hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 20/10/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Các mức trợ cấp cho người cao tuổi là bao nhiêu?

Mục lục bài viết
  • Người cao tuổi nào được trợ cấp hàng tháng?
  • Mức trợ cấp cho người cao tuổi là bao nhiêu?
  • Thủ tục hưởng trợ cấp hằng tháng cho người cao tuổi

Người cao tuổi nào được trợ cấp hàng tháng? Mức trợ cấp cho người cao tuổi là bao nhiêu? Thủ tục hưởng trợ cấp hằng tháng cho người cao tuổi.Cùng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

Câu hỏi: Tôi năm nay hơn 60 tuổi, tôi nghe nói người cao tuổi sẽ được nhận trợ cấp hằng tháng có đúng không? Điều kiện hưởng là gì? Tôi sẽ nhận được bao nhiêu tiền trợ cấp?

Người cao tuổi nào được trợ cấp hàng tháng?

Người cao tuổi nào được trợ cấp hàng tháng?

Căn cứ khoản 5 Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP có quy định người cao tuổi được nhận trợ cấp xã hội hàng tháng nếu thuộc những trường hợp sau:

- Trường hợp 1: Người cao tuổi (từ đủ 60 tuổi trở lên) thuộc diện hộ nghèo mà không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng/có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng tuy nhiên người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng;

- Trường hợp 2: Người cao tuổi từ đủ 75 tuổi - 80 tuổi mà thuộc diện hộ nghèo/ hộ cận nghèo (không thuộc trường hợp 1) đang sống tại địa bàn các xã/thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số hoặc miền núi đặc biệt khó khăn;

- Trường hợp 3: Người từ đủ 80 tuổi trở lên (không thuộc trường hợp 1) mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp xã hội hàng tháng;

- Trường hợp 4: Người cao tuổi (từ đủ 60 tuổi trở lên) thuộc diện hộ nghèo mà không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống tại cộng đồng, đủ điều kiện được tiếp nhận ở cơ sở trợ giúp xã hội nhưng có người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng.

Mức trợ cấp cho người cao tuổi là bao nhiêu?

Mức trợ cấp cho người cao tuổi là bao nhiêu?

Mức trợ cấp cho người cao tuổi là bao nhiêu?

Căn cứ khoản 1 Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP có quy định mức trợ cấp cho người cao tuổi là từ 360.000 đến 1.080.000, cụ thể như sau:

Đối tượng

Mức hưởng hằng tháng

Trường hợp 1: Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo mà không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng tuy nhiên người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.

Từ đủ 60 tuổi đến 80 tuổi

540.000

Từ đủ 80 tuổi trở lên

720.000

Trường hợp 2: Người cao tuổi từ đủ 75 tuổi - 80 tuổi mà thuộc diện hộ nghèo/hộ cận nghèo (không thuộc trường hợp 1) đang sống tại địa bàn các xã/thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số hoặc miền núi đặc biệt khó khăn;

360.000

Trường hợp 3: Người từ đủ 80 tuổi trở lên (không thuộc trường hợp 1) mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp xã hội hàng tháng;

360.000

Trường hợp 4: Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo mà không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống tại cộng đồng, đủ điều kiện được tiếp nhận ở cơ sở trợ giúp xã hội nhưng có người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng.

1.080.000

Thủ tục hưởng trợ cấp hằng tháng cho người cao tuổi

Căn cứ  khoản 1 Điều 8 Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định thủ tục hưởng trợ cấp hằng tháng cho người cao tuổi được thực hiện như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ trợ cấp hằng tháng cho người cao tuổi

Người cao tuổi, người giám hộ của đối tượng hoặc tổ chức, cá nhân có liên quan chuẩn bị hồ sơ trợ cấp hằng tháng cho người cao tuổi bao gồm: 

- Tờ khai đề nghị trợ giúp xã hội theo Mẫu số 1d Nghị định 20/2021/NĐ-CP.

- Giấy xác nhận thông tin về cư trú, hoặc giấy thông báo số định danh và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;

- Bản chính chứng minh nhân dân/căn cước công dân;

Bước 2: Gửi hồ sơ cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã

Sau khi chuẩn bị các giấy tờ cần thiết, người có yêu cầu gửi hồ sơ trợ cấp hằng tháng cho người cao tuổi cho Chủ tịch UBND cấp xã nơi cư trú.

Bước 3: Rà soát hồ sơ

- Công chức phụ trách công tác Lao động - Thương binh và Xã hội, trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ thực hiện rà soát hồ sơ, trình Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức việc xem xét và quyết định việc xét duyệt.

- UBND cấp xã niêm yết công khai kết quả xét duyệt tại trụ sở trong vòng 02 ngày làm việc, trừ những thông tin liên quan đến HIV/AIDS.
Nếu có khiếu nại, thì trong 10 ngày làm việc từ ngày nhận được khiếu nại, Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức xem xét, kết luận và công khai nội dung khiếu nại.

Bước 4: Chủ tịch Ủy ban nhân dân gửi hồ sơ cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội

Nếu không có khiếu nại thì trong thời hạn 03 ngày làm việc từ ngày hồ sơ được xét duyệt, thì Chủ tịch UBND cấp xã có văn bản đề nghị kèm theo hồ sơ của đối tượng gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.

Bước 5: Thẩm định và trình Chủ tịch UBND cấp huyện

Sau khi nhận hồ sơ, trong thời hạn 07 ngày làm việc từ ngày nhận được hồ sơ và văn bản đề nghị của Chủ tịch UBND cấp xã, thì Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thẩm định và trình Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định trợ cấp xã hội hàng tháng cho người cao tuổi. 

Nếu người này không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thì Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời bằng văn bản đồng thời nêu rõ lý do.

Bước 6: Quyết định trợ cấp xã hội hàng tháng

Từ khi nhận văn bản trình của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, thì trong 3 ngày làm việc Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét, và quyết định trợ cấp xã hội hàng tháng cho người cao tuổi này. 

Thời gian hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người cao tuổi tại các điểm b khoản 5 Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP là kể từ thời điểm người đó đủ 75 tuổi. Còn đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 5 Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP là kể từ thời điểm người đó đủ 80 tuổi.

Trên đây là thông tin về trợ cấp cho người cao tuổi. Nếu có bất cứ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ theo số  19006199 để được hỗ trợ.

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X