Một số bệnh như á sừng, vảy nến… khiến cho vân tay bị mờ thậm chí là không thấy được dấu vân tay. Theo đó, những trường hợp mất dấu vân tay có làm được thẻ Căn cước công dân gắn chip không?
Mặt sau thẻ Căn cước công dân gắn chip chứa thông tin gì?
- Bên trái, từ trên xuống: Đặc điểm nhân dạng/Personal identification; Ngày, tháng, năm/Date, month, year; CỤC TRƯỞNG CỤC CẢNH SÁT QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH VỀ TRẬT TỰ XÃ HỘI/DIRECTOR GENERAL OF THE POLICE DEPARTMENT FOR ADMINISTRATIVE MANAGEMENT OF SOCIAL ORDER; chữ ký, họ và tên của người có thẩm quyền cấp thẻ; dấu có hình Quốc huy của cơ quan cấp thẻ Căn cước công dân; chíp điện tử.
- Bên phải, từ trên xuống: Có 2 ô: Vân tay ngón trỏ trái/Left index finger và Vân tay ngón trỏ phải/Right index finger của người được cấp thẻ căn cước công dân.
- Dòng MRZ.
Theo đó, vân tay ngón trỏ trái và vân tay ngón trỏ phải của người được cấp thẻ Căn cước công dân gắn chip được in ở mặt sau của thẻ Căn cước công dân gắn chip.
Mất dấu vân tay có làm được thẻ Căn cước không (Ảnh minh họa)
Mất dấu vân tay có làm được thẻ Căn cước công dân gắn chip?
Theo điểm d khoản 1 Điều 12 Thông tư 07/2016/TT-BCA quy định, cán bộ cơ quan quản lý Căn cước công dân chụp ảnh, thu thập vân tay, đặc điểm nhận dạng của người đến làm thẻ Căn cước công dân để in trên Phiếu thu nhận thông tin Căn cước công dân và thẻ Căn cước công dân.
Vân tay của công dân được thu nhận qua máy thu nhận vân tay, trường hợp ngón tay bị cụt, khèo, dị tật, không lấy được vân tay thì ghi nội dung cụ thể vào vị trí tương ứng của ngón đó. Cụ thể, khoản 3 Điều 5 Thông tư 11/2016/TT-BCA quy định:
Thu nhận vân tay của công dân: Thu nhận vân tay chụm của 4 ngón bàn tay phải; vân tay chụm của 4 ngón bàn tay trái; vân tay của 2 ngón cái.
Trường hợp nếu không thu nhận được đủ 10 vân tay của công dân thì mô tả và nhập thông tin về tình trạng vân tay không thu nhận được.
Theo đó, trường hợp không thu nhận được đủ 10 vân tay của công dân thì cán bộ cơ quan quản lý Căn cước công dân mô tả và nhập thông tin về tình trạng vân tay không thu nhận được.
Do vậy, mất dấu vân tay vẫn làm được Căn cước công dân gắn chip như bình thường.
Thêm vào đó, theo tìm hiểu, máy thu nhận vân tay hiện nay được cài đặt mặc định, thu được vân tay mới hiện lên xanh, như vậy, rất ít trường hợp không thể lấy vân tay được dù bình thường có thể không nhìn thấy vân tay nhưng khi đi làm Căn cước công dân gắn chip vân tay vẫn sẽ được máy thu nhận.
Thủ tục làm CCCD gắn chip thế nào?
Như đã nói ở trên, trường hợp không có dấu vân tay bạn vẫn có thể thực hiện thủ tục cấp CCCD gắn chip bình thường. Theo đó:
- Với thủ tục cấp CCCD gắn chip lần đầu:
Bước 1: Yêu cầu cấp CCCD gắn chip
+ Công dân trực tiếp đến cơ quan Công an có thẩm quyền để đề nghị cấp thẻ CCCD, hoặc
+ Đề nghị cấp thẻ CCCD trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an. Hệ thống sẽ tự động chuyển đề nghị của công dân về cơ quan Công an nơi công dân đề nghị.
Bước 2: Tiếp nhận đề nghị cấp CCCD
Cán bộ thu nhận thông tin công dân tìm kiếm thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lập hồ sơ cấp thẻ:
+ Trường hợp thông tin công dân đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và không có sự thay đổi, điều chỉnh thì sử dụng thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lập hồ sơ cấp thẻ;
+ Trường hợp thông tin công dân đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng có sự thay đổi, điều chỉnh thì đề nghị công dân xuất trình giấy tờ pháp lý chứng minh nội dung thay đổi để cập nhật, bổ sung thông tin trong hồ sơ cấp thẻ;
+ Trường hợp thông tin công dân chưa có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì đề nghị công dân xuất trình một trong các loại giấy tờ hợp pháp chứng minh nội dung thông tin nhân thân để cập nhật thông tin trong hồ sơ cấp thẻ (như sổ hộ khẩu, giấy khai sinh...).
Bước 3: Chụp ảnh, thu thập vân tay
Với trường hợp của bạn, cán bộ cơ quan quản lý CCCD mô tả và nhập thông tin về tình trạng vân tay không thu nhận được.
Bước 4: Trả kết quả
Công dân nộp lệ phí, sau đó nhận giấy hẹn trả thẻ CCCD. Người dân đi nhận CCCD tại cơ quan Công an nơi tiếp nhận hồ sơ theo thời gian ghi trên giấy hẹn hoặc trả qua đường bưu điện.
- Với thủ tục cấp đổi từ CMND:
Bước 1: Người dân đến cơ quan Công an có thẩm quyền để đề nghị đổi thẻ Căn cước công dân hoặc khai trên Cổng dịch vụ công trực tuyến.
Bước 2: Cán bộ tiếp nhận đề nghị tìm kiếm thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lập hồ sơ cấp thẻ.
Nếu chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu thì công dân phải xuất trình một trong các loại giấy tờ hợp pháp chứng minh nội dung thông tin nhân thân.
Bước 3: Chụp ảnh, thu nhận vân tay
Bước 4: Nhận giấy hẹn trả thẻ Căn cước công dân
Công dân nhận giấy hẹn trả kết quả và nhận kết quả theo giấy hẹn.
- Thủ tục cấp đổi từ CCCD mã vạch:
Việc cấp đổi CCCD mã vạch sang CCCD gắn chip tương tự như đổi CMND 09 số, 12 số sang CCCD gắn chip.
Khi đổi CCCD mã vạch sang CCCD gắn chip thì CCCD mã vạch cũng bị thu lại.
Trên đây là giải đáp về trường hợp Mất dấu vân tay có làm được thẻ Căn cước công dân gắn chip?. Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.