hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Bảy, 07/01/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Hợp đồng thuê nhà được chấm dứt trong những trường hợp nào?

Mẫu hợp đồng thuê nhà 2023 hiện nay gồm có nội dung gì? Cần công chứng hợp đồng thuê nhà không? Cho thuê nhà có phải đóng thuế không? Cùng tìm hiểu những thông tin này trong bài viết dưới đây.

Mục lục bài viết
  • Mẫu hợp đồng thuê nhà 2023 hiện nay có nội dung gì?
  • Cứ cho thuê nhà là phải nộp thuế, có đúng không? Những loại thuế nào phải nộp?
  • Hợp đồng thuê nhà có bắt buộc phải công chứng không?
  • Công chứng hợp đồng thuê nhà ở đâu?
  • Công chứng hợp đồng thuê nhà, cần chuẩn bị hồ sơ gồm giấy tờ gì?

Mẫu hợp đồng thuê nhà 2023 hiện nay có nội dung gì?

Câu hỏi: Tôi đang có căn nhà vừa sửa lại đẹp để cho thuê lâu dài. Tôi đang tìm hiểu mẫu hợp đồng thuê nhà để làm hợp đồng.

Vui lòng hỗ trợ giúp tôi và hướng dẫn chi tiết cách viết các điều khoản giúp tôi. (Trần Thị Huế - Hưng Yên).

Mẫu hợp đồng thuê nhà 2023 mới nhất hiện nay đang được sử dụng nhiều là mẫu quy định tại Phụ lục số 20, ban hành kèm theo Thông tư số 19/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng.

Theo quy định, hợp đồng thuê nhà ở tại Phụ lục số 20 là mẫu được sử dụng trong các trường hợp đối tượng cho thuê là nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước hoặc nhà ở phục vụ tái định cư hoặc nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước.

Tuy nhiên, đây cũng là mẫu được sử dụng nhiều trong các giao dịch cho thuê nhà ở với đối tượng là các nhà ở thông thường khác.

Vì vậy, bạn hoàn toàn có thể sử dụng mẫu này để tiến hành thỏa thuận, thương lượng, giao kết, thực hiện, chấm dứt hợp đồng thuê nhà của mình.

Nội dung của hợp đồng thuê nhà thường bao gồm như:

  • Điều khoản về các bên, thông tin về đối tượng thuê;

  • Điều khoản về quyền nghĩa vụ của các bên;

  • Điều khoản về giải quyết tranh chấp;

  • Điều khoản về bồi thường thiệt hại/phạt vi phạm;

  • Điều khoản về thời gian thuê, giá thuê;....

Cụ thể như sau:

Sửa/In biểu mẫu

PHỤ LỤC SỐ 20

MẪU HỢP ĐỒNG THUÊ NHÀ Ở
(Ban hành kèm theo Thông tư số 19/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

….., ngày ….. tháng …. năm ……

MẪU HỢP ĐỒNG THUÊ NHÀ Ở (68)

Số ........../HĐ

Căn cứ Bộ Luật dân sự;

Căn cứ Luật Nhà ở ngày 25 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định chi Tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Nhà ở;

Căn cứ Thông tư số 19/2016/TT-BXD ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Luật Nhà ở và Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định chi Tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Nhà ở;

Căn cứ đơn đề nghị thuê nhà ở của Ông (Bà) ... ... .... ... ... ... đề ngày.....tháng.... năm....

Căn cứ (69) ......................................................................................................................

Hai bên chúng tôi gồm:

BÊN CHO THUÊ NHÀ Ở (sau đây gọi tắt là Bên cho thuê):

- Tên đơn vị: ...............................................................................................................

- Người đại diện theo pháp luật: ...................................................................................

- Địa chỉ liên hệ: ..........................................................................................................

- Hộ khẩu thường trú: ..................................................................................................

- Điện thoại: ..................................................Fax (nếu có): .............................................

- Số tài Khoản: ............................................tại Ngân hàng: ............................................

- Mã số thuế: ...............................................................................................................

BÊN THUÊ NHÀ Ở (sau đây gọi tắt là Bên thuê):

- Ông (bà): ........................................................là đại diện cho các thành viên cùng thuê nhà ở có tên trong phụ lục A đính kèm theo Hợp đồng này (70).

- Số CMND (hộ chiếu hoặc thẻ quân nhân) .......................................cấp ngày ........../........./.........., tại

- Hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú ................................................................................

- Địa chỉ liên hệ: ..........................................................................................................

- Điện thoại: ................................................................................................................

Hai bên thống nhất ký kết Hợp đồng thuê nhà ở với các nội dung sau đây:

Điều 1. Thông tin về nhà ở cho thuê

1. Loại nhà ở (căn hộ chung cư hoặc nhà ở riêng lẻ): ....................................................

2. Địa chỉ nhà ở: ..........................................................................................................

3. Diện tích sử dụng ...............m2 (đối với căn hộ chung cư là diện tích thông thủy)

4. Các thông tin về phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung, phần sử dụng riêng, phần sử dụng chung (nếu là căn hộ chung cư):...................................................................................................................

5. Các trang thiết bị chủ yếu gắn liền với nhà ở: ............................................................

6. Đặc Điểm về đất xây dựng: ......................................................................................

(Trường hợp là nhà ở cũ thì ghi rõ diện tích chính, diện tích phụ, diện tích tự xây dựng thêm (nếu có); trường hợp nhà ở xã hội cho sinh viên thuê thì ghi thêm phần trang thiết bị gắn liền với căn hộ đó (như giường tầng, quạt máy, bình nước...), ghi rõ ràng diện tích sinh hoạt chung như nhà văn hóa, nhà thể thao mà sinh viên được sử dụng có thu phí hoặc không thu phí).

