Single mom (mẹ đơn thân) là một xu hướng của phụ nữ hiện đại trong những năm gần đây. Tuy nhiên, khi mẹ đơn thân là Đảng viên, liệu có bị bó buộc hơn bởi những quy định của tổ chức Đảng?
Trường hợp có con với người độc thân hoặc theo phương pháp thụ tinh nhân tạo
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân gia đình là giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ. Như vậy, pháp luật cũng đã tôn trọng và bảo vệ thiên chức làm mẹ thiêng liêng của người phụ nữ.
Đối với vấn đề xử lý Đảng, Quyết định số 102-QĐ/TW ban hành ngày 15/11/2017 xử lý kỷ luật Đảng viên vi phạm đã dành hẳn Điều 24 để quy định các trường hợp Đảng viên bị kỷ luật khi vi phạm quy định về hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, ở đây không hề đề cập đến trường hợp xử lý Đảng viên nữ có con khi chưa đăng kí kết hôn. Vì vậy, trường hợp Đảng viên nữ có con với người độc thân hoặc theo phương pháp thụ tinh nhân tạo thì không bị xử lý kỷ luật Đảng.
Làm mẹ đơn thân có bị xử lý kỷ luật Đảng?
Trường hợp có con khi sống chung với người đã có gia đình
Khi Đảng viên nữ có con là hậu quả của việc sống chung như vợ chồng với người đã có gia đình thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời bị xử lý kỷ luật Đảng một cách nghiêm khắc. Cụ thể:
Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ.
Đồng thời, khi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng sẽ bị kỷ luật Đảng với hình thức cao nhất là khai trừ.
Chưa kể đến việc đây là hành vi vi phạm đạo đức xã hội, có thể bị xử lý hình sự theo Điều 182 Bộ luật hình sự 2015 với khung hình phạt cao nhất lên đến 3 năm tù.
Xã hội ngày nay đã có cái nhìn cảm thông hơn với các bà mẹ đơn thân. Tuy nhiên, cần tránh các hành vi vi phạm đạo đức và pháp luật. Đặc biệt là Đảng viên, luôn bị bó buộc hơn bởi các quy định về kỷ luật Đảng.