hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 23/08/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Người lao động được nghỉ không lương tối đa bao nhiêu ngày?

Vì lý do gia đình, cá nhân,… nhiều người lao động phải xin nghỉ làm để giải quyết công việc. Tuy nhiên, tùy vào trường hợp cụ thể mà người lao động có thể được nghỉ việc riêng có hưởng lương hoặc nghỉ không lương. Số ngày nghỉ đối với mỗi trường hợp không giống nhau. Vậy, nghỉ không lương tối đa bao nhiêu ngày.

Mục lục bài viết
  • Được nghỉ không lương tối đa bao nhiêu ngày?
  • Mẫu đơn xin nghỉ không lương mới nhất hiện nay?
  • Có được phép từ chối cho người lao động nghỉ không lương?

Được nghỉ không lương tối đa bao nhiêu ngày?

Câu hỏi: Sang tuần anh trai ruột tôi kết hôn. Tôi đã hết ngày nghỉ phép năm, vậy tôi có thể xin nghỉ không lương được không? Nếu có thì tôi được nghỉ bao nhiêu ngày? Tôi cảm ơn! – Hải Anh (Hòa Bình).

Để xác định người lao động được nghỉ không lương tối đa bao nhiêu ngày, căn cứ vào Điều 115 Bộ luật Lao động 2019 như sau:

Điều 115. Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương

1.Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây:

a) Kết hôn: nghỉ 03 ngày;

b) Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;

c) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.

2. Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.

Như vậy, quy định trên đã chỉ rõ trường hợp cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn thì người lao động được nghỉ không lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động.

Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 115 có quy định người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không lương. Quy định này cho thấy nguyên tắc tôn trọng tự do thỏa thuận của các bên.

Như vậy, ngoài quy định tại khoản 1, 2 nêu trên, bạn cũng có thể thỏa thuận với công ty về số ngày nghỉ việc không lương.

Người lao động được nghỉ không lương tối đa bao nhiêu ngày? (Ảnh minh họa)


Mẫu đơn xin nghỉ không lương mới nhất hiện nay?

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

——-***——-

ĐƠN XIN NGHỈ KHÔNG LƯƠNG

Kính gửi: - Ban Giám đốc Công ty………………………….

- Trưởng phòng Nhân sự

- Trưởng……………….………………………….

Tôi tên là: ………………………………………………………………………..

Ngày tháng năm sinh: …………………………………………………………

Chức vụ: …………………………………………………………………………

Đơn vị công tác:…………………………………………………………………

Hộ khẩu thường trú: ……………………………………………………………

Số điện thoại liên hệ khi cần: …………………………………………………

Nay tôi làm đơn này xin Ban Giám đốc công ty, Trưởng phòng Nhân sự, Trưởng (4)……………. cho tôi được nghỉ không hưởng lương từ ngày …. tháng …. năm…. đến ngày …. tháng …. năm…..

Lý do xin nghỉ: ……………………………………………………………………………………

Tôi đã bàn giao công việc cho………………….. trong suốt thời gian tạm nghỉ.

Các công việc được bàn giao:………………………………………………

……………………………………………………………………………………

Tôi cam kết sẽ trở lại làm việc sau khi hết thời gian nghỉ nêu trên, nếu không tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước công ty.

Kính mong Ban Giám đốc xem xét và chấp thuận.

Xin trân trọng cảm ơn!

………, ngày …… tháng …… năm….

Giám đốc

(Duyệt)

Trưởng phòng Nhân sự
(Xác nhận)

Người quản lý
(Nêu ý kiến, ký, ghi rõ họ tên)

Người làm đơn

(Ký, ghi rõ họ tên)

Có được phép từ chối cho người lao động nghỉ không lương?

Câu hỏi: Chị gái em chuẩn bị kết hôn, do công ty đợt này đang nhiều việc nên khi em xin nghỉ không lương công ty lại không đồng ý. Vậy công ty có được từ chối đơn xin nghỉ không lương của em không? Em cảm ơn! – Hải Nguyễn (Thái Bình)

Như đã trình bày ở trên, trong trường hợp ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn thì người lao động được nghỉ không lương 01 ngày và thông báo với người sử dụng lao động.

Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 17 Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định như sau:

Điều 17. Vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Không bảo đảm cho người lao động nghỉ trong giờ làm việc, nghỉ chuyển ca, nghỉ về việc riêng, nghỉ không hưởng lương đúng quy định;

b) Không rút ngắn thời giờ làm việc đối với người lao động trong năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu theo quy định;

c) Không thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý nhà nước về lao động tại địa phương về việc tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm.

Như vậy, theo quy định này, trường hợp người sử dụng lao động không cho người lao động nghỉ không lương theo đúng quy định sẽ bị xử phạt từ 02 - 05 triệu đồng.

Mặt khác, trong trường hợp người lao động có thỏa thuận về việc nghỉ không lương không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 115 Bộ luật Lao động 2019 thì người sử dụng lao động có quyền từ chối thỏa thuận.

Trên đây là giải đáp về vấn đề được nghỉ không lương tối đa bao nhiêu ngày. Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

>> Phân biệt tạm hoãn thực hiện hợp đồng và nghỉ không lương?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X