hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 26/08/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Có được tính nghỉ phép năm khi nghỉ không lương dài ngày?

Bên cạnh nghỉ phép năm, người lao động còn được nghỉ việc riêng, nghỉ không lương. Tuy nhiên, quy định về các chế độ nghỉ này không giống nhau và có không ít người thắc mắc rằng vậy nghỉ không lương có tính phép năm không, nhất là trường hợp nghỉ không lương dài ngày?

Mục lục bài viết
  • Nghỉ không lương 2 tháng có tính phép năm?
  • Nghỉ không lương có được tính vào thời gian nâng bậc lương?
  • Người lao động nghỉ không phép có được trừ lương?

Nghỉ không lương 2 tháng có tính phép năm?

Câu hỏi: Tôi đã xin công ty cho nghỉ không lương 02 tháng để giải quyết một số vấn đề gia đình, công ty cũng đồng ý đơn xin nghỉ của tôi. Vậy cho tôi hỏi trong khoảng thời gian nghỉ không lương này tôi có được tính 02 ngày nghỉ phép năm của 02 tháng không? Tôi cảm ơn! – Hoàng Phú (Sơn La).

Để trả lời cho vấn đề của bạn về nghỉ không lương có tính phép năm hay không, trước tiên cần biết thời gian nào là thời gian để tính số ngày nghỉ phép năm.

Theo đó, Điều 65 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về thời gian này gồm:

- Thời gian học nghề, tập nghề theo quy định tại Điều 61 của Bộ luật Lao động nếu sau khi hết thời gian học nghề, tập nghề mà người lao động làm việc cho người sử dụng lao động.

- Thời gian thử việc nếu người lao động tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động sau khi hết thời gian thử việc.

- Thời gian nghỉ việc riêng có hưởng lương theo khoản 1 Điều 115 của Bộ luật Lao động .

- Thời gian nghỉ việc không hưởng lương nếu được người sử dụng lao động đồng ý nhưng cộng dồn không quá 1 tháng trong một năm.

- Thời gian nghỉ do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng cộng dồn không quá 6 tháng.

- Thời gian nghỉ do ốm đau nhưng cộng dồn không quá 2 tháng trong một năm.

- Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

- Thời gian thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà được tính là thời gian làm việc theo quy định của pháp luật.

- Thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động.

- Thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc nhưng sau đó được kết luận là không vi phạm hoặc không bị xử lý kỷ luật lao động.

Như vậy, xét trong trường hợp của bạn, thời gian được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm sẽ bao gồm cả thời gian nghỉ việc không lương đã được người sử dụng lao động đồng ý nhưng cộng dồn không quá 01 tháng trong một năm. Do đó, trường hợp bạn nghỉ không lương 02 tháng thì cũng chỉ được tính phép năm 01 ngày của 01 tháng.

Người lao động nghỉ không lương có tính phép năm không? (Ảnh minh họa)


Nghỉ không lương có được tính vào thời gian nâng bậc lương?

Câu hỏi: Tôi là viên chức (giáo viên cấp II), tháng 4/2020 tôi xin nghỉ việc không hưởng lương 1 năm để sang nước ngoài giải quyết công việc, đến 4/2021 tôi quay trở lại làm việc. Vậy trường hợp tôi nghỉ việc không hưởng lương có được tính vào thời gian nâng bậc lương không? Tôi cảm ơn! – Nguyễn Hoàng (Hà Nội)

Về chế độ nâng bậc lương thường xuyên, theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 08/2013/TT-BNV được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 03/2021/TT-BNV, đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh, thì sau 3 năm (đủ 36 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng một bậc lương;

Bên cạnh đó, thời gian không được tính để xét nâng bậc lương thường xuyên, gồm:

- Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương;

- Thời gian đi làm chuyên gia, đi học, thực tập, công tác, khảo sát ở trong nước và ở nước ngoài vượt quá thời hạn do cơ quan có thẩm quyền quyết định;

- Thời gian bị đình chỉ công tác, bị tạm giữ, tạm giam và các loại thời gian không làm việc khác ngoài quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này.

- Thời gian tập sự (bao gồm cả trường hợp được hưởng 100% mức lương của ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức tập sự).

- Thời gian cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đào ngũ trong quá trình thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ.

- Thời gian thử thách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo; trường hợp thời gian thử thách ít hơn thời gian bị kéo dài nâng bậc lương thường xuyên thì tính theo thời gian bị kéo dài nâng bậc lương thường xuyên.

- Thời gian nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.

Theo các căn cứ trên, trường hợp sau 03 năm giữ bậc lương trong ngạch hoặc chức danh thì bạn được xét nâng bậc lương. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này có 01 năm bạn xin nghỉ việc riêng không hưởng lương, do đó thời gian từ tháng 04/2020 – tháng 04/2021 không được tính để xét nâng bậc lương thường xuyên theo quy định trên.

Người lao động nghỉ không phép có được trừ lương?

Câu hỏi: Ở công ty tôi có đề ra quy định nhân viên nghỉ không phép 01 ngày thì sẽ bị trừ một ngày rưỡi lương. Xin hỏi quy định như vậy có đúng k? Công ty có được phép trừ lương nhân viên khi nhân viên nghỉ không phép, nghỉ không lương không?

Trường hợp người lao động đã nghỉ hết ngày phép năm có thể xin nghỉ việc riêng, nghỉ không lương. Điều này được ghi nhận tại Điều 115 Bộ luật Lao động 2019 như sau:

Điều 115. Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương

1.Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây:

a) Kết hôn: nghỉ 03 ngày;

b) Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;

c) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.

2. Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.

Theo đó, nếu vì một trong các lý do như: Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại,… mất thì người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày. Tuy nhiên, pháp luật tôn trọng sử thỏa thuận các bên và cho phép các bên tự thỏa thuận về lý do và số ngày nghỉ. Do vậy, khi các bên đạt được thỏa thuận thì người lao động có thể nghỉ để giải quyết việc riêng 01 hoặc nhiều ngày. Các ngày nghỉ này công ty sẽ không trả lương cho người lao động.

Mặt khác, nếu không đạt được thỏa thuận chung, pháp luật cũng không cho phép người sử dụng lao động tự ý trừ thêm lương của người lao động với lý do này.

Trên đây là giải đáp về nghỉ không lương có tính phép năm. Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

>> Người lao động được nghỉ không lương tối đa bao nhiêu ngày?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X