp tai nạn xảy ra giữa ô tô, xe máy với người đi bộ gây ra hậu quả nghiêm trọng nhưng không phải do lỗi của người lái xe.
Thông thường, khi nhắc đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, các bên thường xét đến 4 điều kiện sau:
- Có thiệt hại xảy ra;
- Hành vi thiệt hại là hành vi trái pháp luật;
- Có lỗi của người gây thiệt hại;
- Có mối liên hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi trái pháp luật.
Trường hợp, có đồng thời cả 4 điều kiện này mới phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Nếu không có lỗi của bên gây thiệt hại thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng không được đặt ra.
Lái xe không có lỗi khi gây tai nạn, có phải bồi thường?
Tuy nhiên, trong Bộ luật dân sự 2015 lại quy định một trường hợp ngoại lệ. Đó là trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi. Pháp luật chỉ quy định hai trường hợp bị loại trừ trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này, bao gồm:
- Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
- Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Nguồn nguy hiểm cao độ mà Bộ luật dân sự quy định bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.
Theo quy định của Luật giao thông đường bộ 2008, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự.
Như vậy, ô tô, xe máy được coi là nguồn nguy hiểm cao độ, khi gây tai nạn mặc dù không có lỗi vẫn phải bồi thường trừ khi hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại hoặc trong trường hợp bất khả kháng.