Điều 2. Giá thuê nhà ở, phương thức và thời hạn thanh toán

1. Giá thuê nhà ở là............................đồng/01 tháng (I)

(Bằng chữ:...............................................................................).

Căn cứ vào quy định pháp luật về nhà ở áp dụng đối với từng loại nhà ở (nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư hoặc nhà ở cũ) để ghi rõ trong Hợp đồng giá thuê nhà ở có bao gồm hoặc không bao gồm các chi phí như chi phí bảo trì, chi phí thu hồi vốn đầu tư xây dựng, quản lý vận hành....

Giá thuê nhà ở sẽ được Điều chỉnh khi Nhà nước có thay đổi về khung giá hoặc giá thuê (nếu có). Bên cho thuê có trách nhiệm thông báo giá thuê mới cho Bên thuê trước khi áp dụng ít nhất là 01 tháng.

2. Số tiền thuê nhà được miễn, giảm là........................đồng/tháng (II)

(Bằng chữ: ...............................................................đồng/tháng)

Bên cho thuê phải ghi rõ căn cứ pháp luật để miễn, giảm tiền thuê nhà ở (71).

3. Số tiền thuê Bên thuê phải trả hàng tháng là:

(I) - (II) = ................................................. đồng/tháng

(Bằng chữ: ...............................................................đồng/tháng)

4. Phương thức thanh toán: Bên thuê có trách nhiệm trả bằng (ghi rõ là trả bằng tiền mặt Việt Nam đồng hoặc chuyển Khoản) (72): ............................

5. Thời hạn thanh toán: Bên thuê trả tiền thuê nhà ở vào ngày ..... hàng tháng

6. Chi phí sử dụng điện, nước, điện thoại và các dịch vụ khác do Bên thuê thanh toán cho bên cung cấp dịch vụ. Các chi phí này không tính vào giá thuê nhà ở quy định tại Khoản 1 Điều này và Bên thuê thanh toán theo thời hạn thỏa thuận với bên cung cấp dịch vụ.

Điều 3. Thời Điểm giao nhận nhà ở và thời hạn cho thuê nhà ở

1. Thời Điểm giao nhận nhà ở: ngày……tháng…….năm……

2. Thời hạn cho thuê nhà ở là .... tháng (năm), kể từ ngày.........tháng.........năm.........

Trước khi hết thời hạn Hợp đồng 03 tháng, nếu Bên thuê có nhu cầu tiếp tục thuê nhà ở thì có đơn đề nghị Bên cho thuê ký gia hạn Hợp đồng thuê nhà ở. Căn cứ vào đơn đề nghị, Bên cho thuê có trách nhiệm xem xét, đối chiếu quy định của pháp luật về đối tượng, Điều kiện được thuê nhà ở để thông báo cho Bên thuê biết ký gia hạn Hợp đồng thuê theo phụ lục B đính kèm theo Hợp đồng thuê này; nếu Bên thuê không còn thuộc đối tượng, đủ Điều kiện được thuê nhà ở tại địa chỉ quy định tại Khoản 2 Điều 1 của Hợp đồng này hoặc không còn nhu cầu thuê tiếp thì hai bên chấm dứt Hợp đồng thuê và Bên thuê phải bàn giao lại nhà ở cho Bên cho thuê trong thời hạn quy định tại Hợp đồng này

3. Đối với nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước thì phải ghi rõ vào Khoản này thời Điểm nhà ở được bố trí sử dụng theo quy định của pháp luật nhà ở.

Điều 4. Quyền và nghĩa vụ của Bên cho thuê

1. Quyền của Bên cho thuê:

a) Yêu cầu Bên thuê sử dụng nhà ở đúng Mục đích và thực hiện đúng các quy định về quản lý sử dụng nhà ở cho thuê;

b) Yêu cầu Bên thuê trả đủ tiền nhà theo đúng thời hạn đã cam kết và các chi phí khác cho bên cung cấp dịch vụ (nếu có);

c) Yêu cầu Bên thuê có trách nhiệm sửa chữa các hư hỏng và bồi thường thiệt hại do lỗi của Bên thuê gây ra;

d) Thu hồi nhà ở trong các trường hợp chấm dứt hợp đồng thuê nhà theo quy định tại Điều 6 của hợp đồng này hoặc khi nhà ở thuê thuộc diện bị thu hồi theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định số 99/2015/NĐ-CP;

đ) Các quyền khác theo thỏa thuận.

2. Nghĩa vụ của Bên cho thuê:

a) Giao nhà cho Bên thuê đúng thời hạn quy định tại Khoản 1 Điều 3 của Hợp đồng này;

b) Phổ biến, hướng dẫn cho Bên thuê biết quy định về quản lý sử dụng nhà ở;

c) Bảo trì, quản lý vận hành nhà ở cho thuê theo quy định của pháp luật về quản lý sử dụng nhà ở;

d) Thông báo cho Bên thuê những thay đổi về giá thuê, phí dịch vụ quản lý vận hành trước khi áp dụng ít nhất là 01 tháng;

đ) Làm thủ tục ký gia hạn Hợp đồng thuê nếu Bên thuê vẫn đủ Điều kiện được thuê nhà ở và có nhu cầu tiếp tục thuê nhà ở;

e) Chấp hành các quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong việc quản lý, xử lý nhà ở cho thuê và giải quyết các tranh chấp liên quan đến hợp đồng này;

g) Thông báo cho Bên thuê biết rõ thời gian thực hiện thu hồi nhà ở trong trường hợp nhà ở thuê thuộc diện bị thu hồi;

h) Các nghĩa vụ khác theo thỏa thuận.

