hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 12/07/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai và cách sử dụng đơn

Mẫu đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai đang sử dụng hiện nay, cách ghi thế nào là chuẩn pháp lý? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây của HieuLuat.

Mục lục bài viết
  • Mẫu đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai hiện nay là gì?
  • Mẫu đơn tranh chấp đất đai gửi ubnd xã có nội dung gì?
  • Mẫu đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai thừa kế là mẫu nào?
  • Sử dụng đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai khi nào?
  • Được ủy quyền lập đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai không?
Câu hỏi: Gia đình tôi và gia đình ông Vương K (hàng xóm) đang có tranh chấp về xác định người có quyền sử dụng đối với phần diện tích 150m2.

Trong Giấy chứng nhận gia đình tôi được cấp rõ ràng có ghi phần diện tích này nhưng ông K cho rằng đây là diện tích làm lối đi của gia đình ông từ trước đến nay.

Nay tôi muốn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai (do không thể tự hòa giải), vậy tôi cần sử dụng mẫu đơn nào?

Ngoài ra, gia đình tôi có diện tích đất do bố mẹ để lại, nay cũng đang có phát sinh tranh chấp vì bác cả đang làm việc ở nước ngoài không đồng ý với việc phân chia của các anh chị em trong nước.

Vậy, nếu tranh chấp đất đai về thừa kế thì chúng tôi sử dụng mẫu đơn nào, gửi đến đâu để được giải quyết?

Tôi cảm ơn! - Ng.L (Hòa Bình).

Chào bạn, xoay quanh vướng mắc về mẫu đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định hiện hành, chúng tôi giải đáp như dưới đây.

Mẫu đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai hiện nay là gì?

Mẫu đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai là văn bản do các bên tranh chấp lập, gửi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết vụ việc tranh chấp của mình.

Trong trường hợp của bạn, các mẫu đơn sử dụng được chúng tôi trình bày chi tiết như sau:

Mẫu đơn tranh chấp đất đai gửi ubnd xã có nội dung gì?

Mẫu đơn tranh chấp đất đai gửi Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã thực chất là mẫu đơn đề nghị hòa giải tranh chấp đất đai của các bên trong vụ việc.

Do thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai buộc phải tiến hành hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất nên để được hòa giải, các bên buộc phải làm đơn yêu cầu hòa giải.

Đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai chưa được pháp luật về đất đai ban hành mẫu, vậy nên, dựa trên quy định chung của Luật Đất đai 2013 và thực tế giải quyết vụ việc, chúng tôi cung cấp cho bạn mẫu đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai gồm các nội dung sau:

Sửa/In biểu mẫu

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

…….ngày…..tháng….. năm…..

ĐƠN ĐỀ NGHỊ HÒA GIẢI TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI

Kính gửi: Uỷ ban nhân dân xã (phường, thị trấn):………………………

Tên tôi là: .................................................................................................................................

Sinh năm: ..................................................................................................................................

CMND/CCCD: ..........................................................................................................................

Ngày cấp:........................................ nơi cấp:…………………………………………………..

Đăng ký thường trú tại:...............................................................................................................

Số điện thoại: ………………………………………………………………………………….

Tôi viết đơn này đề nghị Quý Ủy ban thực hiện xác minh, giải quyết vấn đề tranh chấp đất đai giữa gia đình tôi với gia đình của ông (bà):.........................................................................

Nơi ở:..........................................................................................................................................

Số điện thoại (nếu có): …………………………………………………………………………

Nội dung vụ việc tranh chấp đất đai như sau:

....................................................................................................................................................

....................................................................................................................................................

....................................................................................................................................................

...................................................................................................................................................

Dù đã nhiều lần thiện chí hòa giải, thương lượng, đàm phán với gia đình Ông/bà….. nhưng không đạt được kết quả, mức độ tranh chấp ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Vì vậy, tôi làm đơn này đề nghị Ủy ban nhân dân…………….. tổ chức hòa giải tranh chấp đất giữa gia đình tôi với gia đình ông: ……………............., trú tại …………….. để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp nêu trên.

Yêu cầu hòa giải cụ thể:

....................................................................................................................................................

....................................................................................................................................................

Kèm theo đơn là các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của tôi.

Kính mong Quý Ủy ban xem xét đơn đề nghị và giải quyết trong thời gian sớm nhất để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho tôi cũng như không để tranh chấp leo thang, không kiểm soát được.

Tôi xin chân thành cảm ơn!

