Từ 1/1/2016, khi Luật Căn cước công dân 2014 có hiệu lực, Chứng minh nhân dân được thay thế bằng thẻ Căn cước công dân. Tuy nhiên, Chứng minh nhân dân cấp trước đó vẫn còn giá trị sử dụng cho đến ngày hết thời hạn.
Xung quanh thẻ Căn cước công dân có một số vấn đề pháp lý bạn đọc cần quan tâm như sau:
- Thẻ Căn cước công dân được cấp cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên;
- Thẻ Căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi. Trường hợp thẻ Căn cước công dân được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước tuổi quy định thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo;
Thẻ Căn cước công dân
- Số thẻ Căn cước công dân là số định danh cá nhân;
- Thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam. Thẻ này được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau;
- Người lao động thay đổi Chứng minh nhân dân sang Căn cước công dân không phải thay đổi sổ BHXH;
- Cơ quan cấp thẻ Căn cước công dân bao gồm: cơ quan quản lý căn cước công dân của Bộ Công an; Cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương; Cơ quan quản lý căn cước công dân có thẩm quyền tổ chức làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân trong trường hợp cần thiết.
Xem thêm:
Thay đổi hộ khẩu có cần đổi chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân?