Năm 2021, với sự ra đời của 04 Thông tư mới thay thế cho 04 Thông tư liên tịch về giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đã kéo theo sự thay đổi về lương cơ bản của giáo viên. Cụ thể thế nào hãy cùng theo dõi bài viết sau.
Lương cơ bản của giáo viên được tính thế nào?
Hiện nay, lương cơ bản của giáo viên được tính theo công thức sau đây:
Lương cơ bản = Mức lương cơ sở x Hệ số lương
Trong đó:
- Mức lương cơ sở:
Tại khoản 7 Điều 3 Nghị quyết 128/2020/QH14 quy định, trong năm 2021, chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở. Do vậy, mức lương cơ sở năm 2021 vẫn là 1,49 triệu đồng/tháng theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP.
- Hệ số lương:
Từ ngày 20/3/2021, giáo viên sẽ được áp dụng hệ số lương như sau:
Giáo viên mầm non (Theo Điều 8 Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT)
+ Giáo viên mầm non hạng III (mã số V.07.02.26) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0, từ hệ số lương 2,10 - 4,89;
+ Giáo viên mầm non hạng II (mã số V.07.02.25) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 - 4,98;
+ Giáo viên mầm non hạng I (mã số V.07.02.24) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2, từ hệ số lương 4,0 - 6,38.
Giáo viên tiểu học (Theo Điều 8 Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT)
- Giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.29) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 - 4,98;
- Giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.28) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2, từ hệ số lương 4,00 - 6,38;
- Giáo viên tiểu học hạng I (mã số V.07.03.27) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.1, từ hệ số lương 4,40 - 6,78.
Giáo viên trung học cơ sở (Theo Điều 8 Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT)
- Giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 - 4,98;
- Giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2, từ hệ số lương 4,00 - 6,38;
- Giáo viên trung học cơ sở hạng I (mã số V.07.04.30) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.1, từ hệ số lương 4,4 - 6,78.
Giáo viên trung học phổ thông (Theo Điều 8 Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT)
- Giáo viên trung học phổ thông hạng III (mã số V.07.05.15) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 - 4,98;
- Giáo viên trung học phổ thông hạng II (mã số V.07.05.14) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2, từ hệ số lương 4,0 - 6,38;
- Giáo viên trung học phổ thông hạng I (mã số V.07.05.13) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.1, từ hệ số lương 4,40 - 6,78.
Như vậy, căn cứ theo mức lương cơ sở và hệ số lương nêu trên, trường hợp bạn là giáo viên THCS bậc 4 hạng III (hệ số lương là 3,33), lương cơ bản được xác định như sau:
Lương cơ bản = 1,49 x 3,33 = 4,962
Hoặc bạn theo dõi Bảng lương giáo viên THCS 2021 cụ thể sau:
|
Lương cơ bản của giáo viên các cấp là bao nhiêu? (Ảnh minh họa)
Thu nhập của giáo viên thế nào?
Bên cạnh lương cơ bản, thu nhập của giáo viên cũng là vấn đề rất được quan tâm. Theo đó, cách tính thu nhập giáo viên như sau:
Lương giáo viên = Lương cơ bản + Các loại phụ cấp được hưởng - Mức đóng các loại bảo hiểm
Trong đó:
Các loại phụ cấp giáo viên được hưởng gồm:
- Phụ cấp ưu đãi theo nghề:
Mức phụ cấp ưu đãi = 1,49 triệu đồng x [hệ số lương theo ngạch, bậc hiện hưởng + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) + phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)] x tỷ lệ % phụ cấp ưu đãi.
- Phụ cấp đặc thù:
Theo Nghị định 113 năm 2015, nhà giáo dạy tích hợp, nhà giáo là nghệ nhân ưu tú trở lên hoặc người có trình độ kỹ năng nghề cao dạy thực hành trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập được hưởng phụ cấp đặc thù:
Mức phụ cấp đặc thù = 10% [mức lương hiện hưởng + Phụ cấp chức vụ lãnh đạo + phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)]
- Phụ cấp cho giáo viên dạy người khuyết tật
Cũng theo Nghị định 113 năm 2015, giáo viên dạy học cho người khuyết tật sẽ được hưởng 02 loại phụ cấp là phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp ưu đãi công việc.
- Phụ cấp công tác vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn
Theo Nghị định 76/2019/NĐ-CP, giáo viên công tác vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn sẽ được hưởng một số phụ cấp như: Phụ cấp thu hút, công tác lâu năm, trợ cấp chuyển vùng, một lần, thanh toán tiền tàu xe…
- Phụ cấp thâm niên
Điều 3 Nghị định 54/2011/NĐ-CP quy định giáo viên đủ 05 năm (60 tháng) giảng dạy, giáo dục được tính hưởng mức phụ cấp thâm niên:
Phụ cấp thâm niên = 5% lương hiện hưởng + phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) + phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)
Từ các năm sau trở đi, phụ cấp thâm niên mỗi năm được tính thêm 1%.
Tuy nhiên, giáo viên sẽ chỉ được hưởng phụ cấp thâm niên đến 01/7/2022, sau đó sẽ không còn chế độ phụ cấp thâm niên nữa.Trên đây là giải đáp về Lương cơ bản của giáo viên các cấp là bao nhiêu? Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.