Tài liệu gửi kèm:

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

- Căn cước công dân;

- Trích lục bản đồ địa chính;

- …………………..;

NGƯỜI LÀM ĐƠN

(ký và ghi rõ họ tên)




Hướng dẫn cách ghi mẫu đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai tại UBND xã:

  • Thông tin của cơ quan có thẩm quyền giải quyết (phần Kính gửi): UBND cấp xã (xã, phường, thị trấn) nơi có đất xảy ra tranh chấp; Ví dụ: UBND xã X, huyện Y, thành phố Z;

  • Thông tin về người làm đơn: Ghi đầy đủ thông tin như họ và tên, hộ khẩu thường trú, chỗ ở hiện tại, số chứng minh nhân dân/ căn cước công dân của người làm đơn...;

  • Tóm tắt sự việc dẫn tới tranh chấp đất đai: Nội dung này cần ghi ngắn gọn, súc tích, mạch lạc, thường lập theo thứ tự thời gian phát sinh vụ việc, cụ thể:

    • Diễn biến tranh chấp theo thời gian phát sinh sự vụ;

    • Nội dung tranh chấp giữa các bên liên quan đến đất tranh chấp;

    • Quá trình giải quyết sau khi phát sinh tranh chấp;

  • Yêu cầu hòa giải/giải quyết tranh chấp đất đai:

    • Ghi yêu cầu cụ thể để UBND cấp xã có căn cứ xem xét, hòa giải và giải quyết tranh chấp;

    • Lưu ý rằng, người làm đơn cần xác định đúng yêu cầu giải quyết tranh chấp (yêu cầu chính, trọng tâm),  tránh lan man sang những yêu cầu khác không thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp xã;

    • Ví dụ, trong trường hợp của bạn là tranh chấp về ranh giới thửa đất, người có quyền sử dụng đất. Do đó khi viết đơn cần nêu rõ yêu cầu giải quyết tranh chấp ở đây là xác định người có quyền sử dụng đối với phần diện tích tranh chấp; xác định lại ranh giới thửa đất;

  • Mục tài liệu kèm theo: Ghi các giấy tờ, tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ), hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và các giấy tờ khác liên quan đến diện tích xảy ra tranh chấp,..;

Như vậy, mẫu đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã chính là mẫu đơn đề nghị hòa giải tranh chấp đất đai với các nội dung và cách ghi như chúng tôi đã hướng dẫn ở trên.

Mẫu đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai  tại UBND xãMẫu đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai  tại UBND xã

Mẫu đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai thừa kế là mẫu nào?

Khác với mẫu đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai tại UBND xã, đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai là tài sản thừa kế giải quyết tại Tòa án nhân dân thực chất là mẫu đơn khởi kiện yêu cầu chia thừa kế.

Lý do là khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế là đất đai không thuộc trường hợp phải tiến hành hòa giải theo quy định tại Điều 202 Luật Đất đai, vậy nên, các bên không cần phải soạn, gửi đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai như chúng tôi đã nêu trên tới UBND cấp xã.

Mẫu đơn khởi kiện yêu cầu chia thừa kế di sản là đất đai được áp dụng theo mẫu được sử dụng chung là Mẫu số 23-DS được ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP.

Thực tế, để thuận tiện cho quá trình giải quyết vụ án tranh chấp đất đai thừa kế, dựa theo quy định của mẫu đơn khởi kiện chung, mẫu số 23-DS, chúng tôi gửi đến bạn mẫu đơn yêu cầu chia thừa kế đất đai với nội dung chi tiết như dưới đây:

Sửa/In biểu mẫu

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

……(1), ngày….. tháng …… năm…….

ĐƠN KHỞI KIỆN

(Về việc phân chia di sản thừa kế)

Kính gửi: Toà án nhân dân (2)……………………………………

Người khởi kiện: (3).................................................................................

Địa chỉ: (4) ................................................................................................

Số điện thoại: …………………(nếu có); số fax: ………………….(nếu có)

Địa chỉ thư điện tử: ………................................................. (nếu có)

Người bị kiện: (5)......................................................................................

Địa chỉ (6) .................................................................................................

Số điện thoại: …………………(nếu có); số fax: ………………….(nếu có)

Địa chỉ thư điện tử: ………................................................. (nếu có)

Người có quyền, lợi ích được bảo vệ (nếu có)(7).......................................

Địa chỉ: (8).................................................................................................

Số điện thoại: …………………(nếu có); số fax: ………………...(nếu có)

Địa chỉ thư điện tử : ………………………………............(nếu có)

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (nếu có) (9).................................