Điều 5. Quyền và nghĩa vụ của Bên thuê

1. Quyền của Bên thuê:

a) Nhận nhà ở theo đúng thỏa thuận nêu tại Khoản 1 Điều 3 của Hợp đồng này;

b) Yêu cầu Bên cho thuê sửa chữa kịp thời những hư hỏng của nhà ở mà không phải do lỗi của mình gây ra;

c) Được tiếp tục ký gia hạn hợp đồng thuê nếu hết hạn Hợp đồng mà vẫn thuộc đối tượng, đủ Điều kiện được thuê nhà ở và có nhu cầu thuê tiếp;

d) Các quyền khác theo thỏa thuận.

2. Nghĩa vụ của Bên thuê:

a) Trả đủ tiền thuê nhà theo đúng thời hạn đã cam kết;

b) Thanh toán đầy đủ đúng hạn chi phí quản lý vận hành nhà ở và các chi phí khác cho bên cung cấp dịch vụ trong quá trình sử dụng nhà ở cho thuê;

c) Sử dụng nhà thuê đúng Mục đích; giữ gìn nhà ở, có trách nhiệm sửa chữa những hư hỏng và bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra;

d) Không được tự ý sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở thuê; chấp hành đầy đủ các quy định về quản lý sử dụng nhà ở, các quyết định của cơ quan có thẩm quyền về quản lý, xử lý nhà ở và giải quyết tranh chấp liên quan đến hợp đồng này;

đ) Không được chuyển nhượng Hợp đồng thuê nhà hoặc cho người khác sử dụng nhà thuê dưới bất kỳ hình thức nào;

e) Chấp hành các quy định về giữ gìn vệ sinh môi trường và an ninh trật tự trong khu vực cư trú;

g) Giao lại nhà cho Bên cho thuê trong các trường hợp chấm dứt Hợp đồng quy định tại Điều 6 của hợp đồng này hoặc trong trường hợp nhà ở thuê thuộc diện bị thu hồi trong thời hạn …….. ngày, kể từ ngày Bên thuê nhận được thông báo của Bên cho thuê;

h) Các nghĩa vụ khác theo thỏa thuận.

Điều 6. Chấm dứt Hợp đồng thuê nhà ở

Việc chấm dứt Hợp đồng thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước được thực hiện trong các trường hợp sau:

1. Khi hai bên cùng nhất trí chấm dứt Hợp đồng thuê nhà ở;

2. Khi Bên thuê không còn thuộc đối tượng, Điều kiện được tiếp tục thuê nhà ở hoặc không có nhu cầu thuê tiếp;

3. Khi Bên thuê nhà chết mà khi chết không có ai trong hộ gia đình đang cùng sinh sống;

4. Khi Bên thuê không trả tiền thuê nhà liên tục trong ba tháng mà không có lý do chính đáng;

5. Khi Bên thuê tự ý sửa chữa, đục phá kết cấu, cải tạo hoặc cơi nới nhà ở thuê;

6. Khi Bên thuê tự ý chuyển quyền thuê cho người khác hoặc cho người khác sử dụng nhà ở thuê;

7. Khi nhà ở thuê bị hư hỏng nặng có nguy cơ sập đổ và Bên thuê phải di chuyển ra khỏi chỗ ở theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc nhà ở thuê nằm trong khu vực đã có quyết định thu hồi đất, giải phóng mặt bằng hoặc có quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

8. Khi một trong các bên đơn phương chấm dứt hợp đồng theo thỏa thuận của Hợp đồng này (nếu có) hoặc theo quy định pháp luật.

Điều 7. Trách nhiệm của các bên do vi phạm Hợp đồng

Hai bên thỏa thuận cụ thể về các trường hợp vi phạm Hợp đồng và trách nhiệm của mỗi bên trong trường hợp vi phạm.

Điều 8. Cam kết của các bên và giải quyết tranh chấp

1. Hai bên cùng cam kết thực hiện đúng các nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng này. Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh những vấn đề mới thì hai bên thỏa thuận lập phụ lục Hợp đồng, phụ lục Hợp đồng này có giá trị pháp lý như hợp đồng chính.

2. Trường hợp các bên có tranh chấp về các nội dung của Hợp đồng này thì hai bên cùng bàn bạc giải quyết thông qua thương lượng. Trong trường hợp các bên không thương lượng được thì có quyền yêu cầu Tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật.

3. Các cam kết khác.

Điều 9. Các thỏa thuận khác

(Các thỏa thuận trong Hợp đồng này phải phù hợp với quy định của pháp luật và không trái đạo đức xã hội).

1.................................................................................................................................

2.................................................................................................................................

Điều 10. Hiệu lực của Hợp đồng

1. Hợp đồng này có hiệu lực kể từ ngày …….

2. Hợp đồng này được lập thành 03 bản và có giá trị pháp lý như nhau, mỗi bên giữ 01 bản và 01 bản gửi cơ quan quản lý nhà ở để theo dõi, quản lý./.

BÊN THUÊ NHÀ Ở
(Ký và ghi rõ họ tên)

BÊN CHO THUÊ NHÀ Ở
(Ký tên, đóng dấu và ghi rõ họ tên, chức vụ của người ký
)

Mẫu hợp đồng thuê nhà 2023 phổ biến hiện nay và hướng dẫn cách ghi chi tiếtMẫu hợp đồng thuê nhà 2023 phổ biến hiện nay và hướng dẫn cách ghi chi tiết

Chú thích:

(68) Ghi rõ là nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước hoặc nhà ở phục vụ tái định cư hoặc nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước.

(69) Các căn cứ liên quan đến việc thuê nhà ở .....

(70) Các thành viên có tên trong Hợp đồng thuê nhà ở phải có văn bản thống nhất cử người đại diện ký Hợp đồng thuê nhà ở này.

(71) Trong trường hợp đối tượng được miễn, giảm tiền thuê thì ghi rõ số tiền và Điều, khoản áp dụng của Nghị định 99/2015/NĐ-CP và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Việc miễn, giảm tiền thuê chỉ áp dụng với nhà ở cũ, nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước.

(72) Hai bên thỏa thuận rõ phương thức và địa chỉ nộp tiền thuê nhà ở

Hướng dẫn cách viết mẫu hợp đồng thuê nhà 2023 chi tiết nhất như sau:

Dưới đây là hướng dẫn cách viết mấu hợp đồng thuê nhà chi tiết nhất đầy đủ tính pháp lý:

Mục ngày tháng năm: Ghi chính xác ngày tháng năm ký hợp đồng;

Mục số hợp đồng: Ghi số hợp đồng theo danh mục quản lý của đơn vị/hoặc theo thứ tự hợp đồng ký trong năm/hoặc theo thỏa thuận của các bên;

Mục căn cứ: Ghi các căn cứ để tiến tới ký kết hợp đồng thuê nhà ở (ví dụ biên bản làm việc ngày, các văn bản quy phạm pháp luật, nhu cầu của các bên,...);

Mục bên cho thuê nhà ở và bên thuê nhà ở:

  • Với bên cho thuê nhà: Bên cho thuê nhà có thể là hai vợ chồng khi căn nhà cho thuê thuộc tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, có thể là tài sản riêng của cá nhân cũng có thể là tài sản chung của hộ gia đình;

    • Nếu là tài sản chung vợ chồng thì cần có đầy đủ chữ ký và thông tin về nhân thân như: Họ và tên, năm sinh, chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu (có thông tin về số, ngày cấp, cơ quan cấp), địa chỉ hộ khẩu, địa chỉ liên lạc, số điện thoại ...;

    • Trường hợp bên cho thuê là tổ chức thì ghi thông tin theo giấy chứng nhận kinh doanh/theo đăng ký kinh doanh/giấy chứng nhận đầu tư/quyết định thành lập...;

    • Nếu là tài sản riêng của cá nhân thì cần có chữ ký của cá nhân kèm thông tin về nhân thân như trên của mình người đó;

    • Nếu là tài sản chung của hộ gia đình cần có chữ ký và thông tin cá nhân của các thành viên có quyền đối với tài sản;

  • Với bên thuê nhà: Bên thuê nhà có thể là cá nhân hoặc tổ chức.

    • Nếu là cá nhân thì cũng nêu rõ họ tên, năm sinh, thông tin về giấy tờ tùy thân (căn cước công dân, hộ chiếu), địa chỉ liên lạc, số điện thoại;

    • Nếu là tổ chức thì phải ghi rõ thông tin của công ty đó trên Giấy đăng ký kinh doanh (Mã số kinh doanh, cơ quan cấp, ngày cấp đăng ký lần đầu, ngày thay đổi nội dung đăng ký, địa chỉ trụ sở, người đại diện...) kèm thông tin về người đại diện.

Thông tin về nhà ở cho thuê tại Điều 1: Ghi thông tin theo sổ đỏ/giấy chứng nhận được cấp cho nhà ở. Trường hợp chưa có sổ đỏ thì ghi thông tin theo giấy phép xây dựng được cấp hoặc thông tin theo thực tế;

Thông tin tại Điều 2 của hợp đồng (giá thuê, phương thức, thời hạn thanh toán): Ghi thông tin theo thỏa thuận của các bên:

  • Giá thuê: Nếu giá thuê cố định trong thời gian thuê thì nêu rõ giá cố định trong thời gian thuê là bao nhiêu và đã bao gồm tiền các loại thuế, phí theo quy định của pháp luật: Điện, nước, môi trường.... hay chưa?

  • Tiền đặt cọc thuê nhà (nếu có): Đây là một điều khoản mà rất nhiều bên thường có mong muốn đưa vào hợp đồng. Pháp luật không bắt buộc phải có điều khoản này trong hợp đồng thuê nhà, nên việc có quy định điều khoản này hay không là do thỏa thuận của các bên;

  • Phương thức thanh toán: Có thể thanh toán bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản, có thể thanh toán theo tháng hoặc theo năm hoặc theo nửa năm một lần. Ngoài ra, cũng nên ấn định rõ thời gian sẽ thanh toán tiền thuê nhà;

Thông tin tại Điều 3 của hợp đồng: Ghi theo thỏa thuận của các bên:

  • Thời hạn thuê: Phần này nên nêu rõ thời gian thuê là bao nhiêu tháng, năm, bắt đầu từ ngày nào và chấm dứt đến ngày nào. Ngoài ra, cũng nên nêu rõ về thời gian nhận bàn giao cũng như trả nhà theo thỏa thuận.

  • Gia hạn thuê: Việc gia hạn thuê có thể có hoặc không tùy vào từng thỏa thuận. Bởi vậy, nếu hai bên có thỏa thuận về việc gia hạn thuê cũng nên ghi rõ vào hợp đồng.

Thông tin ghi nhận tại Điều 6 của hợp đồng (Chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở)

Đặc biệt các bên có thể thỏa thuận về điều khoản đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở. Thông thường, các bên sẽ thỏa thuận về điều kiện khi đơn phương chấm dứt hợp đồng như:

  • Thời gian thông báo cho bên còn lại về việc chấm dứt hợp đồng, phương thức thông báo;

  • Mức phạt khi một bên có ý định phá vỡ hợp đồng;

  • Chi phí bồi thường hoặc chi phí phát sinh theo thỏa thuận nếu hai bên đồng ý chấm dứt hợp đồng trước hạn

  • Hoàn trả lại số tiền thuê (nếu có);

  • Di dời tài sản của bên thuê ra khỏi nhà thuê;

Thông tin tại Điều 9 của hợp đồng (những thỏa thuận khác)

Các bên có thể thỏa thuận với nhau về những vấn đề sau đây:

  • Mục đích thuê nhà: Mục đích thuê rất đa dạng, cá bên nên nêu cụ thể và chi tiết ví dụ như thuê nhà trọ, thuê nhà để ở, thuê làm nhà xưởng, thuê làm địa điểm kinh doanh, thuê làm trụ sở, thuê làm kho...

