hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 10/08/2018
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Ngoại tình có thực sự phải đi tù?

Sau khi Bộ luật hình sự 2015 ra đời, quy định Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng sẽ phải ngồi tù đến 03 năm làm dư luận xôn xao, bởi họ nghĩ rằng từ nay nếu vợ hoặc chồng mình đi ngoại tình, có thể kiện để “đối phương” phải ngồi tù. Tuy nhiên, nhiều người đang hiểu sai về điều luật này.

Khi nào ngoại tình phải đi tù?

Trong quy định của Bộ luật hình sự không có quy định về tội ngoại tình. Pháp luật chỉ quy định Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng. Các yếu tố cấu thành tội danh này được xác định như sau:

- Chủ thể của tội phạm: Là những người đã đủ tuổi kết hôn; có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự; đã có vợ hoặc chồng hợp pháp hoặc chưa có vợ/chồng nhưng biết người khác có vợ/chồng mà vẫn chung sống như vợ chồng hoặc kết hôn với người đó.

- Về mặt khách thể: Khách thể của tội này là chế độ một vợ, một chồng. Chế độ một vợ, một chồng là nguyên tắc cơ bản của Luật Hôn nhân và gia đình, được pháp luật bảo vệ.

- Về mặt chủ quan: Lỗi này là lỗi cố ý, tức là họ nhận thức rõ việc kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng là vi phạm pháp luật, thấy trước hậu quả xảy ra nhưng vẫn mong muốn hoặc bỏ mặc cho hậu quả đó xảy ra.

- Về mặt khách quan: Người phạm tội này có thể có một trong các hành vi sau:

+ Đang có vợ/chồng (đã đăng ký kết hôn hoặc hôn nhân thực tế được pháp luật thừa nhận) mà kết hôn trái pháp luật với người khác.

Việc kết hôn trái pháp luật là việc lừa dối/mua chuộc cơ quan Nhà nước để đăng ký kết hôn; tự ý tổ chức đám cưới.

+ Đang có vợ/chồng (đã đăng ký kết hôn hoặc hôn nhân thực tế được pháp luật thừa nhận) mà chung sống như vợ chồng với người khác.

Hành vi chung sống như vợ chồng được Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC quy định cụ thể là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình.

Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó...

+ Người biết rõ người kia đã có vợ hoặc chồng nhưng vẫn kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với họ.

Ngoài ra, hành vi nói trên phải gây hậu quả nghiêm trọng như: làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm; làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát; đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này.

Khi một người có đủ tất cả các yếu tố trên mới cấu thành Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng.

Ngoại tình có phải đi tù?

Thực hư việc ngoại tình phải đi tù?

Những khó khăn khi xác định Tội vi phạm chế độ, một chồng

Từ khi ra đời, quy định về tội phạm này được cả xã hội hưởng ứng nhiệt tình. Bởi, việc “ngoại tình” dường như đang ngày một gia tăng. Nhiều vụ đánh ghen xảy ra liên tục khiến dư luận xã hội lên án, phẫn nộ. Tuy nhiên, để khép được một người vào tội danh này không hề đơn giản.

- Đây là vấn đề trong gia đình, nếu không thể chung sống các bên thường chọn giải pháp ly hôn chứ không lựa chọn cung cấp bằng chứng để đưa “đối phương” vào vòng lao lý vì còn ảnh hưởng đến quan hệ cha mẹ với con cái và các quan hệ họ hàng khác;

- Việc xác định dấu hiệu của hành vi chung sống như vợ chồng gặp khó khăn bởi phần lớn thường diễn ra lén lút, bí mật; thường không có tài sản đứng tên chung; con chung thường để trống tên bố trong giấy khai sinh...

- Rất khó chứng minh hậu quả nghiêm trọng xảy ra như ly hôn, tự sát… là do có mối quan hệ nhân quả với hành vi “ngoại tình” kể trên…

Hiện nay, phần lớn các hành vi ngoại tình thường chỉ bị điều chỉnh bởi quy phạm đạo đức trong xã hội. Dù rất khó xử phạt nhưng việc đưa Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng vào Bộ luật hình sự mang tính răn đe rất cao, khiến nhiều người phải “dè chừng”.

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X