hieuluat
Chia sẻ email
Chủ Nhật, 10/10/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Chế độ sở hữu đất thế nào qua Luật Đất đai các thời kỳ?

Đất đai là một trong những linh vực vô cùng phức tạp. Khi có sự thay đổi về kinh tế, xã hội kéo theo đó các văn bản quy phạm pháp luật cũng có sự điều chỉnh phù hợp. Trong đó, chế độ sở hữu đất đai là nội dung được khá nhiều người quan tâm.

Câu hỏi: Xin hỏi, pháp luật về đất đai qua các thời kỳ, giai đoạn khác nhau có những sự thay đổi như thế nào về chế độ sở hữu đất đai.

Ở các giai đoạn khác nhau, chế độ sở hữu đất đai cũng có sự kế thừa và thay đổi, cụ thể:

1. Giai đoạn từ tháng 8/1945 đến khi Luật Đất đai 1987 ra đời

Theo Luận cương chính trị của Đảng ta năm 1930 có quy định rõ rằng:

“Quyền sở hữu ruộng đất thuộc về Chính phủ công nông”.

Sau Cách mạng Tháng 8, các quy định về ruộng đất của chế độ cũ đều bị bãi bỏ. Năm 1949, Bác Hồ đã ký Sắc lệnh giảm tô và đồng thời ra chỉ thị phân chia ruộng đất, đồn điền, trại ấp vắng chủ cho người dân, nông dân.

Năm 1953, Nhà nước ban hành Luật Cải cách ruộng đất với chủ trương thu ruộng đất của cường hào, địa chủ và giao cho nông dân sử dụng, đồng thời xác định quyền sở hữu của họ trên thửa đất đó.

Năm1954, Miền Bắc hoàn toàn giải phóng và đất nước tạm thời chia cắt thành hai miền.

Từ giai đoạn 1955 đến năm 1957, phần lớn các làng, xã ở khu vực miền Bắc, miền Trung vẫn còn tồn tại ruộng đất công bao gồm quan điền và các loại ruộng công của xã, làng. Nguồn gốc của các loại đất này được hình thành chủ yếu do các cá nhân hiến đất dưới nhiều hình thức như: đặt hậu, làm phúc hoặc do khai phá tập thể… Những loại đất này được sử dụng theo nguyên tắc trong Hương ước của làng, xã.

Cụ thể: Những hoa lợi, lợi tức thu được từ các thửa đất này đều được sử dụng trong việc thờ cúng, lễ hội, tặng cho người đi lính, quà tặng cho người già, cho trẻ mồ côi… Phần lợi tức còn lại được chia đều cho các thành viên trong xóm, làng.

Trong giai đoạn này, Nhà nước thực hiện chủ trương khôi phục nền kinh tế sau chiến tranh và cố gắng hoàn thành những nhiệm vụ của cách mạng dân tộc dân chủ.

Theo Điều 11 Hiến pháp năm 1959 có quy định nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trong thời kỳ quá độ bao gồm các hình thức sở hữu về tư liệu sản xuất sau:

- Sở hữu nhà nước tức là sở hữu toàn dân;

- Sở hữu hợp tác xã tức là sở hữu của tập thể nhân dân lao động;

- Sở hữu của người lao động riêng và sở hữu của nhà tư sản dân tộc.

Theo Điều lệ số 599-TTg ngày 9/10/1955 về cải cách ruộng đất ở ngoại thành có quy định, tất cả những ruộng đất ở ngoại thành đã bị trưng dụng, tịch thu, trưng mua thuộc mở rộng hoặc phạm vi thành phố, kiến thiết công thương nghiệp thì đều thuộc quyền sở hữu của Nhà nước.

Theo Nghị quyết 125-CP ngày 28/6/1971 do Chính phủ ban hành có quy định rõ nguyên tắc Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu về đất đai, ao hồ, đồng cỏ, ruộng đất của Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, cơ sở quốc doanh và cơ quan đơn vị khác và của cá nhân được Nhà nước chứng nhận quyền sử dụng và quản lý đất đều được pháp luật bảo vệ.

Năm 1975, nước ta thống nhất hoàn toàn và cả nước đang bước vào thời kỳ quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đây là một dấu mốc quan trọng về chính sách đất đai được thể hiện qua Quyết định 188-CP do Chính phủ ban hành vào ngày 25/9/1976. Cụ thể:

Nhà nước thực hiện việc quốc hữu hóa các đồn điền, thửa đất của tư sản nước ngoài. Tùy từng trường hợp cụ thể, Nhà nước xem xét bồi thường và hỗ trợ; Nhà nước tiến hành trực tiếp sử dụng, quản lý tất cả các loại ruộng đất bỏ hoang mà không có lý do chính đáng;…

Năm 1980, Hiến pháp năm 1980 ra đời và có quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Năm 1987, Luật Đất đai đầu tiên ra đời và đánh dấu mốc quan trọng trong hệ thống pháp luật về đất đai. Luật đất đai 1987 có ghi nhận đất đai thuộc sở hữu toàn dân và do Nhà nước thống nhất quản lý.

Chế độ sở hữu đất trong Luật Đất đai qua các thời kỳ thay đổi thế nào? (Ảnh minh họa)


2. Giai đoạn từ khi Luật Đất đai 1987 ra đời đến nay

Từ Luật Đất đai 1987 đến Luật Đất đai 1993, Luật Đất đai 2003 và Luật Đất đai 2013 chúng ta nhận thấy rằng pháp luật đất đai luôn luôn được Nhà nước quan tâm hoàn thiện, bổ sung.

Trong giai đoạn này, Nhà nước Việt Nam thực hiện việc mở rộng hơn quyền của người sử dụng đất từ các quyền chung cho đến các quyền riêng. Nhà nước ta vẫn tiếp tục duy trì đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu.

Tuy nhiên, chúng ta nhận thấy rằng người sử dụng đất đã có quyền tặng cho, chuyển nhượng, để thừa kế quyền sử dụng đất, nghĩa là Nhà nước đã cho phép người sử dụng đất được định đoạt tài sản đất đai trong khuôn khổ pháp luật cho phép.

Ví dụ như theo quy định tại khoản 3 Điều 191 Luật Đất đai 2013, đối với trường hợp người sử dụng đất muốn chuyển nhượng đất trồng lúa cho cá nhân, tổ chức khác thì cá nhân, tổ chức nhận chuyển nhượng phải thuộc đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Hay theo khoản 4 Điều 191 Luật Đất đai 2013 cũng có quy định, đối với trường hợp người sử dụng đất sử dụng đất rừng phòng hộ mà chuyển nhượng cho cá nhân, tổ chức khác thì cá nhân, tổ chức này phải sinh sống ở khu vực này…

Ta có thể thấy rằng, cơ chế quản lý đất đai của Việt Nam ngày càng hoàn thiện, đổi mới và đáp ứng được các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Trên đây là giải đáp về sở hữu đất đai qua Luật Đất đai qua các thời kỳ. Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

>> Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai được quy định thế nào?

Có thể bạn quan tâm

X