  • Những khoản thuế phải nộp khi thuê nhà và nghĩa vụ chịu thuế: Nếu số tiền thu được từ việc cho thuê nhà lớn hơn 100 triệu đồng, người cho thuê nhà phải nộp thuế theo quy định. Theo Thông tư 92/2015/TT-BTC, có 2 loại thuế bên cho thuê cần phải nộp khi cho thuê nhà đó là:

    • Thuế giá trị gia tăng với thuế suất là 5%;

    • Thuế thu nhập cá nhân với thuế suất là 5%;

  • Chẳng hạn, nếu tiền cho thuê nhà thu được 200 triệu/ năm, thì người cho thuê phải nộp tiền thuế tổng cộng gồm thuế TNCN và thuế GTGT là: 200 triệu đồng x (5% + 5%) = 20 triệu đồng. Ngoài ra, người cho thuê nhà có thể phải nộp thêm thuế môn bài.

Như vậy, mẫu hợp đồng thuê nhà 2023 hiện nay đang được sử dụng phổ biến là mẫu quy định tại phụ lục 20, ban hành kèm theo Thông tư 19/2016/TT-BXD.

Ngoài các điều khoản được quy định trong hợp đồng mẫu này, các bên có thể thỏa thuận thêm các điều khoản khác phù hợp với nhu cầu thuê, cho thuê của mình.

Hợp đồng thuê nhà không bắt buộc phải công chứng

Hợp đồng thuê nhà không bắt buộc phải công chứng

Cứ cho thuê nhà là phải nộp thuế, có đúng không? Những loại thuế nào phải nộp?

Câu hỏi: Tôi có một căn nhà đang ký hợp đồng cho thuê, tiền thuê trả theo năm, tiền thuê nhà 132 triệu/ năm. Xin hỏi, trường hợp của tôi có phải nộp thuế không, và phải nộp những loại thuế nào?

Bên cạnh sự tìm kiếm về mẫu hợp đồng thuê nhà 2023 chuẩn, phần lớn người cho thuê nhà sẽ cùng có mối quan tâm là họ có phải nộp thuế không, các loại thuế phải nộp là gì.

Theo quy định hiện hành, các loại thuế phải nộp của bên cho thuê nhà gồm thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, áp dụng đối với phần doanh thu cho thuê nhà trong năm từ 100 triệu đồng trở lên.

Mức thuế suất sẽ được áp cụ thể vào từng trường hợp tùy theo doanh thu (số tiền thuê nhà trong năm mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng).

Cụ thể, Điều 4 Thông tư 92/2015/TT-BTC quy định về điều kiện, doanh thu và tỷ lệ thuế trên doanh thu phải nộp khi cá nhân, hộ gia đình cho thuê nhà như sau:

Một là, điều kiện nộp thuế:

Hộ gia đình, cá nhân cho thuê nhà có tổng thu nhập từ việc cho thuê nhà > 100 triệu đồng (tính doanh thu theo hợp đồng thuê nhà đã được các bên thỏa thuận, ký kết).

Hai là, căn cứ tính thuế:

Bao gồm doanh thu tính thuế và tỷ lệ thuế tính trên doanh thu. Trong đó:

  • Doanh thu tính thuế gồm doanh thu tính thuế giá trị gia tăng (GTGT): Là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của số tiền bên thuê trả từng kỳ theo hợp đồng thuê và các khoản thu khác không bao gồm khoản tiền phạt, bồi thường mà bên cho thuê nhận được theo thỏa thuận tại hợp đồng thuê đã được các bên ký kết, thực hiện;

  • Doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN): Là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của số tiền bên thuê trả từng kỳ theo hợp đồng thuê và các khoản thu khác bao gồm khoản tiền phạt, bồi thường mà bên cho thuê nhận được theo thỏa thuận tại hợp đồng thuê;

  • Trường hợp bên thuê trả tiền thuê nhà trước cho nhiều năm thì doanh thu tính thuế GTGT và thuế TNCN xác định theo doanh thu trả tiền một lần;

Ba là, tỷ lệ thuế tính trên doanh thu:

  • Tỷ lệ thuế GTGT là 5%

  • Tỷ lệ thuế TNCN là 5%

Từ quy định trên, suy ra, số thuế mà hộ gia đình, cá nhân phải nộp được xác định bằng 10% doanh thu nếu cho thuê nhà mà có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm;

Ngoài ra, hộ gia đình, cá nhân thực hiện hoạt động kinh doanh cho thuê nhà có thu nhập từ 100 triệu trở lên một năm còn phải nộp lệ phí môn bài, với mức được quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP như sau:

  • Doanh thu từ 100 – dưới 300 triệu đồng, lệ phí môn bài phải nộp là 300.000 đồng;

  • Doanh thu từ 300 – 500 triệu đồng, lệ phí môn bài phải nộp là 500.000 đồng;

  • Doanh thu từ 500 triệu đồng trở lên, lệ phí môn bài phải nộp là01 triệu đồng;

Như vậy, khi giao kết hợp đồng thuê nhà, các bên có thể sử dụng mẫu như chúng tôi đã nêu ở phần trên, bên cho thuê phải có nghĩa vụ đóng thuế khi thu nhập từ hoạt động cho thuê có doanh thu từ 100 triệu đồng trở lên trong năm.

Thuế phải nộp gồm thuế GTGT và thuế TNCN. Lưu ý, với những cá nhân, hộ gia đình có hoạt động kinh doanh cho thuê nhà ở và có nguồn thu từ việc cho thuê nhà từ 100 triệu đồng/ năm trở lên thì còn phải nộp thêm lệ phí môn bài theo quy định.


Hợp đồng thuê nhà có bắt buộc phải công chứng không?

