Xe máy không giấy tờ thường có giá thành rẻ nên việc mua bán diễn ra khá phổ biến. Tuy nhiên, đây lại là hành vi vi phạm pháp luật.
Xử phạt vi phạm hành chính
Theo quy định của Nghị định 46/2016/NĐ-CP, trường hợp chủ xe không làm thủ tục đăng ký sang tên xe máy để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, điều chuyển, thừa kế sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng nếu là cá nhân và 200.000 đồng đến 400.000 đồng nếu là tổ chức.
Việc mua xe không có giấy tờ sẽ không có cơ sở cho việc đăng ký sang tên xe bởi theo Thông tư 15/2014/TT-BCA hồ sơ đăng ký xe bao gồm Giấy khai đăng ký xe, Giấy tờ của chủ xe và Giấy tờ của xe. Vì thế, mua xe không giấy tờ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức như trên.
Mua xe máy không giấy tờ bị xử phạt thế nào?
Xử lý hình sự
Theo quy định của Bộ luật hình sự 2015, hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Trong một số trường hợp, hình phạt có thể lên đến 07 năm, 10 năm hoặc 15 năm tù như phạm tội có tổ chức, tài sản có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên…
Như vậy, nếu chiếc xe là tài sản do trộm, cướp, lừa đảo… người mua xe đã biết mà vẫn mua thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu người mua không biết xe đó là do người khác phạm tội mà có thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, chủ sở hữu hợp pháp của chiếc xe đó có quyền đòi lại tài sản của mình. Giao dịch mua bán xe bị vô hiệu do không đáp ứng các điều kiện về nội dung để giao dịch dân sự có hiệu lực (vi phạm điều cấm của pháp luật). Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Vì thế, người mua xe cần tìm người bán xe cho mình để đòi lại số tiền đã giao dịch.
hieuluat.vn