Hiện nay, hình thức làm việc part-time đã trở nên rất phổ biến, nhất là ở đối tượng học sinh, sinh viên khi muốn đi làm kiếm thêm thu nhập, chi tiêu. Vậy, sinh viên đi làm parttime có cần ký hợp đồng lao động?
Việc làm part-time hay được gọi là việc làm thêm bán thời gian hay làm thêm theo giờ, theo ca. Thời gian các ca thường do các cơ quan, tổ chức quy định nhưng ít hơn thời gian của công việc toàn thời gian thường dao động từ 4 đến 5 tiếng/ca/ngày.
Làm việc part-time có phải ký hợp đồng lao động?
Tại khoản 1 Điều 32 Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019 quy định về người lao động làm việc không trọn thời gian như sau:
1. Người lao động làm việc không trọn thời gian là người lao động có thời gian làm việc ngắn hơn so với thời gian làm việc bình thường theo ngày hoặc theo tuần hoặc theo tháng được quy định trong pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động.
Như vậy, có thể hiểu, ở góc độ pháp lý thì sinh viên làm việc parttime được xác định là người làm việc không trọn thời gian.
Bên cạnh đó, Điều 32 BLLĐ 2019 cũng nêu rõ, dù làm việc không trọn thời gian nhưng người lao động vẫn được đảm bảo những quyền lợi nhất định, cụ thể:
3. Người lao động làm việc không trọn thời gian được hưởng lương; bình đẳng trong thực hiện quyền và nghĩa vụ với người lao động làm việc trọn thời gian; bình đẳng về cơ hội, không bị phân biệt đối xử, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.
Theo quy định này, làm việc bán thời gian cũng được xem là một hình thức của quan hệ lao động. Do đó, khi sử dụng lao động parttime, công ty bạn vẫn phải có trách nhiệm giao kết hợp đồng và đảm bảo các quyền lợi cho bạn theo quy định pháp luật lao động.
Làm việc part-time có phải ký hợp đồng lao động? (Ảnh minh họa)
Làm việc part-time có phải đóng Bảo hiểm xã hội không?
Như đã trình bày ở trên, người lao động làm việc part time cũng được các quyền lợi, bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ như làm việc trọn thời gian.
Đồng thời, khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc:
1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
Ngoài ra, Luật BHXH cũng quy định về trường hợp không đóng BHXH:
Điều 85. Mức đóng và phương thức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
…
3. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Như vậy, sẽ có 02 trường hợp mà người lao động part time không được đóng BHXH:
- Hợp đồng lao động dưới 01 tháng thì không phải tham gia BHXH bắt buộc.
- Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó.
Nói tóm lại, cho dù là làm part time thì bạn vẫn có thể được đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào nội dung của hợp đồng, mà cụ thể là thời hạn và mức lương.
Trên đây là giải đáp về Sinh viên làm part-time có cần phải ký hợp đồng lao động? Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.
>> Hợp đồng part time có phải đóng bảo hiểm xã hội không?