Câu hỏi: Tôi mới ký hợp đồng thuê nhà làm văn phòng giao dịch với chủ nhà cho thuê, giá thuê một tháng là 08 triệu. Ký 12 tháng, tháng toán 03 tháng một lần.

Vậy tôi có cần công chứng hợp đồng thuê nhà này không? (Hữu Cảnh – Hà Nội).

Trước hết, hợp đồng thuê nhà thuộc hợp đồng thuê tài sản, được hiểu là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao nhà cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê nhà.

Căn cứ khoản 2 Điều 122 Luật Nhà ở 2014 giao dịch cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.
Do đó, bạn không buộc phải công chứng hợp đồng cho thuê nhà.
Cụ thể như sau:

Điều 122. Công chứng, chứng thực hợp đồng và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng về nhà ở
...

2. Đối với trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương; mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.

Đối với các giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là do các bên thỏa thuận; trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm ký kết hợp đồng.
...

Tuy rằng việc công chứng hợp đồng cho thuê nhà ở là không bắt buộc, nhưng thực tế cho thấy rất nhiều những tranh chấp phát sinh từ việc hợp đồng thuê nhà chưa đầy đủ, chặt chẽ, chuẩn với mục đích giao kết của các bên.

Vậy nên, việc cho thuê nhà ở, đặc biệt một trong hai bên là tổ chức, thực hiện thuê/cho thuê để làm trụ sở, văn phòng... thì việc công chứng là nhu cầu tất yếu.

Một mặt, công chứng hợp đồng thuê nhà giúp các bên giảm thiểu tối đa những rủi ro pháp lý có thể gặp phải.

Mặt khác, có thể giúp các bên thực hiện nghĩa vụ đăng ký thuế, phí, trụ sở làm việc với cơ quan quản lý được nhanh chóng, thuận tiện, dễ dàng hơn.

Như vậy, mẫu hợp đồng thuê nhà 2023 gồm các điều khoản mà các bên có thể sử dụng trong giao dịch của mình như chúng tôi đã nêu trên.

Hợp đồng này không bắt buộc phải công chứng mà việc công chứng được thực hiện theo nhu cầu của các bên.

Thực tế cho thấy, các bên nên công chứng hợp đồng thuê nhà để giảm thiểu rủi ro pháp lý và cũng là để thuận tiện cho các bên thực hiện.

Cho thuê nhà phải nộp thuế nếu doanh thu từ 100 triệu trở lên

Cho thuê nhà phải nộp thuế nếu doanh thu từ 100 triệu trở lên


Công chứng hợp đồng thuê nhà ở đâu?

Câu hỏi: Tôi thuê một căn hộ liền kề để làm văn phòng giao dịch, với giá thuê một năm là 95 triệu, trả tiền 06 tháng một lần.

Để tránh rủi ro, nên cả tôi và bên cho thuê đều thỏa thuận là sẽ đi công chứng hợp đồng thuê nhà này.

Vậy chúng tôi có thể đến đâu để công chứng hợp đồng thuê nhà? (Phương Nhung – Cần Thơ).

Như chúng tôi đã trình bày ở trên, mẫu hợp đồng thuê nhà 2023 mà các bên sử dụng hoặc mẫu khác có nội dung tương ứng, phù hợp quy định không bắt buộc phải công chứng.

Trong trường hợp các bên lựa chọn công chứng thì thủ tục này được thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng theo quy định của Luật Công chứng 2014: Văn phòng công chứng hoặc Phòng công chứng.

Các tổ chức này phải có trụ sở trong cùng tỉnh với nơi có nhà cho thuê.

Cụ thể hơn, Điều 42 Luật Công chứng 2014 quy định về phạm vi tổ chức hành nghề công chứng được thực hiện công chứng hợp đồng thuê nhà như sau:

Công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản và văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản.

Đối chiếu với trường hợp của bạn:

  • Nơi công chứng hợp đồng thuê nhà cho bạn là Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng có trụ sở tại phạm vi cấp tỉnh nơi có nhà cho thuê;

  • Bạn nên liên hệ trước với Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng để được hướng dẫn chuẩn bị tài liệu yêu cầu công chứng và các thủ tục khác theo luật định;

Như vậy, trong trường hợp các bên trong hợp đồng thuê nhà có nhu cầu công chứng hợp đồng thì Phòng công chứng/hoặc Văn phòng công chứng có trụ sở trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà là tổ chức có thẩm quyền thực hiện.


Công chứng hợp đồng thuê nhà, cần chuẩn bị hồ sơ gồm giấy tờ gì?

Câu hỏi: Tôi có căn nhà chuẩn bị cho thuê lại, tôi muốn đi công chứng hợp đồng cho thuê để tránh rủi ro về lâu dài cho cả hai bên.

Vậy tôi cần chuẩn bị hồ sơ gồm giấy tờ gì? Tôi nghe nói người cho thuê sẽ cần chuẩn bị nhiều giấy tờ phải không? (Trương Thị Mây – Quảng Ninh).

Theo quy định hiện hành, việc bạn cho thuê nhà ở có thể sử dụng mẫu hợp đồng thuê nhà 2023 ban hành tại phụ lục 20 của Thông tư 19/2016/TT-BXD.

Việc công chứng hợp đồng thuê nhà này chỉ được thực hiện khi các bên có nhu cầu. Lúc đó, các bên cần chuẩn bị hồ sơ yêu cầu công chứng theo quy định của Luật Công chứng 2014 đang có hiệu lực.

Các nhóm tài liệu bao gồm: Tài liệu về đối tượng thuê, tài liệu về các bên trong hợp đồng và các tài liệu, giấy tờ khác có liên quan.

