Nhận di sản và từ chối nhận di sản thừa kế là quyền của người thừa kế. Tuy nhiên không phải trong trường hợp nào người thừa kế cũng được quyền từ chối nhận di sản thừa kế. Cùng tìm hiểu các quy định liên quan ở bài viết này.
Khi nào được từ chối nhận di sản thừa kế?
Khi nào được từ chối nhận di sản thừa kế
Đầu tiên, để có thể từ chối nhận di sản thừa kế thì người từ chối nhận di sản thừa kế phải là người thừa kế của người mất. Bộ luật Dân sự quy định có dạng người thừa kế: Người thừa kế theo pháp luật và người thừa kế theo di chúc.
Pháp luật dân sự quy định trường hợp người thừa kế là cá nhân thì người đó phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế. Trường hợp người thừa kế sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế thì người thừa kế phải thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc là tổ chức thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Từ chối nhận di sản thì di sản thuộc về ai?
Từ chối nhận di sản thì di sản thuộc về ai
Từ chối nhận di sản thừa kế là việc người thừa kế từ chối nhận phần di sản thừa kế do người mất để lại cho mình. Khi người thừa kế từ chối nhận di sản sản thừa kế, phần di sản bị từ chối sẽ được chia đều cho những người được thừa kế theo pháp luật của người mất chấp nhận nhận phần di sản.
Các trường hợp không được từ chối nhận di sản thừa kế
Theo quy định tại Điều 620 Bộ luật Dân sự, người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản thừa kế khi đáp ứng các điều kiện sau:
Việc từ chối nhận di sản của người thừa kế phải được lập thành văn bản và gửi đến những đồng thừa kế, người quản lý di sản, người phân chia di sản để biết.
Việc từ chối nhận di sản thừa kế phải được thực hiện trước thời điểm tiến hành phân chia di sản.
Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự cũng quy định về trường hợp người thừa kế không được quyền từ chối nhận di sản thừa kế. Cụ thể, người thừa kế không có quyền từ chối nhận di sản thừa kế nhằm mục đích trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
Điều 615 Bộ luật Dân sự quy định nghĩa vụ của người thừa kế khi nhận thừa kế như sau:
“Điều 615. Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại
1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Trong trường hợp này, người thừa kế phát sinh nghĩa vụ tài sản do người mất để lại, vì vậy người thừa kế có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ tài sản đó và không có quyền từ chối nhận di sản để trốn tránh nghĩa vụ.
Đã từ chối nhận di sản có thể hủy bỏ được không?
Việc từ chối nhận di sản có hiệu lực pháp luật khi đã được lập thành văn bản và gửi cho những người thừa kế khác, người quản lý di sản và người phân chia di sản biết.
Trường hợp văn bản từ chối nhận di sản thừa kế đã được lập thành văn bản trước thời điểm phân chia di sản thừa kế và gửi đi theo quy định thì văn bản này có hiệu lực. Khi văn bản từ chối quyền thừa kế đã phát sinh hiệu lực thì không được hủy bỏ văn bản này.
Văn bản từ chối nhận di sản thừa kế cần công chứng không?
Văn bản từ chối nhận di sản thừa kế cần công chứng không
Như đã trình bày ở trên, việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản. Pháp luật không có quy định bắt buộc phải công chứng, chứng thực văn bản từ chối nhận di sản thừa kế. Người thừa kế có thể chọn công chứng, chứng thực văn bản từ chối nhận di sản thừa kế hoặc không công chứng, chứng thực.
Luật Công chứng quy định về việc công chứng văn bản từ chối nhận di sản và thẩm quyền công chứng văn bản từ chối nhận di sản như sau:
“Điều 59. Công chứng văn bản từ chối nhận di sản
Người thừa kế có thể yêu cầu công chứng văn bản từ chối nhận di sản. Khi yêu cầu công chứng văn bản từ chối nhận di sản, người yêu cầu công chứng phải xuất trình bản sao di chúc trong trường hợp thừa kế theo di chúc hoặc giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người yêu cầu công chứng theo pháp luật về thừa kế; giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản đã chết.”
“Điều 42. Phạm vi công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản
Công chứng viên của tổ chức hành, nghề công chứng chỉ được công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản và văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản.”
Bên cạnh đó, Khoản 2 Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm chứng thực văn bản từ chối nhận di sản. Khoản 5 Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP cũng quy định việc chứng thực chữ ký, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến động sản, chứng thực di chúc không phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu chứng thực.
“Điều 5. Thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực
2. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) có thẩm quyền và trách nhiệm:
g) Chứng thực văn bản từ chối nhận di sản;
5. Việc chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản, chứng thực di chúc quy định tại Điều này không phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu chứng thực.”
Như vậy, việc công chứng, chứng thực văn bản từ chối nhận di sản không phải là yêu cầu bắt buộc. Tùy theo nhu cầu của người thừa kế, văn bản từ chối nhận di sản thừa kế có thể được công chứng tại các phòng công chứng, văn phòng công chứng hoặc chứng thực tại ủy ban nhân dân cấp xã bất kỳ, không phụ thuộc vào nơi cư trú của người thừa kế.
Trên đây là nội dung liên quan đến việc từ chối nhận di sản thừa kế. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến nội dung trên vui lòng liên hệ đến tổng đài: 1900.6199 để được tư vấn, hỗ trợ.