hieuluat
Chia sẻ email
Chủ Nhật, 04/04/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Cha, mẹ lập di chúc có cần các con đồng ý không?

Lập di chúc nhằm để lại tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Do đó, hiện nay, nhiều bậc cha, mẹ lựa chọn làm di chúc thay vì làm hợp đồng tặng cho. Vậy khi lập di chúc, cha, mẹ có cần các con đồng ý không?


Cha, mẹ lập di chúc có cần sự đồng ý của các con không?

Câu hỏi: Cho tôi hỏi, hiện tôi đang bị ung thư, sắp tới chắc không thể sống được nhưng tôi chưa muốn tặng cho đất đai của tôi cho các con vì mấy đứa con của tôi còn ham chơi quá, không chịu chăm lo làm việc. Vậy, nếu tôi lập di chúc thì có cần sự đồng ý của các con không?

Trả lời:

Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu rõ:

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết

Do đó, có thể hiểu, chỉ khi người này chết thì phần tài sản thuộc sở hữu của người này sẽ được chuyển cho người khác như ý nguyện khi còn sống của người này.

Cũng theo quy định này, pháp luật không giới hạn đối tượng được nhận tài sản của người lập di chúc phải là con cái, vợ hoặc chồng, cha, mẹ hay bất kỳ người thân thích nào. Bởi vậy, người để lại di chúc có thể để lại di chúc cho bất cứ người nào.

Đồng thời, về quyền của người lập di chúc, Điều 626 Bộ luật Dân sự quy định gồm các quyền sau đây:

- Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế;

- Phân định phần di sản cho từng người thừa kế;

- Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng;

- Giao nghĩa vụ cho người thừa kế;

- Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.

Có thể thấy, việc chỉ định người nào là người nhận tài sản của mình theo di chúc hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của người lập di chúc. Chỉ riêng với một số trường hợp đặc biệt sau đây, người lập di chúc cần phải đáp ứng thêm điều kiện:

- Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi phải lập di chúc bằng văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

- Người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập di chúc thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

Lưu ý: Dù thuộc trường hợp nào thì di chúc chỉ có hiệu lực khi trong khi lập di chúc, người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép.

Như vậy, có thể thấy, người lập di chúc hoàn toàn có quyền lập di chúc để lại tài sản của mình cho người khác sau khi chết mà không phụ thuộc vào ý chí của bất cứ ai. Người này có toàn quyền chỉ định người thừa kế theo di chúc như ý nguyện của mình. Do đó, cha, mẹ khi lập di chúc thì không cần các con đồng ý.

lập di chúc có cần các con đồng ý
Cha, mẹ lập di chúc có cần các con đồng ý không?  (Ảnh minh họa)

Di chúc có bắt buộc phải có chữ ký của các con không?

Câu hỏi: Tôi muốn lập di chúc để lại tài sản cho một người con trai út trong gia đình bởi các người con khác đều đã được tôi cho tiền xây dựng nhà riêng rồi. Nhưng khi tôi đề cập đến vấn đề này với con út thì con tôi bảo đã đi hỏi thăm và được người ta bảo rằng tôi lập di chúc thì phải có chữ ký của tất cả các con của mình. Vậy cho tôi hỏi điều đó có đúng không? Nếu tôi lập di chúc, tất cả các con đều phải ký vào di chúc của tôi à?

Trả lời:

Di chúc là văn bản thể hiện ý chí của cá nhân nên di chúc chỉ cần có chữ ký của người lập di chúc. Ngoài ra, di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu. Nếu gồm nhiều trang thì mỗi trang của di chúc phải ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.

Có thể thấy, trong nội dung của một bản di chúc chỉ có chữ ký hoặc điểm chỉ của một mình người lập di chúc mà không cần phải có chữ ký của người khác, kể cả con cái.

Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp, di chúc chỉ có chữ ký của mình người để lại di chúc mà còn có thể có chữ ký của người làm chứng. Theo đó, các trường hợp sau đây, di chúc cần có người làm chứng:

- Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ;

- Di chúc miệng cần phải được thể hiện ý chí cuối cùng của người đó trước mặt ít nhất 02 người làm chứng;

- Di chúc khi công chứng, chứng thực.

- Người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, nhưng phải có ít nhất là 02 người làm chứng.

Trong đó, mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc trừ 03 đối tượng sau đây:

- Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc;

- Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc;

- Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Nói tóm lại, cha, mẹ khi lập di chúc không cần có chữ ký hay sự đồng ý của các con. Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X