Cụ thể, từ Điều 40 và Điều 41 Luật Công chứng 2014, suy ra, giấy tờ mà các bên trong hợp đồng thuê nhà cần chuẩn bị bao gồm:

Tài liệu, giấy tờ bên cho thuê nhà cần chuẩn bị

Tài liệu, giấy tờ bên thuê nhà cần chuẩn bị

  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất/sổ đỏ/sổ hồng/giấy phép xây dựng/văn bản xác nhận nhà ở trên đất của cơ quan có thẩm quyền...;

  • Chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước hoặc hộ chiếu còn thời hạn sử dụng;

  • Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân (đăng ký kết hôn hoặc giấy xác nhận tình trạng độc thân);
  • ​Quyết định thành lập/giấy chứng nhận đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh... nếu bên cho thuê là tổ chức/cơ quan/doanh nghiệp;

  • Văn bản xác nhận nơi cư trú;

  • Văn bản xác nhận của người đồng quyền sử dụng đất, sở hữu nhà nếu nhà đất được cấp sổ đỏ cho hộ gia đình;

  • Hợp đồng thuê nhà đã soạn sẵn/hoặc bản thảo hợp đồng thuê nhà;

  • Văn bản ủy quyền (nếu được ủy quyền ký hợp đồng cho thuê);

  • Phiếu yêu cầu công chứng đã được tổ chức hành nghề công chứng cung cấp mẫu;

  • Chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước hoặc hộ chiếu còn thời hạn sử dụng;

  • Văn bản xác nhận nơi cư trú;

  • Văn bản ủy quyền (nếu có);

  • Tài liệu, giấy tờ hợp pháp khác theo yêu cầu của công chứng viên;

Như vậy, các bên cần chuẩn bị đầy đủ tài liệu, giấy tờ như chúng tôi đã nêu trên để việc công chứng hợp đồng thuê nhà được diễn ra nhanh chóng, thuận lợi.

Đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà phải bồi thường nếu gây thiệt hạiĐơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà phải bồi thường nếu gây thiệt hại


Hợp đồng thuê nhà được chấm dứt trong những trường hợp nào?

Câu hỏi: Xin hỏi HieuLuat, những trường hợp nào khiến hợp đồng thuê nhà đương nhiên được chấm dứt ạ? Tôi cảm ơn. (Chu Thúy Hà – Hà Nội).

Trước hết, việc chấm dứt nhà ở có thể được thực hiện theo nhu cầu của các bên hoặc theo nhu cầu của một trong hai bên.

Nói cách khác, việc chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở có thể do yếu tố khách quan hoặc do nhân tố chủ quan là các bên.

Căn cứ Điều 131 và Điều 132 Luật Nhà ở năm 2014, việc chấm dứt hợp đồng thuê nhà được thực hiện nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

  • Hợp đồng thuê nhà ở hết hạn: Nếu trong hợp đồng không xác định thời hạn thì hợp đồng chấm dứt sau 90 ngày, kể từ ngày bên cho thuê nhà ở thông báo cho bên thuê nhà ở biết việc chấm dứt hợp đồng (thông báo theo phương thức đã được các bên thỏa thuận);

  • Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng: Chấm dứt theo ý chí của các bên;

  • Nhà ở cho thuê không còn: Khi nhà ở đã bị phá hủy;

  • Chấm dứt hợp đồng khi bên thuê nhà ở chết/hoặc có tuyên bố mất tích của Tòa án mà khi chết, mất tích người này không có ai đang cùng chung sống;

  • Nhà ở cho thuê bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ hoặc thuộc khu vực đã có quyết định thu hồi đất, giải tỏa nhà ở hoặc có quyết định phá dỡ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

    • Nếu thuộc trường hợp này, bên cho thuê phải thông báo bằng văn bản cho bên thuê biết trước 30 ngày (trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác);

  • Các bên trong hợp đồng đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà theo quy định tai Điều 132 Luật Nhà ở 2014 như chúng tôi nêu dưới đây (đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà đúng luật):

Điều 132. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở

1. Trong thời hạn thuê nhà ở theo thỏa thuận trong hợp đồng, bên cho thuê không được đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà và thu hồi nhà ở đang cho thuê, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Bên cho thuê nhà ở có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà và thu hồi nhà ở đang cho thuê khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Bên cho thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, nhà ở xã hội cho thuê không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng, không đúng điều kiện theo quy định của Luật này;

b) Bên thuê không trả tiền thuê nhà ở theo thỏa thuận từ 03 tháng trở lên mà không có lý do chính đáng;

c) Bên thuê sử dụng nhà ở không đúng mục đích như đã thỏa thuận trong hợp đồng;

d) Bên thuê tự ý đục phá, cơi nới, cải tạo, phá dỡ nhà ở đang thuê;

đ) Bên thuê chuyển đổi, cho mượn, cho thuê lại nhà ở đang thuê mà không có sự đồng ý của bên cho thuê;

e) Bên thuê làm mất trật tự, vệ sinh môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của những người xung quanh đã được bên cho thuê nhà ở hoặc tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc lập biên bản đến lần thứ ba mà vẫn không khắc phục;

g) Thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 129 của Luật này.

3. Bên thuê nhà ở có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở khi bên cho thuê nhà ở có một trong các hành vi sau đây:

a) Không sửa chữa nhà ở khi có hư hỏng nặng;

b) Tăng giá thuê nhà ở bất hợp lý hoặc tăng giá thuê mà không thông báo cho bên thuê nhà ở biết trước theo thỏa thuận;

c) Khi quyền sử dụng nhà ở bị hạn chế do lợi ích của người thứ ba.

...


Lưu ý:
  • Bên đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà có nghĩa vụ thông báo cho bên còn lại biết về việc chấm dứt trước ít nhất là 30 ngày (trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác).

  • Nếu bên đơn phương chấm dứt hợp đồng vi phạm quy định về điều kiện chấm dứt mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho bên còn lại.

