hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 31/12/2020
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Năm 2022, nghỉ dưỡng thai có được hưởng chế độ ốm đau không?

Nghỉ dưỡng thai là một trong những quyền lợi của người lao động mang thai có chỉ định phải tạm ngừng việc để đảm bảo sức khỏe mẹ và thai nhi. Vậy nghỉ dưỡng thai có được hưởng chế độ ốm đau không?

1. Nghỉ dưỡng thai có được hưởng chế độ ốm đau không?

Câu hỏi: Tôi mang thai cháu thứ 2 được 15 tuần, hiện sức khỏe của tôi không cho phép, và cũng được bệnh viên tư vấn, nên nay tôi cần thiết phải nghỉ dưỡng thai để đảm bảo sức khỏe cả mẹ và con. Cho tôi hỏi, thời gian tôi nghỉ dưỡng thai có được hưởng chế độ ốm đau không? (Vũ Thu Hằng – Hà Nội).

Trả lời:

Căn cứ Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, nếu người lao động ốm đau phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh, không thuộc trường hợp tự hủy hoại sức khỏe, say rượu, dùng ma túy… thì được hưởng chế độ ốm đau.

Đồng thời, theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội, trường hợp người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành sẽ được hưởng chế độ ốm đau.

Riêng đối với đối tượng là lao động nữ mang thai, Thông tư 46/2016/TT-BYT quy định một số trường hợp thai nghén, sinh đẻ được liệt kê vào Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày như chửa trứng, rau tiền đạo trung tâm, rỉ ối có điều trị để làm chậm chuyển dạ, rau cài răng lược…

Ngoài ra, lao động nữ khi cần nghỉ việc để dưỡng thai phải cung cấp Giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai của cơ sở y tế có thẩm quyền cho người lao động. Có 02 trường hợp được cấp Giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai, đó là phải điều trị bệnh lý sản khoa và phải điều trị bệnh lý toàn thân.

Từ những thông tin trên có thể thấy, lao động nữ nghỉ dưỡng thai có thể được hưởng chế độ ốm đau theo trường hợp nghỉ ốm đau hoặc khi bị một trong các bệnh liên quan đến mang thai thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày.

Khi đó, để hưởng chế độ ốm đau, lao động nữ phải có Giấy xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền.

Tùy vào từng môi trường làm việc mà lao động nữ nghỉ dưỡng thai có thời gian hưởng chế độ ốm đau khác nhau:

- Với lao động nữ làm việc trong điều kiện bình thường xin nghỉ ốm đau để dưỡng thai: Số ngày nghỉ cụ thể là 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.

- Với lao động nữ nghỉ dưỡng thai thuộc một trong các bệnh cần chữa trị dài ngày: Thời gian nghỉ tối đa 180 ngày. Sau đó nếu vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.

nghi duong thai co duoc huong che do om dau khong

Nghỉ dưỡng thai có được hưởng chế độ ốm đau không (Ảnh minh họa)

2. Thủ tục hưởng chế độ ốm đau khi nghỉ dưỡng thai năm 2022 gồm những gì?

Câu hỏi: Tôi muốn làm thủ tục nghỉ hưởng chế độ ốm đau, do tôi mới nhận được yêu cầu của bệnh viện nơi tôi đang thăm khám thai nhi cần phải nghỉ việc để dưỡng thai do tình trạng thai kỳ của tôi đang có chút bất ổn. Vậy tôi cần chuẩn bị thủ tục gì và nộp cho ai? Tôi cảm ơn (Bích Phượng – Ninh Bình).

Trả lời:

Người lao động cần chuẩn bị hồ sơ hưởng chế độ ốm đau khi nghỉ dưỡng thai năm 2022 như sau:

- Bản chính hoặc bản sao giấy ra viện của người lao động;

- Bản chính giấy chứng nhận nghỉ việc dưỡng thai hưởng bảo hiểm xã hội.

Người lao động nộp đầy đủ các giấy tờ trên cho doanh nghiệp.

