hieuluat
Chia sẻ email

Mua bán đào rừng bị phạt thế nào?

Mua bán đào rừng bị phạt thế nào Tết năm nay đang là vấn đề nhận được nhiều quan tâm của độc giả là người trồng và chơi đào. Vậy luật đang quy định thế nào nội dung này?

Mục lục bài viết
  • Phân biệt đào rừng, đào trồng thế nào?
  • Hành vi chặt đào rừng bị xử phạt thế nào?
  • Mua, bán đào rừng có vi phạm pháp luật không?

Phân biệt đào rừng, đào trồng thế nào?

Câu hỏi: Xin chào Vanbanluat, tôi có cậu em họ quê ở Cao Bằng, sắp tới đang có kế hoạch mang một số lượng đào rừng xuống chợ Quảng Bá – Hà Nội để bán cho khách. Tuy nhiên, tôi nghe nói tết năm nay, nếu mua bán đào rừng sẽ bị xử phạt theo quy định mới. Vậy thực hư việc này như thế nào ạ? - Văn Bảng (Cao Bằng).

Trả lời:

Hiện nay, tên gọi phổ biến đào rừng được sử dụng trong ngôn ngữ, giao tiếp hàng ngày. Có thể hiểu đào rừng là các loại đào phai chuyển từ miền núi về. Đối với những cây đào có tuổi thọ lâu đời, mọc ở tự nhiên ở trong rừng hoặc do con người trồng để làm rừng phòng hộ, rừng đặc dụng...theo quy định của Chính phủ sẽ bị cấm mua bán, giao dịch.

Còn đào trồng là do con người trồng trên đất nông nghiệp, đất vườn trên khắp cả nước không phân biệt dưới xuôi, hay miền núi.

Nhìn chung, tùy mục đích trồng khác nhau, địa điểm trồng khác nhau mà phân biệt đó là đào rừng hay đào nhà.

Về hình thức, đào rừng thường có cành cao từ 5 - 6m, thân cành xù xì, mốc, nhiều tầm gửi bám, rất ít hoa nhưng bông rất khỏe. Còn đào trồng do được cắt tỉa nên cành thấp và nhiều hoa hơn.

Do các tiêu chí để phân biệt được đào rừng và đào trồng không thực sự rõ ràng nên khi dựa trên các yếu tố trên khiến cho việc phân biệt càng khó khăn.

Mới đây, tại Công văn 529/VPCP-NN của Chính phủ ban hành ngày 21/01/2021 đã nêu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng về việc truy xuất nguồn gốc cây đào. Nội dung Công văn nhấn mạnh việc nghiêm cấm chặt phá, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng trái pháp luật cây và cành đào, mai từ rừng tự nhiên, rừng phòng hộ…

Mặt khác theo chỉ đạo của Thủ tướng tại hội nghị của ngành nông nghiệp ngày 24/12/2020 cũng nêu rõ chỉ cấm chặt phá đào rừng tự nhiên mang về thành phố chơi Tết chứ không cấm mua bán, giao dịch cây đào do người dân trồng.

Theo đề xuất của nhiều tỉnh, địa phương tiến hành xác minh và cấp giấy chứng nhận cho người dân về nguồn gốc sản phẩm.

Cụ thể, những cành đào người dân trồng đem đi bán, phải được gắn mác hoặc có chứng nhận là đào trồng. Việc này vừa giúp cho người trồng đào dễ dàng trong việc chứng minh nguồn gốc xuất xứ của đào vừa giúp quản lý thị trường hoa đào Tết được chặt chẽ.

Song song với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ban hành Công văn 356/BNN-TCLN quy định:

Việc khai thác cây đào, cây mai và một số cây trồng ngoài diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng tự nhiên do tổ chức, hộ gia đình và cá nhân tự bỏ vốn trồng do chủ rừng quyết định việc khai thác theo quy định của pháp luật.

Đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tăng cường chỉ đạo,quản lý tại cơ sở; tuyên truyền, vận động không để lợi dụng chặt, phá cây rừng; tùy theo điều kiện cụ thể của địa phương, trong thời gian trước mắt có thể áp dụng biện pháp xác nhận nguồn gốc, xuất xứ phù hợp nhưng không tạo thêm thủ tục hành chính, ách tắc sản xuất, tiêu thụ sản phầm hợp pháp.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khẳng định sẽ phối hợp với các địa phương, tiếp tục nghiên cứu cơ chế, chính sách đảm bảo khả thi đúng pháp luật, phù hợp thực tiễn để áp dụng thống nhất trong cả nước.

Như vậy, hiện nay, chưa có quy chế giúp phân biệt nguồn gốc, xuất xứ của đào rừng và đào trồng thống nhất trên cả nước. Người dân chủ động liên hệ với chính quyền địa phương để xin hướng dẫn cấp tem, dán nhãn giúp phân biệt đào rừng - đào trồng.

Tuy nhiên, do khó khăn trong việc chứng minh xuất xứ đào, việc thu mua đào núi để chở về miền xuôi bán bị hạn chế bởi thương lái sợ bị cơ quan chức năng xử phạt.

mua ban dao rung bi phat the nao

Mua bán đào rừng bị phạt thế nào năm 2021? (Ảnh minh họa)

Hành vi chặt đào rừng bị xử phạt thế nào?

Câu hỏi: Cháu chào các cô chú biên tập viên trang Vanbanluat ạ, bố mẹ cháu có chăm sóc một khu đào rừng ở mãi tận mấy bản rất xa trong núi. Thuộc khu rừng cán bộ ghi là rừng phòng hộ. Tết năm nay, cháu bảo bố mẹ nên chặt mang về xuôi bán. Cho cháu hỏi, việc chặt đào rừng như vậy có bị xử phạt hành chính không ạ? - Vừ A Thắng (Lào Cai).

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 35/2019/NĐ-CP, hành vi khai thác lâm sản trong rừng không được phép của cơ quan có thẩm quyền, bị xử phạt như sau:

* Khai thác trái pháp luật trong rừng sản xuất, đối với gỗ loài thông thường:

- Phạt tiền từ 500.000 đồng - 01 triệu đồng đối với hành vi khai thác trái pháp luật dưới 0,4 m3 gỗ rừng trồng hoặc dưới 0,2 m3 gỗ rừng tự nhiên;

- Phạt tiền từ 01 - 05 triệu đồng đối với hành vi khai thác trái pháp luật từ 0,4 m3 đến dưới 01 m3 gỗ rừng trồng hoặc từ 0,2 m3 đến dưới 0,5 m3 gỗ rừng tự nhiên…

* Khai thác trái pháp luật trong rừng phòng hộ, đối với gỗ loài thông thường:

- Phạt tiền từ 01 - 04 triệu đồng đối với hành vi khai thác trái pháp luật dưới 0,5 m3 gỗ rừng trồng hoặc dưới 0,3 m3 gỗ rừng tự nhiên;

- Phạt tiền từ 04 - 08 triệu đồng đối với hành vi khai thác trái pháp luật từ 0,5 m3 đến dưới 01 m3 gỗ rừng trồng hoặc từ 0,3 m3 đến dưới 0,5 m3 gỗ rừng tự nhiên...

* Khai thác trái pháp luật rừng đặc dụng, đối với gỗ loài thông thường:

- Phạt tiền từ 01 - 05 triệu đồng đối với hành vi khai thác trái pháp luật dưới 0,5 m3 gỗ rừng trồng hoặc dưới 0,3 m3 gỗ rừng tự nhiên;

- Phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng đối với hành vi khai thác trái pháp luật từ 0,5 m3 đến dưới 01 m3 gỗ rừng trồng hoặc từ 0,3 m3 đến dưới 0,5 m3 gỗ rừng tự nhiên...

* Khai thác trái pháp luật thực vật rừng ngoài gỗ loài thông thường; than hầm, than hoa:

- Phạt tiền từ 500.000 đồng - 01 triệu đồng đối với hành vi gây thiệt hại lâm sản trị giá dưới 01 triệu đồng;

- Phạt tiền từ 01 - 03 triệu đồng đối với hành vi gây thiệt hại lâm sản trị giá từ 01 triệu đồng đến dưới 02 triệu đồng…

Mức phạt cao nhất với các hành vi trên là 100 triệu đồng. Nếu giống gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thì mức phạt có thể lên đến 120 triệu đồng.

Mặt khác, Điều 20 Nghị định này còn quy định mức phạt hành vi phá rừng trái pháp luật, bị xử phạt cao nhất lên đến 200 triệu đồng.

Ngoài ra, việc chặt đào rừng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 243 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 về tội hủy hoại rừng. Theo đó, đối với hành vi chặt phá đào rừng với diện tích lớn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, khung hình phạt cao nhất của tội này là phạt tù 07 - 15 năm.

Mua, bán đào rừng có vi phạm pháp luật không?

Câu hỏi: Sếp tôi đang muốn tôi đi tìm cho sếp một gốc đào rừng thật to và chuẩn từ rừng để tạo sự khác biệt cho văn phong của mình năm nay. Tuy nhiên, đợt này đọc báo, xem truyền hình, tôi đang nghe nói việc giao dịch mua bán đào rừng cũng vi phạm pháp luật. Điều này có đúng không ạ? – Trần Hương Sen (Thái Bình).

Trả lời:

Theo quy định hiện nay được nêu tại Điều 23 Nghị định 35/2019/NĐ-CP, hành vi tàng trữ, mua bán, chế biến lâm sản trái pháp luật và bị xử phạt.

Cụ thể, phạt tiền từ 05 - 15 triệu đồng đối với hành vi tàng trữ, mua, bán, chế biến lâm sản không có hồ sơ hợp pháp hoặc có hồ sơ hợp pháp nhưng lâm sản không đúng với nội dung hồ sơ đó, trong trường hợp:

- Gỗ thuộc loài thông thường dưới 02 m3;

- Gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA dưới 01 m3;

- Gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA dưới 0,2 m3;

- Thực vật rừng ngoài gỗ trị giá dưới 15 triệu đồng.

Đặc biệt theo căn cứ nêu tại Điều này, mức phạt cao nhất có thể lên đến đến 500 triệu đồng.

Trên đây là thông tin về việc mua bán đào rừng bị phạt thế nào năm 2021. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào liên quan, vui lòng đặt câu hỏi tại đây.

Có thể bạn quan tâm

X