Như vậy, khi giao kết hợp đồng, các bên có thể lựa chọn mẫu hợp đồng thuê nhà 2023 như chúng tôi đã nêu ở trên.

Trong trường hợp các bên muốn chấm dứt hợp đồng thì có thể thực hiện theo điều khoản đã được thỏa thuận hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định trên.

Không bắt buộc phải đặt cọc khi ký hợp đồng thuê nhà

Không bắt buộc phải đặt cọc khi ký hợp đồng thuê nhà

Thuê nhà có bắt buộc phải đặt cọc tiền thuê không?

Câu hỏi: Tôi mới ký hợp đồng thuê nhà 24 tháng với chủ nhà khu trọ của tôi, cô ấy yêu cầu tôi phải đặt cọc trước 01 tháng tiền thuê nhà.

Số tiền đặt cọc này sẽ được trả lại sau khi kết thúc hợp đồng thuê giữa hai bên.

Vậy việc yêu cầu đặt cọc này có tuân thủ đúng quy định không? (Vũ Ánh Thương – Hà Nội).

Theo Điều 472 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng thuê nhà ở là sự thỏa thuận của các bên. Theo đó, bên cho thuê giao nhà cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê.

Về việc đặt cọc, Điều 328 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, đặt cọc là việc bên đặt cọc (bên thuê nhà) giao cho bên nhận đặt cọc (bên cho thuê nhà) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.

Căn cứ quy định trên, có thể thấy Luật Nhà ở cũng như Bộ luật Dân sự không có quy định nào bắt buộc hợp đồng thuê nhà phải có điều khoản về đặt cọc. Việc đặt cọc là một trong những thỏa thuận của các bên nhằm đảm bảo cho thực hiện hợp đồng mà không phải điều kiện bắt buộc.

Như vậy, việc đặt cọc là do các bên tự thỏa thuận, quyết định mà không phải là điều khoàn bắt buộc trong mẫu hợp đồng thuê nhà 2023.

Nói cách khác, hợp đồng thuê nhà vẫn có giá trị pháp lý nếu không có điều khoản đặt cọc.

Bên cho thuê nhà yêu cầu bạn buộc phải đặt cọc để giao kết, thực hiện hợp đồng thuê nhà mà bạn không đồng ý là trái quy định pháp luật.

Bạn nên thỏa thuận lại điều khoản này với bên cho thuê để có phương án xử lý phù hợp.


Khi nào bên thuê nhà không bị phạt cọc dù đơn phương “ phá” hợp đồng thuê nhà?

Câu hỏi: Tôi thuê nhà hiện tại đang ở được 4 năm 3 tháng.

Tháng trước, chủ nhà nơi tôi ở đã tự ý tăng giá thuê thêm 30% mà không có sự thông báo trước nào với tôi. Tôi rất không hài lòng việc này.

Lúc mới thuê nhà, tôi có được yêu cầu đặt cọc 01 tháng tiền nhà.

Nay tôi muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà, chuyển nhà thuê mới.

Trường hợp của tôi có bị phạt tiền cọc không? (Đào Thị Thơ – Bắc Giang)

Trước hết, phạt cọc là một trong những nghĩa vụ mà bên vi phạm hợp đồng đặt cọc phải thực hiện.

Bên vi phạm bị áp dụng phạt cọc nếu việc vi phạm đã được các bên thỏa thuận hoặc theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp bên vi phạm đều phải chịu mức phạt cọc, mặc dù họ đã đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà.

Cụ thể, nếu việc chấm dứt hợp đồng thuê nhà thuộc một trong các trường hợp được liệt kê dưới đây thì bên chấm dứt không phải chịu nghĩa vụ phạt cọc:

  • Đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định tại khoản 3 Điều 132 Luật Nhà ở:

    • Căn cứ chấm dứt là bên cho thuê nhà vi phạm nghĩa vụ được nêu trong hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật như: Không sửa chữa nhà ở khi có hư hỏng nặng; tăng giá thuê nhà ở bất hợp lý ….;

    • Lúc này, người thuê nhà có quyền “phá” hợp đồng thuê nhà mà không bị phạt cọc;

  • Thuộc trường hợp do hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng: Vì nguyên tắc thực hiện hợp đồng là dựa vào sự thỏa thuận của các bên nên khi các bên thỏa thuận về việc không phạt cọc thì khi đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà, bên thuê sẽ không bị phạt cọc;

  • Hai bên ký kết, thực hiện hợp đồng thuê nhà nhưng không đặt cọc. Bởi không thực hiện đặt cọc nên khi bên thuê đơn phương chấm dứt hợp đồng thì không bị phạt cọc;

Đối chiếu quy định trên, bạn có thể sử dụng quy định về việc tăng giá thuê nhà bất hợp lý, yêu cầu đặt thêm tiền đặt cọc mà bạn không đồng ý là căn cứ không phải chịu tiền phạt cọc theo quy định tại khoản 3 Điều 132 Luật Nhà ở 2014 mà chúng tôi đã nêu ở trên để tiến hành giải quyết tranh chấp hợp đồng thuê của mình.

Như vậy, trong mẫu hợp đồng thuê nhà 2023 không bắt buộc phải có điều khoản về đặt cọc để giao kết, thực hiện hợp đồng.

Việc đặt cọc được thực hiện theo nhu cầu của các bên. Có một số trường hợp như chúng đã nêu trên, bên vi phạm hợp đồng thuê nhà cũng không phải chịu khoản tiền phạt cọc.

Do chúng tôi chưa tiếp cận được hồ sơ thực tế của bạn nên chưa thể kết luận chi tiết hơn. Bạn tự mình đối chiếu với những phân tích, đánh giá của chúng tôi để có phương án xử lý phù hợp.

Trên đây là giải đáp thắc mắc của chúng tôi về mẫu hợp đồng thuê nhà 2023, Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Văn bản liên quan

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X