Khi tham gia giao thông, bảo hiểm xe máy là một trong những giấy tờ không thể thiếu. Vậy nếu muốn mua bảo hiểm xe máy thì mua ở đâu? Có mua online được không?
Đến đâu mua bảo hiểm xe máy?
Trả lời:
Theo Điều 4 Nghị định số 03/2021/NĐ-CP, hiện nay, xe máy gồm có hai loại bảo hiểm là bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự và bảo hiểm mở rộng hay còn gọi là bảo hiểm tự nguyện.
Với loại bảo hiểm bắt buộc, hiện nay, có khá nhiều doanh nghiệp bán bảo hiểm ở Việt Nam và có không ít các doanh nghiệp uy tín như Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo hiểm Quân đội MIC, Tổng công ty bảo hiểm PVI, Bảo hiểm BIC, bảo hiểm PTI của Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Bưu điện…
Do đó, chủ xe máy có thể mua bảo hiểm bắt buộc bằng các hình thức và tại các địa điểm sau:
- Trực tiếp: Tại trụ sở công ty bảo hiểm gần nhất; đại lý phân phối bảo hiểm; ngân hàng hoặc tại cây xăng.
- Online: Thông qua ví điện tử Momo để mua bảo hiểm xe máy online và được giao phiếu bảo hiểm đến tận tay. Ví điện tử Momo có liên kết với các công ty như Bảo Việt, GIC, MIC, PTI…
Còn bảo hiểm xe máy tự nguyện, chủ xe máy và công ty bảo hiểm có thể thỏa thuận mở rộng điều kiện, mức trách nhiệm tăng thêm với mức phí tương ứng. Hiện nay, loại bảo hiểm tự nguyện này được bày bán rất nhiều tại ven đường với mức giá rất rẻ, chỉ từ từ 10.000 đến 20.000 đồng. Với tâm lý muốn mua bảo hiểm để “qua mặt” cảnh sát giao thông nên có rất nhiều người chọn loại bảo hiểm rẻ này.
Tuy nhiên, đây chỉ là bảo hiểm xe máy tự nguyện, người đi xe có thể lựa chọn sử dụng hoặc không, không phải bảo hiểm xe máy bắt buộc. Do đó, nếu lựa chọn loại bảo hiểm này, nhiều chủ xe vẫn có thể bị phạt nếu không có bảo hiểm xe máy bắt buộc.
Như vậy, bạn có thể mua bảo hiểm xe máy bắt buộc trực tiếp tại các công ty bảo hiểm, mua bảo hiểm xe máy ở cây xăng, ở các đại lý phân phối hoặc ngân hàng. Ngoài ra, bạn có thể mua online thông qua ví Momo còn loại bảo hiểm tự nguyện thì bạn có thể dễ dàng mua ở ven đường.
Mua bảo hiểm xe máy ở đâu? (Ảnh minh họa)
Mua bảo hiểm xe máy cần giấy tờ gì?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định 03/2021/NĐ-CP, giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc của xe máy phải bao gồm các nội dung sau đây:
- Tên, địa chỉ, số điện thoại (nếu có) của chủ xe máy.
- Số biển kiểm soát hoặc số khung, số máy của chiếc xe cần mua bảo hiểm.
- Mức trách nhiệm bảo hiểm dân sự với bên thứ ba và hành khách.
- Khi xảy ra tai nạn, trách nhiệm của chủ xe máy và người lái xe thế nào.
- Thời hạn, phí và thời hạn thanh toán phí bảo hiểm.
- Ngày, tháng, năm cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm...
Căn cứ quy định này, khi đến mua bảo hiểm xe máy, chủ xe cần phải có đăng ký xe và Chứng minh nhân dân (Căn cước công dân hoặc hộ chiếu) có đầy đủ thông tin cơ bản của chủ xe đó.
Mua bảo hiểm xe máy hết bao nhiêu tiền?
Trả lời:
Theo Điều 3 và phụ lục kèm theo Thông tư 04/2021/TT-BTC, mức phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe máy gồm:
STT | Loại xe | Phí bảo hiểm (đồng) |
I | Mô tô 2 bánh |
|
1 | Từ 50 cc trở xuống | 55.000 |
2 | Trên 50 cc | 60.000 |
II | Mô tô 3 bánh | 290.000 |
III | Xe gắn máy (bao gồm xe máy điện) và các loại xe cơ giới tương tự |
|
1 | Xe máy điện | 55.000 |
2 | Các loại xe còn lại | 290.000 |
Do bạn không nói rõ xe của mình thuộc loại nào nên loại 66.000 đồng mà bạn đề cập đến ở câu hỏi có thể là loại xe máy có dung tích xi lanh trên 50cc có giá bảo hiểm là 60.000 đồng và thuế VAT 10% là 6.000 đồng.
Còn riêng loại bảo hiểm 10.000 đồng bạn đề cập đến thì đó là bảo hiểm tự nguyện. Đây không phải loại bảo hiểm xe máy bắt buộc phải có khi tham gia giao thông.
Theo điểm a khoản 2 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, nếu người đi xe máy mà không có hoặc không mang theo bảo hiểm trách nhiệm dân sự còn hiệu lực thì sẽ bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng.
Đồng nghĩa, nếu bạn không mua loại bảo hiểm xe máy bắt buộc hoặc không mang hoặc chỉ có loại bảo hiểm tự nguyện với giá 10.000 đồng mua tại ven đường thì sẽ bị phạt đến 200.000 đồng nếu cảnh sát giao thông kiểm tra giấy tờ xe của bạn.
Trên đây là giải đáp về mua bảo hiểm xe máy ở đâu? Nếu còn vướng mắc, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.