Lương cơ bản là cách gọi khá quen thuộc với người lao động. Tuy nhiên không phải ai cũng nắm rõ những vấn đề pháp lý liên quan đến loại lương này. Nhiều người thắc mắc rằng liệu lương cơ bản có phải lương đóng BHXH không? Bài viết dưới đây sẽ làm rõ vướng mắc này.
Cách tính lương cơ bản năm 2021 thế nào?
Hiện nay, không có quy định cụ thể về khái niệm lương cơ bản, tuy nhiên có thể hiểu đây là mức lương tối thiểu mà người lao động có thể nhận được khi làm việc.
Đặc biệt, cần phân biệt giữa lương cơ bản với lương cơ sở và lương tối thiểu vùng. Trong đó:
Lương cơ sở: Được dùng làm căn cứ để tính mức lương trong các bảng lương; mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác nhau theo quy định của pháp luật áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan Nhà nước.
Lương tối thiểu vùng: Là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương.
Theo đó, cách tính lương cơ bản đối với người lao động trong doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức cũng khác nhau. Cụ thể:
- Lương cơ bản với người làm việc trong doanh nghiệp:
Theo khoản 2 Điều 90 Bộ luật Lao động 2019, mức lương được trả cho người lao động không được thấp hơn lương tối thiểu vùng
Mặt khác, người sử dụng lao động phải trả lương cho người lao động cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề (theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 90/2019/NĐ-CP).
Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mức lương tối thiểu vùng vẫn được giữ nguyên theo quy định tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP như sau:
Mức lương tối thiểu vùng | Áp dụng với doanh nghiệp thuộc: |
4.420.000 đồng/tháng | Vùng I |
3.920.000 đồng/tháng | Vùng II |
3.430.000 đồng/tháng | Vùng III |
3.070.000 đồng/tháng | Vùng IV |
- Lương cơ bản với cán bộ, công chức, viên chức
Lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức được tính như sau:
Lương cơ bản = Lương cơ sở x Hệ số lương.
Trong đó:
Theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Nghị quyết 128/2020/QH14, trong năm 2021, chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở. Do vậy, mức lương cơ sở năm 2021 vẫn là 1,49 triệu đồng/tháng theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP.
Hệ số lương phụ thuộc vào từng chức vụ, ngành nghề, lĩnh vực.
Ví dụ, nếu bạn là giáo viên mầm non thì hệ số lương như sau:
Theo Điều 8 Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT:
- Giáo viên mầm non hạng III (mã số V.07.02.26) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0, từ hệ số lương 2,10 - 4,89;
- Giáo viên mầm non hạng II (mã số V.07.02.25) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 - 4,98;
- Giáo viên mầm non hạng I (mã số V.07.02.24) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2, từ hệ số lương 4,0 - 6,38.
Trường hợp bạn là Công an, được áp dụng hệ số lương từ 3,20 - 10,40 tùy cấp bậc quân hàm sĩ quan.
Lương cơ bản có phải là lương đóng BHXH không?
Để biết lương cơ bản có phải lương đóng BHXH không cần xem mức đóng BHXH gồm những khoản nào.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, mức đóng bảo hiểm xã hội bao gồm cả mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Theo đó, điểm c khoản 5 Điều 3 Thông tư 10/2020 quy định các khoản bổ sung khác theo thỏa thuận của hai bên gồm:
- Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương;
- Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động.
Đối với các chế độ và phúc lợi khác như: Tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết,…và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác thì ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động.
Trong khi đó, lương cơ bản không gồm các khoản tiền thưởng, phụ cấp, phúc lợi và các khoản thu nhập bổ sung khác.
Như vậy, lương cơ bản không phải lương đóng bảo hiểm mà lương đóng bảo hiểm còn bao gồm cả phụ cấp và các khoản bổ sung khác như trên.
Lương cơ bản có phải lương đóng BHXH không? (Ảnh minh họa)
Mức lương tháng đóng BHXH năm 2021 thế nào?
Theo điểm 2.6 khoản 2 và khoản 3 Điều 6 Quy trình thu BHXH được ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH, mức tiền lương tháng đóng BHXH 2021 gồm mức lương tháng đóng BHXH tối thiểu và tối đa, cụ thể;
- Mức lương tháng đóng BHXH tối thiểu:
Vùng | Người làm việc trong điều kiện bình thường | Người đã qua học nghề, đào tạo nghề | Người làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm | Người làm việc trong điều kiện đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm |
Vùng I | 4.420.000 | 4.729.400 | 4.965.870 | 5.060.458 |
Vùng II | 3.920.000 | 4.194.400 | 4.404.120 | 4.488.008 |
Vùng III | 3.430.000 | 3.670.100 | 3.853.605 | 3.927.007 |
Vùng IV | 3.070.000 | 3.284.900 | 3.449.145 | 3.514.843 |
- Mức lương tháng đóng BHXH tối đa
Theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP, mức lương đóng BHXH tối đa bằng 20 tháng lương cơ sở. Hiện nay, mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng
Do đó, mức lương tháng cao nhất để tính mức đóng BHXH bắt buộc = 20 x 1,49 = 29,8 triệu đồng/tháng.
Trên đây là giải đáp về lương cơ bản có phải lương đóng BHXH không? Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.
>> Nhận lương Gross hay lương Net có lợi hơn cho người lao động?