hieuluat
Chia sẻ email

Làm gì khi doanh nghiệp không đóng BHXH cho nhân viên?

Việc doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động là tình trạng diễn ra khá phổ biến. Thực trạng này rất đáng báo động. Người lao động cần nắm rõ các quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi cho bản thân mình.

Trường hợp nào doanh nghiệp phải đóng BHXH cho nhân viên?

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng; người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng thì thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Như vậy, khi doanh nghiệp kí kết hợp đồng lao động với người lao động thuộc các trường hợp trên thì bắt buộc doanh nghiệp phải đóng BHXH cho người lao động.

Người sử dụng lao động hằng tháng đóng trên quỹ tiền lương đóng BHXH của người lao động 3% vào quỹ ốm đau, thai sản; 14% vào quỹ hưu trí, tử tuất. Người lao động hằng tháng đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Làm gì khi doanh nghiệp không đóng BHXH cho nhân viên?

Làm gì khi doanh nghiệp không đóng BHXH cho nhân viên?

Khi doanh nghiệp trốn đóng BHXH, người lao động phải làm gì?

Theo quy định về trình tự giải quyết khiếu nại, tố cáo quy định tại Nghị định 24/2018/NĐ-CP, nếu phát hiện doanh nghiệp trốn đóng BHXH, người lao động có thể làm đơn khiếu nại gửi tới doanh nghiệp để yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ này. (Người sử dụng lao động có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu).

Nếu trong vòng 30 ngày doanh nghiệp vẫn tiếp tục trốn tránh nghĩa vụ thì người lao động gửi khiếu nại về Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phải thụ lý giải quyết. Trong thời hạn 45 ngày (tối đa 60 ngày với vụ việc phức tạp), phải giải quyết khiếu nại lần hai.

Nếu vẫn không đồng ý với cách giải quyết của Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, người lao động có thể khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X