hieuluat
Chia sẻ email

Tiền lương trực Tết 2023 của giáo viên được tính như thế nào?

Lương trực Tết của giáo viên năm 2023 có gì thay đổi? Cách tính tiền lương trực Tết của giáo viên vào ban ngày hoặc ban đêm như thế nào? HieuLuat giải đáp vướng mắc này trong bài viết phía dưới.

Mục lục bài viết
  • Giáo viên có bắt buộc phải trực Tết không?
  • Lương trực tết của giáo viên là lương làm thêm giờ đúng không?
  • Cách tính tiền trực Tết vào ban ngày thế nào?
  • Cách tính tiền trực Tết vào ban đêm ra sao?

Câu hỏi: Tôi là giáo viên tiểu học, mới đi làm được 04 tháng. Năm nay tôi được xếp lịch trực Tết vào sáng ngày mùng 02 và chiều mùng 05 Tết.

HieuLuat cho tôi hỏi, giáo viên có bắt buộc phải trực Tết không và lương trực Tết của giáo viên được tính như thế nào? - T.H (Bắc Ninh).

Chào bạn, với những vấn đề liên quan đến lương trực tết của giáo viên, thời gian trực tết của giáo viên mà bạn đang quan tâm, chúng tôi giải đáp cụ thể như sau:

Giáo viên có bắt buộc phải trực Tết không?

Căn cứ khoản 1 Điều 13 Luật Viên chức 2010, giáo viên được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động…

Ngày nghỉ tết âm lịch là một trong những ngày nghỉ của giáo viên. Vì vậy, trực tết không phải là công việc bắt buộc đối với giáo viên.

Cụ thể, thời gian nghỉ lễ, Tết của người lao động quy định tại Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 như sau:

1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:

a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);

b) Tết Âm lịch: 05 ngày;

c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);

d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);

đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);

e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).

Theo các quy định trên, nghỉ Tết là một trong những quyền lợi chính đáng của giáo viên.

Hay, pháp luật về lao động không quy định giáo viên phải trực Tết. Vì vậy, việc trực tết của giáo viên không phải là công việc bắt buộc.

Nếu giáo viên thực hiện trực tết thì đây được hiểu là đang thực hiện công việc vào ngày nghỉ tết. Và lương trực tết của giáo viên được tính cao hơn so với bình thường, mức cụ thể được chúng tôi trình bày trong phần dưới đây.
Lương trực tết của giáo viên là lương làm thêm giờ

Lương trực tết của giáo viên là lương làm thêm giờ

Lương trực tết của giáo viên là lương làm thêm giờ đúng không?

Như đã phân tích, các dịp nghỉ lễ, Tết là thời gian nghỉ ngơi của giáo viên. Vì vậy, trực Tết sẽ được coi là thời gian làm việc ngoài giờ làm việc.

Tại khoản 1 Điều 107 Bộ luật Lao động 2019 quy định:

Thời gian làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường theo quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động.

Theo quy định trên, nếu đồng ý trực Tết, thời gian trực sẽ được tính là thời gian làm thêm giờ.

Đồng thời, theo khoản 2 Điều 12 Luật Viên chức, giáo viên có thể được hưởng tiền làm thêm giờ, tiền làm đêm... theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập.

Hay, tiền lương trực tết của giáo viên sẽ bằng tổng số tiền lương trực tết vào ban ngày cộng với tiền lương trực tết vào ban đêm.

Như vậy, khi đến trường trực Tết, giáo viên được tính là làm việc ngoài giờ. Do vậy, lương trực tết của giáo viên là lương làm thêm giờ.

Mức lương làm thêm giờ có thể được tính tối thiểu bằng 300% lương làm việc trong điều kiện bình thường và có thể tăng nếu giáo viên trực tết cả vào ban đêm (Điều 98 Bộ luật Lao động).

Cụ thể cách tính lương làm thêm giờ vào ban ngày hoặc ban đêm (tiền lương cho thời gian trực tết vào ban ngày, ban đêm) được tính cụ thể như dưới đây.


Cách tính tiền trực Tết vào ban ngày thế nào?

Lương trực Tết của giáo viên sẽ được áp dụng theo quy định tại Điều 98 Bộ luật Lao động 2019. Trong đó, theo khoản 1 Điều 98 lương trực Tết vào ban ngày được tính bằng ít nhất 300% so với lương làm việc trong thời gian, điều kiện bình thường.

Cụ thể như sau:

1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:

a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;

b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;

c) Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

Căn cứ Điều 56 Nghị định 145/2020/NĐ-CP công thức tính lương trực tế của giáo viên vào thời gian làm việc ban ngày như sau:

Tiền lương làm thêm giờ

=

Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường

x

Mức ít nhất là 300%

x

Số giờ làm thêm

Theo đó, cách tính lương trực tết của giáo viên vào thời gian ban ngày được áp dụng theo công thức như chúng tôi đã trình bày ở trên.

Lương trực tết của giáo viên vào ban đêm cao hơn ban ngàyLương trực tết của giáo viên vào ban đêm cao hơn ban ngày

Cách tính tiền trực Tết vào ban đêm ra sao?

Theo Điều 106 Bộ luật Lao động, giờ làm việc ban đêm được tính từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau.

Nếu giáo viên được yêu cầu trực Tết vào ban đêm, khoản 2, 3 Điều 98 Bộ luật Lao động quy định về lương làm thêm giờ như sau:

2. Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.

3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.

Đồng thời, căn cứ Điều 57 Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn về tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm, lương trực Tết vào ban đêm sẽ được tính theo công thức:

Tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm

=

Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường

x

Mức ít nhất là 300%

+

Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường

x

Mức ít nhất 30%

+

20%

x

Tiền lương giờ vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ tết có hưởng lương

x

Số giờ làm thêm vào ban đêm

Như vậy, tiền lương trực tết của giáo viên là lương làm thêm giờ và được tính ít nhất là 300% so với lương làm việc trong ngày bình thường.

Nếu có thời gian trực tết vào ban đêm thì trong thời gian làm việc ban đêm (22h hôm trước đến 6h sáng hôm sau) lương của giáo viên được nhận tăng thêm ít nhất 50% một giờ so với lương thực nhận vào ngày làm việc bình thường/hoặc ngày nghỉ có hưởng lương.

Công thức tính được chúng tôi nêu cụ thể ở trên.

Trên đây là giải đáp thắc mắc của chúng tôi về lương trực Tết của giáo viên, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.
Lê Ngọc Khánh

Tham vấn bởi: Luật sư Lê Ngọc Khánh

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X