Hòa giải trong ly hôn như một biện pháp giúp vợ, chồng nhìn nhận lại cuộc hôn nhân của mình trước khi đi đến quyết định ly hôn. Vậy hòa giải có phải bắt buộc không? Nếu có thì mất bao nhiêu thời gian?
Thủ tục hòa giải cơ sở khi ly hôn có bắt buộc không?
Trả lời:
Hòa giải cơ sở diễn ra trước khi nộp đơn yêu cầu ly hôn. Đây là một yếu tố khuyến khích trong vụ việc ly hôn, bên thứ ba (không phải bên tranh chấp) giúp vợ, chồng giải quyết mâu thuẫn, xung đột (nếu có) và đạt được những thỏa thuận.
Điều 55 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định về khuyến khích hòa giải cơ sở như sau:
Điều 52. Khuyến khích hòa giải ở cơ sở
Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hòa giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.
Trong đó, theo khoản 2 Điều 2 Luật Hòa giải cơ sở 2013, cơ sở là thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và cộng đồng dân cư khác. Người hòa giải thường là người quen biết, có mối quan hệ thân thiết với vợ, chồng hoặc người có uy tín trong dòng họ, cộng đồng dân cư.
Như vậy, việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn là không bắt buộc. Mục đích của việc này là để khuyến khích hàn gắn mối quan hệ hai bên vợ, chồng.
Ly hôn có bắt buộc phải hòa giải? Thời gian bao lâu? (Ảnh minh họa)
Có bắt buộc phải qua hòa giải khi ly hôn ở Tòa án không?
Trả lời:
Điều 54 Luật Hôn nhân gia đình quy định như sau:
Điều 54. Hòa giải tại Tòa án
Sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Vì bạn không nói rõ trường hợp ly hôn của bạn là đơn phương ly hôn hay thuận tình ly hôn, do đó, bạn theo dõi hòa giải ly hôn trong hai trường hợp cụ thể dưới đây.
Đơn phương ly hôn
Theo Điều 205 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, với vụ án đơn phương ly hôn (một bên có yêu cầu), trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án.
Như vậy, sau khi nộp đơn ly hôn, thủ tục hòa giải là bắt buộc phải thực hiện tại Tòa án. Thủ tục hòa giải này được thực hiện trong giai đoạn chờ đưa vụ án ra xét xử sau khi vụ án đã được thụ lý.
Thuận tình ly hôn
Căn cứ Điều 397 Bộ luật Tố tụng dân sự, hòa giải khi thuận tình ly hôn được quy định:
Điều 397. Hòa giải và công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn
1. Trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, trước khi tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ, khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán có thể tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em về hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn và nguyện vọng của vợ, chồng, con có liên quan đến vụ án.
2. Thẩm phán phải tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ; giải thích về quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng, giữa cha, mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình, về trách nhiệm cấp dưỡng và các vấn đề khác liên quan đến hôn nhân và gia đình.
Theo quy định trên, việc hòa giải sẽ được tiến hành trong khi chuẩn bị xét xử đơn yêu cầu. Thẩm phán tiến hành hòa giải để vợ, chồng đoàn tụ, đưa ra các quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến hôn nhân, gia đình.
Nếu hòa giải không thành, Thẩm phán ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:
- Hai bên thực sự tự nguyện ly hôn;
- Hai bên đã thỏa thuận được với nhau về việc chia hoặc không chia tài sản chung, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con;
- Sự thỏa thuận phải bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ, con.
Tuy hòa giải là thủ tục bắt buộc, nhưng vẫn có một số trường hợp dưới đây, vụ án ly hôn không tiến hành hòa giải được (theo Điều 207 Bộ luật Tố tụng dân sự):
- Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt.
- Đương sự không thể tham gia hòa giải được vì có lý do chính đáng.
- Đương sự là vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự.
- Một trong các đương sự đề nghị không tiến hành hòa giải.
Tóm lại, thủ tục hòa giải tại Tòa án sau khi nộp đơn ly hôn là bắt buộc trừ một số trường hợp không tiến hành hòa giải được như trên. Đây được xem là cơ hội để hai bên hàn gắn, giải quyết các vấn đề nảy sinh trong hôn nhân trước khi đi đến quyết định ly hôn.
Hòa giải ly hôn tại Tòa án mất bao nhiêu thời gian?
Trả lời:
Theo khoản 1 Điều 205 Bộ luật Tố tụng dân sự, nguyên tắc tiến hành hòa giải được quy định:
1. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được quy định tại Điều 206 và Điều 207 của Bộ luật này hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn.
Đồng thời, Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án ly hôn là 04 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án.
Thời gian từ khi Tòa nhận đơn đến ngày thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án quyết định phân công Thẩm phán giải quyết vụ án là khoảng 20 ngày (Theo Điều 191, Điều 195, Điều 197 Bộ luật Tố tụng dân sự).
Như vậy, trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án ly hôn đơn phương, Tòa án sẽ tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận về việc giải quyết các vấn đề trong hôn nhân.
Sau khi Tòa án tiến hành hòa giải, có hai trường hợp là hòa giải ly hôn thành và hòa giải ly hôn không thành.
Với hòa giải ly hôn thành
Theo khoản 1 Điều 212 Bộ luật Tố tụng dân sự, hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, Tòa án phải gửi quyết định đó cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp.
Với hòa giải ly hôn không thành
Căn cứ Điều 56 Luật hôn nhân gia đình, khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Ngoài ra, với trường hợp thuận tình ly hôn, thời gian hòa giải được tính trong thời hạn 01 tháng Tòa án chuẩn bị xét đơn yêu cầu thuận tình ly hôn (theo Điều 397 Bộ luật Tố tụng dân sự).
Trên đây là giải đáp ly hôn có bắt buộc phải qua hòa giải, thời gian hòa giải bao lâu. Nếu còn thắc mắc khác liên quan đến ly hôn, bạn đọc vui lòng để lại câu hỏi tại đây.