Đào tạo nghề là một trong nhiều quyền lợi của người lao động được nhận nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng của mình. Khi nghỉ việc có cần bồi thường chi phí đào tạo nghề cho doanh nghiệp không? Hiện nay, luật quy định thế nào?
1. Người lao động nghỉ việc có phải bồi thường chi phí đào tạo không?
Trả lời:
Căn cứ khoản 3 Điều 40 Bộ luật Lao động năm (BLLĐ) 2019, khi người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động cần hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động.
Trong đó, chi phí đào tạo người sử dụng lao động chi trả cho quá trình đào tạo được quy định cụ thể như sau tại khoản 3 Điều 62 BLLLĐ 2019:
3. Chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian đào tạo.
Như vậy có thể thấy, khi người lao động được cử đi đào tạo, học nghề nếu vi phạm vào các thỏa thuận với người sử dụng lao động liên quan đến chi phí đào tạo, nếu đơn phương nghỉ việc trái luật sẽ phải thanh toán các khoản liên quan đến chi phí đào tạo.
Cập nhật mới nhất mức bồi thường chi phí đào tạo nghề khi nghỉ việc (Ảnh minh họa)
2. Phải bồi thường thế nào nếu người lao động vi phạm hợp đồng đào tạo?
Trả lời:
Người lao động sau khi được đào tạo phải làm việc cho người lao động theo đúng thời gian đã cam kết trong hợp đồng đào tạo. Trường hợp người lao động nghỉ việc giữa chừng, vi phạm các thỏa thuận đã ký khi tham gia các khóa đào tạo của công ty, có thể sẽ phải hoàn trả chi phí đào tạo nghề cho người sử dụng lao động.
Do hợp đồng đào tạo nghề là sự thỏa thuận của các bên nên nếu trong hợp đồng đã nêu rõ trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo thì việc trả lại chi phí sẽ thực hiện theo thỏa thuận. Nếu có quy định về miễn trách nhiệm bồi thường chi phí đào tạo thì người lao động thuộc trường hợp đó sẽ không phải trả lại chi phí này.
Trường hợp không có sự thỏa thuận một cách rõ ràng về trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo giữa doanh nghiệp và người lao động thì việc hoàn trả chi phí được thực hiện như sau:
Trường hợp 1: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp
Căn cứ BLLĐ năm 2019, nếu người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp thì pháp luật không quy định trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo.
Tuy nhiên, khoản 2 Điều 61 Luật Giáo dục và nghề nghiệp 2014 có quy định như sau:
Người tốt nghiệp các khoá đào tạo do người sử dụng lao động cấp học bổng, chi phí đào tạo phải làm việc cho người sử dụng lao động theo thời hạn đã cam kết trong hợp đồng đào tạo; trường hợp không thực hiện đúng cam kết thì phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo.
Như vậy có thể thấy, dù người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng hợp pháp nhưng vi phạm thời gian đã cam kết làm việc sau đào tạo thì vẫn phải có trách nhiệm bồi hoàn chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động.
>> Xem thêm: Khi nào người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng?
Trường hợp 2: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
Theo quy định tại Điều 40 BLLĐ năm 2019, người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo.
Có thể thấy, người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì phải có trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo dù đúng luật hay trái luật.
Lưu ý: Để tránh tranh chấp xảy ra, các bên khi ký hợp đồng đào tạo nghề cần thỏa thuận rõ các điều kiện phải hoàn trả hay được miễn chi phí đào tạo cũng như các điều kiện khác đi kèm như thời gian cam kết phải làm cho công ty sau đào tạo là bao lâu...
3. Công ty có được phạt người lao động nhiều hơn chi phí đào tạo không?
Trả lời:
Hiện nay, pháp luật không có quy định cụ thể về mức phạt bồi thường chi phí đào tạo. Cho nên ngoài chi phí đào tạo phải chi trả, nếu các bên có thỏa thuận về mức phạt vi phạm thì người lao động có thể còn phải bồi thường thêm khoản tiền này.
Phổ biến hiện nay là việc các bên khi ký hợp đồng đào tạo nghề thường thỏa thuận người lao động sau khi được đào tạo phải cam kết làm việc cho người sử dụng lao động trong thời gian nhất định, nếu vi phạm sẽ phải bồi thường thêm một số tiền nhất định nào đó dựa trên chi phí đào tạo nghề công ty đã bỏ ra.
Như vậy mức phạt bồi thường do vi phạm hợp đồng đào tạo dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên. Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng cho phép các bên tự do thỏa thuận về phạt vi phạm hợp đồng.
Ngoài ra, căn cứ Điều 418 Bộ luật Dân sự 2015 không đặt ra mức tối đa đối với phạt vi phạm mà sẽ do sự thỏa thuận của các bên, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. Nên doanh nghiệp có thể thỏa thuận với người lao động về việc phạt vi phạm hợp đồng đào tạo nghề gấp nhiều lần chi phí đào tạo cũng không trái pháp luật.
Tuy nhiên, mức phạt vi phạm hợp đồng đào tạo của các bên nên cân bằng lợi ích giữa các bên để tránh xảy ra tranh chấp không đáng có.
Trên đây là nội dung giải đáp thắc mắc về việc bồi thường chi phí đào taooj nghề thế nào sau khi nghỉ việc mà người lao động cần nắm. Nếu còn băn khoăn, độc giả vui lòng gửi câu hỏi tại đây. Các chuyên gia pháp lý của hieuluat.vn sẽ hỗ trợ bạn câu trả lời trong vòng 24 giờ làm việc, nếu câu hỏi đầy đủ thông tin.
Xem thêm:
Hợp đồng đào tạo có phải đóng bảo hiểm xã hội không?