Người lao động khi làm việc ngoài giờ làm việc bình thường sẽ được trả lương làm thêm giờ. Vậy, tiền lương làm thêm giờ có đóng bảo hiểm xã hội không? Vấn đề này sẽ được giải đáp cụ thể trong bài viết dưới đây.
Người lao động làm thêm giờ được trả lương thế nào?
Căn cứ theo Điều 98 Bộ luật Lao động 2019, người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc. Cụ thể:
- Vào ngày thường: Ít nhất bằng 150%;
- Vào ngày nghỉ hằng tuần: Ít nhất bằng 200%;
- Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương: Ít nhất bằng 300% (chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày).
Lương làm thêm giờ được tính theo công thức:
Tiền lương làm thêm giờ ngày lễ | = | Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường | x | Mức ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300% | x | Số giờ làm thêm |
Với trường hợp làm thêm giờ vào ban đêm, ngoài việc trả lương như trên, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.
Ngoài ra, khi làm thêm giờ, tăng ca, cả người sử dụng lao động và người lao động cần lưu ý về yêu cầu khi sử dụng người lao động làm thêm giờ như sau (căn cứ khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động 2019):
- Phải được sự đồng ý của người lao động;
- Phải đảm bảo số giờ làm thêm:
- Không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày;
- Trường hợp làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày;
- Không quá 40 giờ/tháng;
- Không quá 200 giờ/năm, trừ trường hợp đặc biệt như làm công việc sản cấp thoát nước, viễn thông, xuất da, giày, điện,…
Lương làm thêm giờ có đóng bảo hiểm xã hội không?
Lương làm thêm giờ có đóng bảo hiểm xã hội không? (Ảnh minh họa)
Để xác định xem lương làm thêm giờ có đóng bảo hiểm xã hội hay không cần dựa trên các khoản tính đóng và không tính đóng bảo hiểm xã hội.
Cụ thể, căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm: Mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Tại điểm c khoản 5 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH quy định các khoản bổ sung khác theo thỏa thuận của hai bên gồm:
- Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương;
- Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động.
Đối với các chế độ và phúc lợi khác như: Tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết,…và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác thì ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động.
Theo đó, tiền lương làm thêm giờ của người lao động được trả theo thời gian làm việc thực tế mà không được xác định cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng. Đồng thời, khoản tiền này có thể trả thường xuyên hoặc không được trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.
Do đó, đối chiếu với căn cứ trên, có thể xác định tiền lương làm thêm giờ không phải đóng bảo hiểm xã hội.
Trên đây là giải đáp về Lương làm thêm giờ có đóng bảo hiểm xã hội không?. Nếu còn băn khoăn,, xin mời bạn đọc liên hệ 19006192 và cùng trao đổi thêm với chúng tôi.