Địa chỉ: (10) ...............................................................................................

Số điện thoại: …………………(nếu có); số fax: ………………….(nếu có)

Địa chỉ thư điện tử: ..………………………..……............. (nếu có)

Nội dung vụ việc tranh chấp:

(Nên trình bày theo thứ tự phát sinh các sự kiện, bao gồm như:

Trình bày họ tên bố mẹ, chết ngày, tháng, năm nào;

Bố mẹ sinh được bao nhiêu người con, con nuôi không, ông bà nội ngoại còn sống hay đã mất, địa chỉ nơi ở;

Nếu có người nào đã chết thì khai thêm vợ hoặc chồng và các con của người đó;

Bố mẹ chết có để lại di chúc không; Nếu có di chúc thì di chúc có được công chứng, chứng thực không; Ghi nội dung chủ yếu của di chúc;

Tài sản của bố mẹ để lại gồm những gì; Miêu tả rõ hiện trạng tài sản, giá trị tài sản theo giá trị thị trường tại thời điểm hiện tại;

Tài sản hiện do ai quản lý sử dụng;

Nội dung tranh chấp cụ thể là gì, ai tranh chấp với ai, tranh chấp như thế nào;

Người khởi kiện thấy rằng mình có quyền như thế nào đối với tài sản đang tranh chấp…;

Quá trình từ giải quyết hoặc chính quyền hòa giải diễn ra thế nào…;)

Yêu cầu Tòa án giải quyết những vấn đề sau đây: (11)

(Ghi rõ nội dung/yêu cầu đề nghị tòa giải quyết, ví dụ:

Chia như thế nào, ai được nhận bao nhiêu;

Cách chia ra sao;

Có nghĩa vụ tài chính phải khấu trừ, thanh toán hay không, yêu cầu tòa xử lý thế nào…;)

Người làm chứng (nếu có) (12)...................................................................

Địa chỉ: (13) ...............................................................................................

Số điện thoại: …………………(nếu có); số fax: ………………….(nếu có)

Địa chỉ thư điện tử: ………………………...…….…......... (nếu có).

Danh mục tài liệu, chứng kèm theo đơn khởi kiện gồm có: (14)...............

1..............................................................................................................

2..............................................................................................................

(Các thông tin khác mà người khởi kiện xét thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ án) (15) ................................................................................................................

    Người khởi kiện (16)

Hướng dẫn cách ghi:

(1) Ghi địa điểm làm đơn khởi kiện (ví dụ: Hà Nội, ngày….. tháng….. năm……).

(2) Ghi tên Toà án có thẩm quyền giải quyết vụ án; nếu là Toà án nhân dân cấp huyện, thì cần ghi rõ Toà án nhân dân huyện nào thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào (ví dụ: Toà án nhân dân huyện A thuộc tỉnh B), nếu là Toà án nhân dân cấp tỉnh, thì ghi rõ Toà án nhân dân tỉnh (thành phố) nào (ví dụ: Toà án nhân dân thành phố Hà Nội) và địa chỉ của Toà án đó (ví dụ, tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, địa chỉ: Ô đất 1-VP, Khu chức năng đô thị Nam đường vành đai 3, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội).

(3) Nếu người khởi kiện là cá nhân thì ghi họ tên; đối với trường hợp người khởi kiện là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi thì ghi họ tên, địa chỉ của người đại diện hợp pháp của cá nhân đó; nếu người khởi kiện là cơ quan, tổ chức thì ghi tên cơ quan, tổ chức và ghi họ, tên của người đại điện hợp pháp của cơ quan, tổ chức khởi kiện đó.

(4) Ghi nơi cư trú tại thời điểm nộp đơn khởi kiện. Nếu người khởi kiện là cá nhân, thì ghi đầy đủ địa chỉ nơi cư trú (ví dụ: Nguyễn Văn A, cư trú tại thôn B, xã C, huyện M, tỉnh H); nếu người khởi kiện là cơ quan, tổ chức, thì ghi địa chỉ trụ sở chính của cơ quan, tổ chức đó (ví dụ: Công ty TNHH A có trụ sở: Số 20 phố MN, quận HK, thành phố H).

(5), (7), (9) và (12) Ghi tương tự như hướng dẫn tại điểm (3).

(6), (8), (10) và (13) Ghi tương tự như hướng dẫn tại điểm (4).

(11) Nêu cụ thể từng vấn đề yêu cầu Toà án giải quyết.

