hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 26/07/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Làm Sổ đỏ có bắt buộc phải xin chữ ký giáp ranh?

Theo phản ánh của người dân, có không ít trường hợp cơ quan Nhà nước từ chối cấp Sổ đỏ với lý do không có chữ ký giáp ranh. Vậy, làm Sổ đỏ có bắt buộc phải ký giáp ranh?

Câu hỏi: Năm 1993, gia đình tôi có sử dụng mảnh đất ở huyện A. Đến năm 2021, gia đình tôi thực hiện thủ tục xin cấp sổ đỏ lần đầu. Tuy nhiên, hàng xóm không chịu ký giáp ranh giúp tôi mà không có bất kỳ lý do gì. Vậy tôi có thể làm thủ tục cấp sổ đỏ lần đầu được không nếu hàng xóm không chịu ký giáp ranh? - Mạnh Cường (Hưng Yên)

Trường hợp nào không phải xin chữ ký giáp ranh khi làm ổ đỏ?

Căn cứ theo khoản 2.1, Điều 11 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT có quy định:

“2.1. Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất được lập theo mẫu quy định tại Phụ lục số 11 kèm theo Thông tư này cho tất cả các thửa đất trừ các trường hợp sau đây:

a) Thửa đất có giấy tờ thỏa thuận hoặc văn bản xác định ranh giới, mốc giới sử dụng đất có bản vẽ thể hiện rõ ranh giới sử dụng đất mà ranh giới hiện trạng của thửa đất không thay đổi so với bản vẽ trên giấy tờ đó;

b) Thửa đất có giấy tờ pháp lý về quyền sử dụng đất mà trong giấy tờ đó thể hiện rõ đường ranh giới chung của thửa đất với các thửa đất liền kề và hiện trạng ranh giới của thửa đất không thay đổi so với giấy tờ hiện có;

c) Đối với thửa đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản có bờ thửa hoặc cọc mốc cố định, rõ ràng trên thực địa thì không phải lập Bản mô tả ranh giới, mốc giới sử dụng đất nhưng sau khi có bản đồ thể hiện hiện trạng sử dụng đất phải công bố công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và khu dân cư trong thời gian tối thiểu là 10 ngày liên tục, đồng thời phải thông báo rộng rãi cho người sử dụng đất biết để kiểm tra, đối chiếu; hết thời gian công khai phải lập Biên bản xác nhận việc công khai bản đồ địa chính theo mẫu quy định tại Phụ lục số 14 kèm theo Thông tư này;”

Theo Phụ lục số 11 ban hành kèm theo Thông tư 25/2014/TT-BTNMT có quy định phải xin chữ ký của người sử dụng đất, chủ quản lý đất liền kề để xác nhận ranh giới, mốc giới sử dụng đất.

Do đó, đối với những trường hợp thửa đất có giấy tờ thỏa thuận hoặc văn bản xác định ranh giới, mốc giới sử dụng đất có bản vẽ thể hiện rõ ranh giới sử dụng đất mà:

- Ranh giới hiện trạng của thửa đất không thay đổi so với bản vẽ trên giấy tờ đó;

- Thửa đất có giấy tờ pháp lý về quyền sử dụng đất mà trong giấy tờ đó thể hiện rõ đường ranh giới chung của thửa đất với các thửa đất liền kề và hiện trạng ranh giới của thửa đất không thay đổi so với giấy tờ hiện có;

- Thửa đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản có bờ thửa hoặc cọc mốc cố định, rõ ràng trên thực địa thì không phải lập bản mô tả ranh giới thửa đất theo mẫu Phụ lục số 11 ban hành kem theo Thông tư 25/2014/TT-BTNMT 

Thì không phải xin chữ ký giáp ranh của những người sử dụng đất, chủ quản lý đất đai liền kề.

Bên cạnh đó, căn cứ theo Thông tư 09/2007/TT-BTNMT ( đã hết hiệu lực từ 5/7/2014) có quy định:

“b) Trường hợp thửa đất xin cấp Giấy chứng nhận không có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai hoặc có một trong các loại giấy tờ đó nhưng không thể hiện rõ đường ranh giới chung của thửa đất với các thửa đất liền kề hoặc hiện trạng đường ranh giới của thửa đất đã thay đổi so với đường ranh giới thể hiện trên giấy tờ đó thì việc xác định ranh giới thửa đất thực hiện như sau:

Đơn vị đo đạc lập bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính (gọi chung là đơn vị đo đạc) có trách nhiệm xem xét cụ thể về hiện trạng sử dụng đất, ý kiến của những người sử dụng đất liền kề để xác định và lập bản mô tả về ranh giới thửa đất; chuyển bản mô tả ranh giới thửa đất cho những người sử dụng đất có chung ranh giới thửa đất và người nhận bản mô tả có trách nhiệm ký xác nhận về việc đã nhận bản mô tả này;

Sau mười (10) ngày kể từ ngày nhận được bản mô tả, nếu người nhận bản mô tả không có đơn tranh chấp về ranh giới thửa đất thì ranh giới thửa đất được xác định theo bản mô tả đó;”

Theo đó, trường hợp thực hiện thủ tục đăng ký đất đai lần đầu nhưng người sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc có giấy tờ về quyền sử dụng đất nhưng không thể hiện rõ đường ranh giới chung của thửa đất với các thửa đất liền kề hoặc hiện trạng đường ranh giới thửa đất đã thay đổi so với đường ranh giới thể hiện trên giấy tờ đó thì khi xác định ranh giới thửa đất sẽ phải xin chữ ký của những người sử dụng đất có chung ranh giới thửa đất.

