Bảo hiểm nhân thọ dường như đang trở thành xu thế chung của thế giới. Ở Việt Nam, việc tham gia bảo hiểm nhân thọ rất phổ biến ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, nhiều người vẫn đang hoài nghi về tính an toàn của loại hình bảo hiểm này.
Hiện nay, pháp luật Việt Nam điều chỉnh tổ chức và hoạt động kinh doanh bảo hiểm thông qua Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 và Nghị định 73/2016/NĐ-CP.
Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 khẳng định, Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm và các tổ chức kinh doanh bảo hiểm.
Để doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ được cấp giấy phép thành lập và hoạt động thì phải đáp ứng vốn pháp định rất lớn, từ 600 tỷ đến 1000 tỷ đồng Việt Nam.
Mua bảo hiểm nhân thọ có an toàn không?
Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài phải trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Việc trích nộp này phải được thực hiện cho đến khi Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm đạt 3% tổng tài sản đối với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.
Quỹ này được sử dụng để trả tiền bảo hiểm, giá trị hoàn lại; trả tiền bồi thường bảo hiểm; hoàn phí bảo hiểm theo quy định tại hợp đồng bảo hiểm theo đề nghị của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài mất khả năng thanh toán, doanh nghiệp bảo hiểm bị phá sản.
Đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, Quỹ chi trả tối đa 90% mức trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, nhưng không quá 200 triệu đồng/người được bảo hiểm/hợp đồng.
Như vậy, dựa vào những quy định trên, có thể thấy sự quản lý của Nhà nước với các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm là tương đối chặt chẽ. Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm giúp Nhà nước “nắm đằng chuôi” trong việc quản lý hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm, loại bỏ rủi ro cho người mua bảo hiểm khi doanh nghiệp phá sản hoặc mất khả năng thanh toán. Vì thế, việc mua bảo hiểm nhân thọ được coi là một kênh an toàn.