Do khi mua không đo đạc thực tế, do đất sử dụng đã lâu mà không đo đạc lại, do đất không có người quản lý nên bị lấn chiếm… có rất nhiều lý do khiến diện tích đất đo được trên thực tế nhỏ hơn diện tích trên sổ đỏ. Lúc này, chủ sở hữu phải làm gì?
Trường hợp không phát hiện bị lấn chiếm
Theo quy định tại Luật Đất đai 2013, trường hợp có đầy đủ các yếu tố sau thì khi cấp hoặc cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất diện tích đất được xác định theo số liệu đo đạc thực tế:
- Có sự chênh lệch diện tích giữa số liệu đo đạc thực tế với số liệu ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận đã cấp;
- Ranh giới thửa đất đang sử dụng không thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất;
- Không có tranh chấp với những người sử dụng đất liền kề.
Như vậy, nếu nghi ngờ mảnh đất bị thiếu hụt diện tích so với sổ đỏ, người chủ có thể gửi đơn đề nghị Văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất thực hiện hoặc chỉ định đơn vị đo đạc địa chính, tiến hành đo đạc lại diện tích thực tế các thửa đất đó để xác định số liệu thực tế có sự chênh lệch so với số liệu trên Giấy chứng nhận đã cấp cho người sử dụng không.
Nếu có sự chênh lệch mà ranh giới thửa đất đang sử dụng không thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; có xác nhận của UBND cấp xã về việc không có tranh chấp với những người sử dụng đất liền kề, thì người chủ đất phải đề nghị cấp đổi Giấy chứng nhận với diện tích đất được xác định theo số liệu đo đạc thực tế.
Làm gì khi diện tích đất thực tế nhỏ hơn trên sổ đỏ?
Trường hợp phát hiện có sự lấn chiếm
Trường hợp diện tích đất đo được trên thực tế nhỏ hơn diện tích trên sổ đỏ và xác định do sự lấn chiếm của các hộ liền kề, chủ sở hữu đất có thể gửi đơn khiếu nại đến UBND cấp xã nơi có đất để được hòa giải.
Trường hợp hòa giải không thành, có thể gửi đơn khiếu nại đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền để được giải quyết. Theo Điều 2013 Luật Đất đai 2013, trường hợp tranh chấp mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc các giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết.
Tuy nhiên, nếu đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:
- Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;
- Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.
Quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực thi hành phải được các bên tranh chấp nghiêm chỉnh chấp hành. Trường hợp các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành.
Xem thêm:
Quy định về cấp sổ đổ đối với đất lấn chiếm không có tranh chấp
Thêm cơ hội cho người sử dụng đất lấn chiếm: 4 trường hợp được xem xét cấp sổ đỏ
hieuluat.vn