Tuy nhiên Thông tư 09/2007/TT-BTNMT đã hết hiệu lực và được thay thế bởi Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, tại Thông tư 24/2014/TT-BTNMT đã không còn quy định thủ tục này nữa.

Do đó, nếu gia đình bạn thuộc các trường hợp mình nêu trên thì không cần phải xin chữ ký giáp ranh của hàng xóm khi thực hiện thủ tục cấp sổ đỏ.

Làm Sổ đỏ có bắt buộc phải ký giáp ranh? (Ảnh minh họa)


Trường hợp nào phải xin chữ ký giáp ranh của hàng xóm khi làm Sổ đỏ?

Đối với các trường hợp không thuộc quy định tại mục 1 ở trên thì sẽ phải thực hiện việc xin chữ ký giáp ranh của hàng xóm khi làm Sổ đỏ.

Tuy nhiên, tùy vào tình huống khác nhau thì cách giải quyết cũng khác nhau đối với trường hợp hàng xóm không chịu ký giáp ranh.

- Hàng xóm không chịu ký giáp ranh vì lý do đang xảy ra tranh chấp về ranh giới thửa đất.

Căn cứ theo khoản 1, Điều 11 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT, nếu đang có tranh chấp về ranh giới thửa đất thì sẽ xử lý như sau:

- Trường hợp đang có tranh chấp về ranh giới thửa đất thì đơn vị đo đạc có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản cho UBND xã, phường, thị trấn (cấp xã) nơi có thửa đất để giải quyết.

- Nếu tranh chấp chưa giải quyết xong trong thời gian đo đạc ở địa phương mà xác định được ranh giới thực tế đang sử dụng, quản lý thì đo đạc theo ranh giới thực tế đang sử dụng, quản lý đó; nếu không thể xác định được ranh giới thực tế đang sử dụng, quản lý thì được phép đo vẽ khoanh bao các thửa đất tranh chấp; đơn vị đo đạc có trách nhiệm lập bản mô tả thực trạng phần đất đang tranh chấp thành 02 bản, một bản lưu hồ sơ đo đạc, một bản gửi UBND cấp xã để thực hiện các bước giải quyết tranh chấp tiếp theo theo thẩm quyền.

- Hàng xóm không chịu ký giáp ranh vì lý do cá nhân.

Ngoài ra, tại điểm 2.4 khoản 2 Điều 11 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 8 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT còn quy định người sử dụng đất liền kề vắng mặt trong suốt quá trình đo đạc thì bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất được cán bộ đo đạc, các bên liên quan còn lại và người dẫn đạc xác định theo thực địa và theo hồ sơ thửa đất liên quan (nếu có).

Đơn vị đo đạc chuyển bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất đã lập cho UBND cấp xã để xác nhận vắng mặt và thông báo trên loa truyền thanh của cấp xã, niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã để người sử dụng đất đến ký xác nhận.

Sau 15 ngày kể từ ngày thông báo mà người sử dụng đất không có mặt và không có khiếu nại, tranh chấp liên quan đến ranh giới, mốc giới thửa đất thì ranh giới thửa đất được xác định theo bản mô tả đã lập.

Nếu sau 10 ngày kể từ ngày nhận được bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất mà người sử dụng đất liền kề không ký xác nhận, đồng thời không có văn bản thể hiện việc có tranh chấp, khiếu nại, tố cáo có liên quan đến ranh giới thửa đất thì ranh giới thửa đất được xác định theo bản mô tả đã được các bên liên quan còn lại, người dẫn đạc ký xác nhận và ghi rõ lý do người sử dụng đất liền kề đó không ký xác nhận vào phần “lý do không đồng ý” trong bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất.

Đơn vị đo đạc có trách nhiệm lập danh sách các trường hợp nêu trên để gửi cho UBND cấp xã biết và lưu hồ sơ đo đạc.

Như vậy, việc xác định ranh giới thửa đất không phụ thuộc 100% vào người sử dụng đất liền kề. Hay nói cách khác, không phải vì lý do hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất liền kề không ký giáp ranh mà dừng việc xác định ranh giới thửa đất.

Trên đây là giải đáp về Làm Sổ đỏ có bắt buộc phải ký giáp ranh? Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

>> Không có chữ ký giáp ranh có được bán đất?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X