Thông thường, khi kết hôn, thì hai vợ chồng sẽ chuyển về cùng hộ khẩu. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp vợ hoặc chồng không nhập hộ khẩu chung với nhau. Vậy với trường hợp không cùng hộ khẩu, ly hôn thuận tình được tiến hành thế nào?
1. Hiểu biết cơ bản về ly hôn thuận tình
Ly hôn thuận tình là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Theo quy định tại Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 (Luật HN&GĐ), vợ, chồng hoặc cả hai người đều có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
Khi hai người cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện và đã thỏa thuận được với nhau về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con… thì Tòa án sẽ công nhận thuận tình ly hôn.
Do các vấn đề liên quan đến quan hệ hôn nhân của cả hai vợ chồng đã được thỏa thuận từ trước nên việc giải quyết ly hôn sẽ thuận lợi và nhanh chóng hơn.
Về việc khi hai vợ chồng không có chung hộ khẩu, khi tiến hành ly hôn, sẽ không ảnh hưởng đến các thủ tục giải quyết liên quan.
Hướng dẫn thủ tục ly hôn thuận tình không cùng hộ khẩu mới nhất (Ảnh minh họa)
2. Thủ tục ly hôn thuận tình không cùng hộ khẩu
Thủ tục ly hôn thuận tình khi không cùng hộ khẩu sẽ thực hiện như sau:
Bước 1: Chuẩn bị giấy tờ
- Đơn xin ly hôn thuận tình có chữ ký của cả hai vợ chồng;
- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);
- Chứng minh nhân dân của vợ và chồng (bản sao có chứng thực);
- Giấy khai sinh của các con (bản sao có chứng thực, nếu có con chung);
- Sổ hộ khẩu (bản sao có chứng thực). Trong trường hợp hai vợ chồng khác hộ khẩu thì phải có bản sao chứng thực sổ hộ khẩu của cả hai vợ chồng;
- Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản chung (nếu có tài sản chung, bản sao có chứng thực).
Bước 2: Nộp hồ sơ
Việc xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết ly hôn thuận tình do thỏa thuận của hai vợ chồng (Điều 55 Luật HN&GĐ 2014). Khi đó, có thể nộp hồ sơ đến Tòa án nơi cư trú của vợ hoặc của chồng để làm thủ tục.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc từ ngày nhận được đơn và tài liệu kèm theo, Tòa án sẽ phân công Thẩm phán giải quyết.
Bước 3: Tòa án giải quyết
Sau khi nhận đủ hồ sơ, Tòa án sẽ ra thông báo nộp lệ phí. Sau khi nộp xong lệ phí, Tòa án sẽ xét đơn và tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ theo quy định tại Điều 297 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.
Bước 4: Ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn
Trong trường hợp hòa giải thành thì vợ chồng đoàn tụ, Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu ly hôn.
Ngược lại, nếu không hòa giải được thì Tòa án sẽ ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn. Quan hệ hôn nhân sẽ chấm dứt từ thời điểm quyết định này có hiệu lực pháp luật.
Như vậy, có thể thấy, việc vợ, chồng không cùng hộ khẩu không ảnh hưởng đến quá trình giải quyết thuận tình ly hôn.
Xem thêm: