Sau khi kết hôn, chưa nhập khẩu về nhà chồng, muốn đơn phương ly hôn, phải xử lý thế nào? Thủ tục có phức tạp không? Là câu hỏi của không ít các cặp đôi hiện nay.
1. Không cùng hộ khẩu, ly hôn đơn phương thế nào?
Ly hôn đơn phương xảy ra khi vợ hoặc chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trong quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng khiến cuộc sống hôn nhân không thể kéo dài thì một người có thể gửi đơn đến Tòa án để yêu cầu giải quyết ly hôn.
Theo quy định tại Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, do đơn phương ly hôn không nhận được sự thống nhất, thỏa thuận của hai vợ chồng nên việc giải quyết ly hôn sẽ được tiến hành tại Tòa án nơi cư trú, làm việc của bị đơn.
Vì vậy, không cùng hộ khẩu cũng không ảnh hưởng đến thẩm quyền giải quyết ly hôn của Tòa án.
Thủ tục ly hôn đơn phương không cùng hộ khẩu thế nào? (Ảnh minh họa)
2. Thủ tục ly hôn đơn phương không cùng hộ khẩu có gì khác?
Ly hôn đơn phương không cùng hộ khẩu cơ bản được tiến hành giống thủ tục ly hôn thuận tình, ngoại trừ các yếu tố sau:
* Chuẩn bị hồ sơ
Ngoài những giấy tờ cần phải nộp tương tự thuận tình ly hôn như:
- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);
- Chứng minh nhân dân của vợ và chồng (bản sao có chứng thực);
- Giấy khai sinh của các con (bản sao có chứng thực, nếu có con chung);
- Sổ hộ khẩu (bản sao có chứng thực). Trong trường hợp hai vợ chồng khác hộ khẩu thì phải có bản sao chứng thực sổ hộ khẩu của cả hai vợ chồng;
- Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản chung (nếu có tài sản chung, bản sao có chứng thực).
Thì người có yêu cầu ly hôn đơn phương phải nộp Đơn xin ly hôn đơn phương. Đồng thời, theo quy định tại khoản 4 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, đơn khởi kiện ly hôn đơn phương phải có các nội dung chính sau:
- Ngày tháng năm làm đơn;
- Tên Tòa án nhận đơn;
- Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện;
- Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện. Trong trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ cư trú, làm việc cuối cùng của người bị kiện…;
Kèm theo đơn khởi kiện là các tài liệu, chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Ở đây là chứng cứ chứng minh người còn lại có các hành vi bạo lực gia đình, không thực hiện nghĩa vụ vợ chồng khiến hôn nhân không thể kéo dài…
Như vậy có thể thấy, bị đơn trong trường hợp ly hôn đơn phương không cần phải có sổ hộ khẩu mà chỉ cần khai báo đầy đủ địa chỉ cuối cùng nơi người này cư trú, làm việc.
* Nơi nộp hồ sơ
Khác với ly hôn thuận tình, Tòa án có thẩm quyền giải quyết ly hôn đơn phương là nơi bị đơn cư trú, làm việc.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Tòa án sẽ thụ lý giải quyết đơn và giải quyết ly hôn đơn phương theo thủ tục chung.
Như vậy, ly hôn đơn phương không cùng hộ khẩu vẫn được tiến hành theo thủ tục ly hôn bình thường.