Khi một ngân hàng phá sản, cái mà người dân quan tâm nhất có lẽ không phải là thủ tục, trình tự phá sản như thế nào mà là tiền gửi của họ ở ngân hàng đó có số phận ra sao.
Tiền gửi được Bảo hiểm tiền gửi chi trả
Theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi của cá nhân phải tham gia bảo hiểm tiền gửi, trừ ngân hàng chính sách.
Tổ chức tín dụng là khái niệm rộng, bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân (Theo Luật các tổ chức tín dụng)
Hiện nay, hạn mức trả tiền bảo hiểm (là số tiền tối đa mà tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm) gồm cả gốc và lãi tối đa là 75 triệu đồng (Quyết định 21/2017/QĐ-TTg).
Số tiền này sẽ được chi trả trong vòng 60 ngày kể từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm.
Ngân hàng phá sản, tiền gửi của dân đi đâu?
Ngoài ra, trong trường hợp tổ chức tín dụng bị tuyên bố phá sản, việc thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản. Theo Luật phá sản 2014, tài sản của đơn vị phá sản được thanh lý và phân chia theo thứ tự sau:
- Chi phí phá sản;
- Các quyền lợi của người lao động;
- Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh;
- Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.
Như vậy, nếu may mắn, người gửi tiền còn được ngân hàng thanh toán nợ tiền gửi sau khi thanh lý tài sản. Tuy nhiên, việc có thể trông chờ vào số tiền này là tương đối mong manh bởi quyền lợi của người gửi tiền bị đặt sau rất nhiều chủ thể khác.
Trông chờ vào Bảo hiểm tiền gửi có quá rủi ro?
Theo những quy định trên, nếu ông A gửi vào ngân hàng B 1 tỷ đồng, sau khi ngân hàng này phá sản, Bảo hiểm tiền gửi sẽ trả cho ông tối đa… 75 triệu đồng. Con số này liệu có bảo đảm được quyền lợi của người dân và đảm bảo được niềm tin của họ khi đem tiền gửi vào ngân hàng?
Nếu người dân không còn niềm tin vào ngân hàng, họ sẽ mang đi gửi ở những kênh khác hoặc tự đi đầu tư. Và lúc này, liệu ngân hàng có thể hoạt động được bình thường khi không thể huy động vốn?
Rất nhiều vấn đề được đặt ra, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có một cơ chế đảm bảo hơn nữa quyền lợi của người dân khi đặt ra vấn đề phá sản đối với ngân hàng.
hieuluat.vn