Về phía người sử dụng lao động cần chuẩn bị bản chính danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe (Mẫu 01B-HSB), nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

3. Mức hưởng chế độ ốm đau khi nghỉ dưỡng thai?

Câu hỏi: Tôi đang trong thời gian nộp hồ sơ giấy tờ cho công ty để hưởng chế độ ốm đau khi tôi bắt buộc phải nghỉ dưỡng thai, do tôi gặp tình trạng động thai nguy cấp. Vậy mức hưởng trường hợp của tôi được tính thế nào? (Phí Thị Hương Xuân – Hưng Yên)

Trả lời:

Mức hưởng chế độ thai sản được tính theo tháng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Trong đó, mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày được tính bằng mức trợ cấp ốm đau theo tháng chia cho 24 ngày.

Mức hưởng chế độ thai sản trong trường hợp hưởng chế độ khi khám thai một ngày được tính bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản chia cho 24 ngày.

4. Khám thai ở phòng khám tư có được hưởng chế độ thai sản không?

Câu hỏi: Do thời gian làm việc của tôi khá bận, nên tôi khó có thể đến bệnh viện công khám thai ngày hành chính. Vì thế, tôi đang dự tính là sẽ khám thai ở phòng khám tư vào buổi tối trong tuần. Vậy tôi có được hưởng thai sản nếu khám thai ở phòng khám tư không? (Hồng Hạnh – TP. Hồ Chí Minh).

Trả lời:

Căn cứ Điều 32 Luật bảo hiểm xã hội 2014, thời gian hưởng chế độ khám thai quy định như sau:

1. Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai.

2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Đồng thời theo khoản 1 Điều 101 Luật này, hồ sơ hưởng chế độ thai sản liên quan đến khám thai được quy định như sau: Trường hợp lao động nữ đi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý, người lao động thực hiện biện pháp tránh thai phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với trường hợp điều trị ngoại trú, bản chính hoặc bản sao giấy ra viện đối với trường hợp điều trị nội trú.

Như vậy chiếu theo các quy định ở trên có thể thấy Luật Bảo hiểm xã hội không quy định cụ thể người lao động phải khám thai tại bệnh viện công lập hay bệnh viện tư nhân. Tuy nhiên, người lao động bắt buộc phải có bản chính giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH để được giải quyết chế độ thai sản khi khám thai dù là khám ở bệnh viện công hay tư.

5. Cách tính lương những ngày nghỉ đi khám thai thế nào?

Câu hỏi: Vanbanluat cho tôi hỏi, những ngày tôi nghỉ làm để đi khám thai thì tôi có được hưởng lương không? Và nếu có, thì được tính thế nào? Tôi cảm ơn (Vương Thị Thanh Nhàn – Bình Định).

Trả lời:
Theo quy định, lao động nữ nghỉ việc để đi khám thai sẽ không hưởng lương do người sử dụng lao động trả, mà hưởng trợ cấp do cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả. Mức hưởng được quy định Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Mức hưởng một ngày được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày.

Cụ thể, nếu lao động nữ nghỉ 05 ngày/ 10 ngày đi khám thai thì mức tiền hưởng một ngày được tính theo công thức sau:

Mức hưởng = 100% mức bình quân tiền lương tháng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản : 24 ngày x 5 ngày/ 10 ngày.

Ví dụ: Chị Hoàng A có mức lương bình quân đóng BHXH là 06 triệu đồng. Do từ nhà đến viện huyện nơi chị khám thai cách nhau hơn 50km đường rừng, đồng thời thai nhi của chị cũng có chút vấn đề phải theo dõi lâu hơn, nên trường hợp của chị được duyệt nghỉ khám thai 10 ngày.

Vậy mức hưởng trợ cấp của chị trong 10 ngày là: 06 triệu đồng : 24 ngày x 10 ngày =  2,5 triệu đồng.

Trên đây là giải đáp xung quanh nội dung nghỉ dưỡng thai có được hưởng chế độ ốm đau không. Nếu còn thắc mắc liên quan đến vấn đề này, độc giả vui lòng để lại câu hỏi tại đây.

Xem thêm:

Chế độ nghỉ khám thai 2022: Toàn bộ quy định cần biết

Chế độ nghỉ dưỡng sức do thai yếu của lao động nữ năm 2022

hieuluat.vn

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X