(14) Ghi rõ tên các tài liệu kèm theo đơn khởi kiện gồm có những tài liệu nào và phải đánh số thứ tự (ví dụ: các tài liệu kèm theo đơn gồm có: di chúc, bản sao hợp đồng mua bán nhà, bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy khai sinh của các con, giấy chứng tử của người để lại di sản …).

(15) Ghi những thông tin mà người khởi kiện xét thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ án (ví dụ: Người khởi kiện thông báo cho Toà án biết khi xảy ra tranh chấp một trong các đương sự đã đi nước ngoài chữa bệnh…).

(16) Nếu người khởi kiện là cá nhân thì phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khởi kiện đó; trường hợp người khởi kiện là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi thì người đại diện hợp pháp đó phải ký tên điểm chỉ; trường hợp người khởi kiện, người đại diện hợp pháp không biết chữ, không nhìn được, không tự mình làm đơn khởi kiện, không tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì người có năng lực hành vi tố tụng dân sự đầy đủ làm chứng, ký xác nhận vào đơn khởi kiện.


Đặc biệt lưu ý, người khởi kiện phải có các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình là hợp pháp thì mới được tòa án nhân dân thụ lý.

Như vậy, mẫu đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai thừa kế tại Tòa án nhân dân chính là mẫu đơn khởi kiện yêu cầu chia tài sản thừa kế.

Mẫu đơn này được sử dụng là mẫu khởi kiện dân sự - Mẫu số 23-DS, tuy nhiên, để thuận tiện cho quá trình thụ lý, xử lý, giải quyết vụ án, các bên có thể sử dụng mẫu mà chúng tôi cung cấp ở trên.

Mẫu đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai thừa kếMẫu đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai thừa kế

Sử dụng đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai khi nào?

Trước tiên, khi xảy ra tranh chấp đất đai, một trong các bên tranh chấp có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.

Theo đó, khi các bên không thể tự hòa giải được thì gửi đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải (khoản 2 Điều 202 Luật Đất đai 2013).

Đây cũng là thủ tục bắt buộc khi tiến hành giải quyết tranh chấp đất đai. Nếu các bên không tiến hành hòa giải tại UBND cấp xã thì sẽ không đủ điều kiện để khởi kiện tại Tòa án.

Trường hợp tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại UBND cấp xã mà không thành thì tiến hành như sau:
  • Đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất: Khởi kiện tại Tòa án nhân dân hoặc nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp huyện/cấp tỉnh;

  • Đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất: Tòa án nhân dân giải quyết tranh chấp.

Tại đây, để được giải quyết, các bên phải gửi đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai hoặc đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai tới Tòa án nhân dân có thẩm quyền (mẫu đơn khởi kiện dân sự, mẫu 23-DS).

Trong đó, đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc cấp tỉnh là đơn sử dụng với các nội dung cơ bản như sau:

Sửa/In biểu mẫu

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

…….ngày…..tháng….. năm…..

ĐƠN YÊU CẦU GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI

Kính gửi: Uỷ ban nhân dân quận/huyện………………..

Tên tôi là: .................................................................................................................................

Sinh năm: ..................................................................................................................................

CMND/CCCD: ..........................................................................................................................

Ngày cấp:........................................ nơi cấp:…………………………………………………..

Đăng ký thường trú tại:...............................................................................................................

Số điện thoại: ………………………………………………………………………………….

Tôi viết đơn này đề nghị Quý Ủy ban giải quyết vấn đề tranh chấp đất đai giữa gia đình tôi với gia đình của ông (bà):.........................................................................

Nơi ở:..........................................................................................................................................

Số điện thoại (nếu có): …………………………………………………………………………

Nội dung vụ việc tranh chấp đất đai như sau:

....................................................................................................................................................

....................................................................................................................................................

....................................................................................................................................................

...................................................................................................................................................

Dù đã nhiều lần thiện chí hòa giải, thương lượng, đàm phán với gia đình Ông/bà….. và đã được UBND xã/phường/thị trấn… hòa giải nhưng không thành.

Vì vậy, tôi làm đơn này đề nghị Ủy ban nhân dân quận/huyện…………….. giải quyết tranh chấp đất đai giữa gia đình tôi với gia đình ông: ……………............., trú tại ……

Những yêu cầu giải quyết cụ thể:

....................................................................................................................................................

....................................................................................................................................................

Kính mong Quý UBND quận/huyện… nhanh chóng xác minh vụ việc, giải quyết thấu đáo, thỏa đáng tranh chấp, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho gia đình tôi.

Trân trọng cảm ơn!

Tài liệu gửi kèm:

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bản sao);

- Biên bản hòa giải không thành (bản sao);

- Căn cước công dân (bản sao);

- Trích lục bản đồ địa chính (bản sao);

- …………………..;

NGƯỜI LÀM ĐƠN

(ký và ghi rõ họ tên)







Ngược lại, nếu phát sinh tranh chấp liên quan đến đất đai như tranh chấp hợp đồng mua bán đất, tranh chấp thừa kế đất đai, tranh chấp về hợp đồng thuê đất... thì không cần sử dụng mẫu đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai như chúng tôi đã trình bày ở trên.

Lúc này, các bên có thể sử dụng mẫu đơn khởi kiện dân sự - Mẫu số 23-DS ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP.

Như vậy, sau khi hòa giải tranh chấp đất đai không thành tại UBND cấp xã, đương sự lập, gửi mẫu đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai gửi tới UBND cấp huyện hoặc tỉnh hoặc đơn khởi kiện tranh chấp đất đai tới Tòa án nhân dân để được giải quyết.

Nội dung cụ thể của mẫu đơn được chúng tôi giải đáp như trên.

Được ủy quyền giải quyết tranh chấp đất đai không?Được ủy quyền giải quyết tranh chấp đất đai không?

Được ủy quyền lập đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai không?

Như chúng tôi đã trình bày, khi việc hòa giải không thành thì các bên có quyền gửi đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai/đơn khởi kiện tới Tòa án nhân dân hoặc Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền.

Trong trường hợp yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai được thể hiện thông qua đơn khởi kiện gửi tòa án nhân dân có thẩm quyền thì việc ủy quyền lập, soạn, ký đơn khởi kiện được quy định tại Điều 189 Bộ luật tố tụng Dân sự 2015 như sau:

  • Cá nhân là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự: Có thể nhờ người khác soạn đơn nhưng phần ký, ghi rõ họ tên cuối đơn phải tự mình thực hiện;

  • Cá nhân là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi: Đơn khởi kiện do người đại diện theo pháp luật của họ hoặc người khác soạn, tuy nhiên, phần ký, ghi rõ họ tên ở cuối đơn phải do người đại diện theo pháp luật của những người này ký, ghi rõ họ tên;

  • Nếu cá nhân thuộc một trong hai trường hợp trên mà không biết chữ, người khuyết tật nhìn, người không thể tự mình làm đơn khởi kiện, người không thể tự mình ký tên hoặc điểm chỉ: Được nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện và phải có người có đủ năng lực tố tụng dân sự làm chứng, đồng thời, người làm chứng phải ký xác nhận vào đơn khởi kiện;

Tương tự, đối với việc lập, soạn mẫu đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai gửi UBND cấp huyện/cấp tỉnh có thẩm quyền.

Từ những căn cứ trên, suy ra, pháp luật hiện hành vẫn cho phép người không phải là nguyên đơn lập, soạn, ký tên trên đơn khởi kiện nhưng những trường hợp này không thuộc trường hợp ủy quyền khởi kiện nếu cá nhân khởi kiện có đủ năng lực hành vi dân sự.

Hay, pháp luật hiện hành không cho phép được ủy quyền ký tên trên đơn khởi kiện/hay ủy quyền khởi kiện mà chỉ cho phép được ủy quyền soạn đơn khởi kiện hoặc chỉ cho phép người đại diện, người làm chứng được ký tên trên đơn khởi kiện nếu người khởi kiện không có đủ năng lực hành vi dân sự hoặc khi không biết chữ, không thể ký.

Ngược lại với việc ký đơn, pháp luật không hạn chế/không cấm việc nhờ người khác soạn đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.

Hay, cá nhân được phép ủy quyền/nhờ người khác soạn đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai, kể cả khi có đủ năng lực hành vi dân sự.

Kết luận: Người khởi kiện không được ủy quyền ký tên trên mẫu đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai, trừ một số trường hợp như người khởi kiện không có đủ năng lực hành vi dân sự, bị khuyết tật nhìn, không biết chữ, không điểm chỉ được... như chúng tôi đã nêu trên.

Tuy nhiên, pháp luật cho phép người khởi kiện được nhờ/ủy quyền cho người khác soạn đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.

Trên đây là giải đáp về Mẫu đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006199 để được hỗ trợ.

Lê Ngọc Khánh

Tham vấn bởi: Luật sư Lê Ngọc Khánh

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X