Cầm tờ hóa đơn tiền điện tháng 2 trên tay, nhiều hộ gia đình ở Hà Nội liên tục thắc mắc vì cao hơn những tháng trước. Điều này được lý giải bởi có sự điều chỉnh thời điển ghi chỉ số công tơ.
Thông thường, EVN Hà Nội sẽ ghi chỉ số điện vào ngày mùng 5 hàng tháng. Nhưng ngày 5/2 lại rơi đúng vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, vì thế lịch ghi chỉ số điện bị lùi lại so với tháng 1. EVN Hà Nội đã công khai lịch thay đổi trên website.
Theo quy định tại Thông tư 16/2014/TT-BCT, trong trường hợp bất khả kháng dẫn đến bên bán điện phải dịch chuyển thời điểm ghi chỉ số công tơ thì lượng điện sinh hoạt của từng bậc được điều chỉnh theo số ngày thực tế của kỳ ghi chỉ số công tơ đó.
Lý giải nguyên nhân tiền điện tháng Tết ở Hà Nội tăng
Mới đây, EVN đã công khai cách tính tiền điện trên website http://evnhanoi.com.vn như sau:
Khách hàng A ghi chỉ số công tơ theo lịch vào ngày 5/2 nhưng do trùng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nên chuyển sang ngày 12/2/2019, điện năng tiêu thụ là 500 kWh.
Bình thường số ngày định mức nếu không dịch chuyển ngày ghi chỉ số là 31 ngày. Nhưng do có sự điều chỉnh, số ngày dùng điện thực tế của khách hàng từ ngày 06/01/2019 đến ngày 12/02/2019 là 38 ngày. Do đó, sản lượng điện và định mức bậc thang được tính toán như sau:
M1 = (50kWh:31 ngày) x 38 ngày = 61 kWh; (61 kWh x 1.549đ = 94.489đ);
M2 = (50kWh:31 ngày) x 38 ngày = 61 kWh; (61kWH x 1600đ = 97.600đ);
M3 = (100kWh:31 ngày) x 38 ngày = 123 kWh; (123 kWh x 1858đ= 228.534đ);
M4 = (100kWh:31 ngày) x 38 ngày = 123 kWh; (123kWh x 2340 = 287. 820đ);
M5 = (100kWh:31 ngày) x 38 ngày = 123 kWh; (123kWh x 2615 = 321.645đ);
M6 = 500-61-61-123-123-123 = 9 kWh; (9kWh x 2701 = 24.309).
Tổng cộng tiền điện tháng 2 của khách hàng A là 1.054.397đ chưa VAT. Cả VAT là 1.159.837đ.
Cách tính định mức từng bậc thang tương ứng định mức theo số ngày sử dụng điện thực tế sẽ không làm tăng tiền điện ở mức cao nhất của khách hàng. Tuy nhiên, do số ngày sử dụng điện nhiều hơn trung bình các tháng nên tiền điện sẽ cao hơn.
hieuluat.vn