Luật Cạnh tranh 2018 được thông qua tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV. Luật này ra đời có nhiều điểm mới so với Luật Cạnh tranh 2004, tạo ra môi trường pháp lý an toàn, giúp cho việc kinh doanh và cạnh tranh trở nên bình đẳng.
Mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh
So với Luật Cạnh tranh 2004, Luật Cạnh tranh 2018 đã bao quát hơn phạm vi cạnh tranh và đối tượng điều chỉnh. Ngoài các hành vi hạn chế cạnh tranh, thì hành vi tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam cũng bị điều chỉnh. Ngoài ra, luật còn điều chỉnh thêm việc quản lý Nhà nước về cạnh tranh.
Luật Cạnh tranh 2018 đã mở rộng đối tượng áp dụng bao gồm cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan. Điều này giúp bao quát mọi chủ thể có khả năng ảnh hưởng đến tính công bằng trong cạnh tranh, những người có nguy cơ vi phạm pháp luật về cạnh tranh để giúp cho môi trường kinh doanh ở Việt Nam thêm bình đẳng và lành mạnh.
Tăng cường các hành vi cấm với cơ quan Nhà nước
Để các cơ quan Nhà nước không lợi dụng quyền hạn của mình làm cản trở cạnh tranh, Luật Cạnh tranh 2018 đã tăng thêm một số hành vi cấm các cơ quan Nhà nước thực hiện. Chẳng hạn, ngoài việc cấm ép buộc doanh nghiệp phải mua bán hàng hóa, dịch vụ với đơn vị cụ thể, còn bổ sung cấm cơ quan Nhà nước yêu cầu, khuyến nghị việc thực hiện hoặc không thực hiện sản xuất, mua bán hàng hóa…
Điều này đã giúp ngăn ngừa một cách tối đa sự can thiệp của các cơ quan Nhà nước vào thị trường, làm ảnh hưởng đến quan hệ cạnh tranh, ảnh hưởng đến cả các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng.
Một số điểm mới của Luật Cạnh tranh 2018
Quy định mềm dẻo về cấm tập trung kinh tế
Nếu như Luật Cạnh tranh 2004 quy định ngưỡng 50% để phân biệt đâu là trường hợp tập trung kinh tế bị cấm thì Luật Cạnh tranh 2018 đã mềm dẻo và linh hoạt hơn rất nhiều.
Tập trung kinh tế không phải hành vi xấu. Nhiều trường hợp, tập trung kinh tế tạo ra nhiều lợi ích như tạo ra lợi thế cạnh tranh, tạo ra mức độ tập trung… Vì thế, chỉ có doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam mới bị cấm.
Đây là động thái tích cực của cơ quan Nhà nước trong việc tôn trọng quyền tự do kinh doanh, nâng cao hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Quy định rõ cơ quan quản lý cạnh tranh
Cơ quan đó là Ủy ban Cạnh tranh quốc gia. Việc quy định một cơ quan có nhiệm vụ quản lý các hoạt động về cạnh tranh nhằm tăng cường hiệu quả thực thi Luật Cạnh tranh. Mô hình này đơn giản, gọn nhẹ, phù hợp với xu hướng chung của thế giới.