hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Bảy, 06/02/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Nghỉ việc trong thời gian thử việc có cần báo trước không?

Sau tết âm lịch hàng năm được coi là thời điểm "vàng" để người lao động "nhảy việc". Khi nghỉ việc trong thời gian thử việc có cần báo trước với công ty không? là quan tâm của nhiều người lao động.

Khi nào bắt buộc phải thử việc? Thời gian thử việc trong bao lâu?

Câu hỏi: Em xin chào các anh chị trang Vanbanluat ạ, em là sinh viên mới ra trường, hiện đang chuẩn bị tinh thần để đi làm việc vị trí nhân viên kế toán tại một công ty sản xuất gần nhà. Em xin hỏi là hiện nay quy định về yêu cầu thử việc như thế nào? Phải thử việc bao lâu ạ? – Nguyễn Thị Kim Hoa (Thái Bình).

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 3 Điều 24 Bộ luật lao động (BLLĐ) năm 2019, chỉ duy nhất trường hợp người lao động giao kết hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng thì không áp dụng thử việc.

Về quy định thời gian thử việc, căn cứ Điều 25 Bộ luật Lao động năm 2019, thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc.

Tùy thuộc và tính chất và mức độ phức tạp của công việc mà thời gian thử việc tối đa có thể lên đến:

- Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp;

- Không quá 60 ngày đối với công việc cần trình độ từ cao đẳng trở lên;

- Không quá 30 ngày đối với công việc cần trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;

- Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.

Như vậy, theo quy định hiện hành tại BLLĐ năm 2019 người lao động có thể thử việc lên đến 180 ngày nếu người lao động làm công việc ở vị trí quản lý.

Điểm b khoản 2 Điều 9 Nghị định 28/2020/NĐ-CP, nếu người sử dụng lao động yêu cầu người lao động thử việc quá thời gian nêu trên sẽ bị phạt tiền từ 02 - 05 triệu đồng và phải trả đủ 100% lương cho người lao động.

nghi viec trong thoi gian thu viec co can bao truoc

Nghỉ việc trong thời gian thử việc có cần báo trước không? (Ảnh minh họa)

Nghỉ việc trong thời gian thử việc có cần báo trước không?

Câu hỏi: Em mới đi làm được hơn 2 tuần. Tuy nhiên, công việc em đảm nhận thực sự không phù hợp với mô tả công việc trong buổi phỏng vấn. Nên em dự kiến làm nốt ngày mai, em sẽ nghỉ việc ở đây. Cho em hỏi, nếu vậy em có cần báo trước khi nghỉ với công ty không ạ? – Trương Thị Tuyền (Tây Ninh).

Trả lời:

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 27 BLLĐ năm 2019 quy định về kết thúc thời gian thử việc thì:

Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.

Như vậy, theo quy định này, từ ngày 01/01/2021, người lao động nghỉ trong thời gian thử việc không cần báo trước cho người sử dụng lao động và không phải bồi thường.

Mặt khác, người sử dụng lao động cũng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động mà không cần báo trước nếu đang trong thời gian thử việc.

Đáng chú ý, với quy định tại BLLĐ năm 2019, người lao động khi tự ý nghỉ trong thời gian thử việc sẽ không phải bồi thường cho người sử dụng lao động.

Quay lại làm việc ở công ty cũ có phải thử việc lại không?

Câu hỏi: Tôi hiện đang làm tại phòng nhân sự. Công ty tôi mới phát sinh một trường hợp hơi đặc biệt. Cậu nhân viên ấy đã từng làm ở công ty tôi, và đã xin nghỉ việc cách đây 5 tháng. Hiện nay, cậu ấy quay lại làm việc tại công ty. Vậy cậu ấy có phải thử việc lại không? – Vũ Thị Anh Hiền (TP. Hồ Chí Minh).

Trả lời:

Thực tế, người lao động đã nghỉ việc tại công ty, tức là hợp đồng lao động giữa hai bên đã kết thúc. Khi quay lại công ty làm việc, vẫn cần tuân theo quy định về việc thử việc lại. Bởi vì hợp đồng lao động trước đó không còn giá trị. Nếu đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn của doanh nghiệp đề ra thì người lao động sẽ được tiếp nhận và giao kết hợp đồng lao động mới.

Theo Điều 24 Bộ luật Lao động 2019, doanh nghiệp và người lao động có thể thỏa thuận với nhau về việc làm thử, quyền và nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc:

1. Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.

Tùy thuộc vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc mà người lao động sẽ phải thử việc với thời gian thử việc được quy định cụ thể tại Điều 25 Bộ luật Lao động 2019:

1. Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;

2. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

3. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;

4. Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.

Đồng thời, Điều 24 Bộ luật này cũng đã nêu rõ:

3. Không áp dụng thử việc đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng.

Như vậy, khi quay lại công ty cũ làm việc, người lao động có phải thử việc lại hay không sẽ tùy thuộc vào sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động đó.

Trên đây là các thông tin liên quan đến thắc mắc nghỉ trong thời gian thử việc có cần báo trước. Nếu còn băn khoăn, độc giả vui lòng gửi câu hỏi tại đây. Các chuyên gia pháp lý của hieuluat.vn sẽ hỗ trợ bạn câu trả lời trong vòng 24 giờ làm việc, nếu câu hỏi đầy đủ thông tin.
Xem thêm:

Nghỉ việc trong thời gian thử việc có được trả lương không?

Từ 2021, thời gian thử việc có được đóng Bảo hiểm xã hội không?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X