Học sinh, sinh viên được Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế. Vậy, cụ thể mức hỗ trợ bao nhiêu, mức đóng bảo hiểm y tế năm 2022 của học sinh sinh viên thế nào?
Trả lời:
Học sinh, sinh viên được hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế
Theo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014, bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện.
Học sinh, sinh viên là đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế. Mức đóng bảo hiểm y tế của học sinh, sinh viên được xác định theo tỷ lệ phần trăm của mức lương cơ sở.
Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định có 06 nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc, cụ thể gồm có:
- Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng.
- Nhóm do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng.
- Nhóm do ngân sách Nhà nước đóng.
- Nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng.
- Nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình.
- Nhóm do người sử dụng lao động đóng.
Cũng theo Nghị định này, nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng bao gồm:
- Người thuộc hộ gia đình cận nghèo theo tiêu chí chuẩn cận nghèo.
- Người thuộc hộ gia đình nghèo đa chiều.
- Học sinh, sinh viên.
- Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình.
Như vậy, học sinh, sinh viên sẽ được Nhà nước hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế.
Mức đóng bảo hiểm y tế học sinh sinh viên 2022 thế nào? (Ảnh minh họa)
Mức đóng bảo hiểm y tế của học sinh, sinh viên bao nhiêu?
Từ phân tích trên, học sinh, sinh viên được hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế. Tại điểm đ khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018 quy định mức đóng bảo hiểm y tế hàng tháng của học sinh, sinh viên bằng 4,5% mức lương cơ sở.
Mức đóng BHYT | = | 4,5% | x | Mức lương cơ sở | x | Số tháng |
Năm 2022, mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng. Do đó, học sinh, sinh viên phải đóng với mức hàng tháng = 4,5% x 1.490.000 = 67.050 đồng/tháng.
Theo khoản 1 Điều 8 Nghị định này, mức hỗ trợ đóng như sau:
- Hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế với học sinh, sinh viên thuộc hộ gia đình cận nghèo đang sinh sống tại các huyện nghèo.
- Hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng bảo hiểm y tế với học sinh, sinh viên thuộc hộ cận nghèo, gia đình nghèo đa chiều (được hỗ trợ đóng 70%, học sinh, sinh viên đóng 30%).
- Hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng bảo hiểm y tế đối với đối tượng là học sinh, sinh viên khác (được hỗ trợ đóng 30%, học sinh, sinh viên đóng 70%).
Lưu ý: Trường hợp học sinh, sinh viên thuộc nhiều đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng trên thì được hưởng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế theo đối tượng có mức hỗ trợ cao nhất.
Như vậy, tùy từng trường hợp mức hỗ trợ như trên mà học sinh, sinh viên tính được cụ thể số tiền bảo hiểm y tế phải đóng.
Ngoài ra, theo khoản 5 Điều 9 Nghị định 143/2018, học sinh, sinh viên có thể chọn phương thức đóng như sau:
- Đóng bảo hiểm y tế định kỳ 03 tháng.
- Đóng bảo hiểm y tế định kỳ 06 tháng.
- Đóng bảo hiểm y tế định kỳ 12 tháng.
Thẻ bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên có thời hạn đến khi nào?
Thời hạn sử dụng thẻ bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên theo khoản 7 Điều 13 Nghị định 143/2018 như sau:
- Thẻ bảo hiểm y tế được cấp hàng năm cho học sinh của cơ sở giáo dục phổ thông, trong đó:
+ Với học sinh lớp 1: Giá trị sử dụng bắt đầu từ ngày 01/10 năm đầu tiên của cấp tiểu học.
+ Với học sinh lớp 12: Thẻ có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/9 của năm đó.
- Thẻ bảo hiểm y tế được cấp hàng năm cho học sinh, sinh viên của cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó:
+ Đối với học sinh, sinh viên năm thứ nhất của khóa học: Thẻ có giá trị sử dụng từ ngày nhập học, trừ trường hợp thẻ của học sinh lớp 12 đang còn giá trị sử dụng.
+ Đối với học sinh, sinh viên năm cuối của khóa học: Thẻ có giá trị sử dụng đến ngày cuối của tháng kết thúc khóa học.
Trên đây là mức đóng bảo hiểm y tế của học sinh, sinh viên. Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi tại đây. Các chuyên gia pháp lý của hieuluat.vn sẽ hỗ trợ bạn câu trả lời trong vòng 24h giờ làm việc, nếu câu hỏi đầy đủ thông tin.
Xem thêm: