hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 18/08/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Làm giả hồ sơ xin việc, người lao động bị xử lý thế nào?

Cùng với sự phát triển của thị trường lao động, nhu cầu xin việc ngày càng nhiều do đó đã xảy ra tình trạng làm giả hồ sơ khi đi xin việc. Vậy, nếu phát hiện người lao động làm giả hồ sơ xin việc bị xử lý thế nào?

Câu hỏi: Tôi hiện là nhân viên phòng hành chính – nhân sự. Vừa rồi tôi có phát hiện ra một trường hợp đã làm giả hồ sơ khi ứng tuyển. Vậy với trường hợp này, tôi cần xử lý thế nào? – Hạnh Nguyễn (Hải Phòng)

Cần chuẩn bị giấy tờ gì khi làm hồ sơ xin việc?

Hồ sơ xin việc sẽ bao gồm các giấy tờ sau:

- Sơ yếu lý lịch có xác nhận của UBND phường;

- Đơn xin việc;

- CV;

- Các giấy tờ tùy thân (chứng minh thư, sổ hộ khẩu, giấy khai sinh);

- Giấy khám sức khỏe;

- Bằng cấp, chứng chỉ liên quan.

Trong đó, một số giấy tờ yêu cầu phải được xác nhận của UBND phường hoặc được công chứng, chứng thực như: Sơ yếu lý lịch, giấy khám sức khỏe,…

Đồng thời, tại khoản 2 Điều 16 Bộ luật Lao động 2019 cũng nêu rõ người lao động phải có nghĩa vụ cung cấp thông tin trước khi ký hợp đồng lao động, cụ thể;

2. Người lao động phải cung cấp thông tin trung thực cho người sử dụng lao động về họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề, xác nhận tình trạng sức khỏe và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người sử dụng lao động yêu cầu”.

Như vậy, việc cung cấp thông tin trung thực cho người sử dụng lao động là nghĩa vụ mà người lao động phải thực hiện trước khi ký hợp đồng lao động.

Trường hợp người lao động cung cấp thông tin không trung thực, giả mạo giấy tờ làm hồ sơ xin việc là hành vi vi phạm pháp luật, do đó sẽ bị xử lý theo quy định.

Làm giả hồ sơ xin việc, người lao động bị xử lý thế nào? (Ảnh minh họa)


Làm giả hồ sơ xin việc, người lao động bị xử lý thế nào?

Trường hợp bị phát hiện trong quá trình làm việc, người lao động có thể sẽ bị xử lý kỷ luật lao động theo Điều 124 Bộ luật Lao động năm 2019 dưới các hình thức sau:

- Khiển trách;

-Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng;

- Cách chức;

- Sa thải tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.

Bên cạnh đó liên quan đến chế độ bảo hiểm, điểm a khoản 1 Điều 39 Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định như sau:

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người lao động có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa làm sai sự thật những nội dung có liên quan đến việc hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

Như vậy, khi người lao động có hành vi kê khai không đúng sự thật những nội dung có liên quan đến việc hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 01 – 02 triệu đồng.

Ngoài ra, khoản 4 Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 nêu rõ, cấm gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Do vậy, theo khoản 2 Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà cá nhân có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Trên đây là giải đáp về xử lý hành vi làm giả hồ sơ xin việc. Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

>> Hồ sơ xin việc 2021 gồm những gì và các lưu ý cần biết

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X